Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2017)

Những bài học cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/12/2017 | 8:04:03 AM

Cách đây 45 năm, vào cuối tháng 12/1972, quân và dân cả nước, mà trực tiếp là quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, bộ đội Phòng không - Không quân đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ. Đối với dân tộc ta, đó là chiến thắng "có một không hai” trong lịch sử, bởi qua 12 ngày đêm rực lửa năm ấy, Hà Nội đã trở thành biểu tượng của niềm tin, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hà Nội trở thành "Thủ đô của phẩm giá con người”.

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khẳng định đường lối đúng đắn, tài thao lược của Đảng ta, được biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không độc đáo, sáng tạo. Chiến thắng đó là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc tầm cao trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, truyền thống nhân văn của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
Chiến thắng vĩ đại đó có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, nhất là về quân sự và ngoại giao, góp phần quyết định vào việc thực hiện chiến lược "đánh cho Mỹ cút”, tiến đến "đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất đất nước, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc vào năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chính; nhưng bên cạnh đó, đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình”, sử dụng các chiêu bài "dân chủ”, "nhân quyền”, "dân tộc”, "tôn giáo”, thúc đẩy "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; khi có cơ hội, chúng sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược.
 
Vì thế, quân và dân ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, thống nhất và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nói riêng để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
Trước hết, đó là bài học về nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu và hành động chiến tranh của địch, đảm bảo sự chủ động về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật để đối phó thắng lợi khi tình huống xảy ra. Ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo:"Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
 
Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học quy luật chiến tranh, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và những động thái mang tính thụ động của chúng; đồng thời, căn cứ vào những chuyển biến có lợi đối với ta ở chiến trường miền Nam, nhất là từ sau chiến thắng của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và cuộc tiến công chiến lược 1972, Đảng ta nhận định: với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, mà chúng sẽ sử dụng biện pháp quân sự, hòng tạo thế mạnh để buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán.
 
Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B.52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ; ngược lại, còn chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả "tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao...

Thứ hai là bài học về sự kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta để giành thắng lợi quyết định. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước hết là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng cùng với ý chí quyết đánh thắng quân xâm lược của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc; trong đó, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một điểm nhấn. Chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 là cuộc đọ trí, đọ sức quyết liệt giữa quân và dân miền Bắc với lực lượng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ.
 
Việc chúng sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược máy bay B.52 (một trong bộ ba vũ khí chiến lược của chúng) có sức tàn phá khủng khiếp, hòng hủy diệt Hà Nội đã khiến nhiều người lo ngại, thậm chí có nước bạn khuyên ta tìm một giải pháp "mềm hơn”, thay vì đối đầu với chúng. Song, chúng ta biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của kẻ thù và hiểu rõ sức mạnh tổng hợp của chính mình; đó là sức mạnh của chính nghĩa, của truyền thống dân tộc, của đường lối chiến tranh nhân dân, sự khát khao hòa bình cháy bỏng của nhân dân... và trên hết là sự gắn bó của nhân dân với Đảng.
 
Ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta bắt nguồn từ sự kiên định của quân, dân ta vào đường lối chiến tranh nhân dân, độc lập dân tộc gắn với CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra; từ lòng tin tuyệt đối của quân và dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là bài học có tính nguyên tắc, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thứ ba là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, lựa chọn cách đánh phù hợp, xác định đúng đối tượng chủ yếu để tập trung tiêu diệt, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Nhờ có sự chủ động về chiến lược, nắm chắc âm mưu, hành động chiến tranh của địch, nên chúng ta rất chủ động trong chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật. Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựngKế hoạch đánh B.52 bảo vệ Hà Nộitừ rất sớm; qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh và hoàn thành trước tháng 12/1972.
 
Việc bố trí, sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân và xây dựng thế trận phòng không "liên hoàn, vững chắc” được thực hiện tốt; nhờ đó, đã phát huy cao nhất khả năng chiến đấu của từng lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh không quân địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, liên tục cả đêm lẫn ngày.
 
Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch phòng không 1972 còn được thể hiện ở việc xác định đúng cách đánh (với đối tượng tác chiến chủ yếu là B.52), đúng khu vực tác chiến chủ yếu (địa bàn Hà Nội), tiến hành các trận đánh then chốt, then chốt quyết định với lực lượng nòng cốt của chiến dịch là Quân chủng Phòng không - Không quân, trong đó bộ đội tên lửa là lực lượng chủ công diệt B.52.
 
Đồng thời, thực hiện kết hợp chặt chẽ hai phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, đó là: đánh địch rộng khắp của lực lượng phòng không các địa phương, của dân quân tự vệ, với đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng của lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân.

Thứ tư là bài học về sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có Chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi chung của các lực lượng XHCN, của phong trào cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
 
Do cuộc kháng chiến của chúng ta sáng ngời chính nghĩa, nên chúng ta không đơn độc. Nhân dân ta đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Đặc biệt, chúng ta nhận được sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em khác về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và nguồn lực vật chất, tinh thần khác.
 
Cùng với đó, còn có sự đoàn kết keo sơn, chung một chiến hào, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Tất cả những nhân tố đó góp phần tạo thành động lực và sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Bài học về sự đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa sâu sắc và còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

K.T

Các tin khác
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục