Đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại các địa phương

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/5/2018 | 4:41:37 PM

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.


Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 24. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Trong phiên họp sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục gây bức xúc dư luận

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2018 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực và cao hơn mức tăng cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ (4,96%); lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34%, thấp hơn so với cùng kỳ (1,66%).

Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đến hết tháng 3/2018 ước đạt trên 308 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 23,4% dự toán, tăng 5,3%; chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 19% dự toán, tăng 1,7%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt khá, khoảng 331,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017; giải ngân tương đối thấp, đạt 9% dự toán năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (12,4%).

Báo cáo cũng đánh giá, các chính sách lao động, tạo việc làm tiếp tục được thực hiện tốt. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, quan tâm, hỗ trợ kịp thời tới các đối tượng chính sách,đời sống nhân dân những tháng đầu năm nhìn chung ổn định...

Thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với các kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ đã nêu song đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, còn khó khăn, vướng mắc như: Chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải "giải cứu” nông sản; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu chủ động, từ xa,  mang tầm chiến lược; giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, làm rõ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn bất cập, chưa hết tiềm năng. Tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Một số vụ việc liên quan đến ngành hải quan, thuế mới đây cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt để loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức.

Hơn nữa, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; tại một số địa phương, nhất là các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định. Một số loại hình sản phẩm mới (căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…) chưa được quy định chặt chẽ.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, vấn đề bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, y bác sỹ, thái độ của giáo viên với học sinh; hiệu quả trong tuyển sinh đại học, chế độ cho giáo viên; việc công nhận các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, gây bức xúc trong dư luận…

Về các biện pháp trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của DNNN, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Có giải pháp để thị trường bất động sản vận hành ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…

Có biện pháp quyết liệt để bảo đảm an toàn cháy, nổ trong các văn phòng, khu dân cư, nhà cao tầng và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sai phạm. Tiếp tục có giải pháp giảm tình hình tai nạn giao thông, quyết liệt xử lý đối với các vấn đề về đạo đức và bạo lực xảy ra ở các cơ sở y tế, giáo dục. Rà soát, kiểm tra tổng thể công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng cao tầng, đối với việc kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng…

Lo ngại năng suất lao động

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên UBTVQH bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung được nêu ra trong Báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra. Tuy vậy, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại với những tồn tại, hạn chế đều đã được Chính phủ và Ủy ban Kinh tế nhìn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn cho biết, vấn đề năng suất lao động thấp rất đáng lo khi "năng suất lao động Việt Nam như báo cáo mới bằng 7% Singapore, 57% Philippin,  đặc biệt bằng 87% của Lào… Còn trong một báo cáo mới được công bố ngày 8/5, năng suất lao động Việt Nam ở ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và vận tải đang xếp sau cả Campuchia”.

Nhấn mạnh đây là vấn đề cần suy nghĩ, ông đề nghị Chính phủ cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ bây giờ để làm xoay chuyển tình hình.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, nhìn nhận của Chính phủ rằng kinh tế trong nước tiếp tục phụ thuộc hơn doanh nghiệp FDI là hoàn toàn đúng. Nêu rõ, trong số giá trị xuất khẩu của chúng ta thì FDI chiếm tới 72%, ông lưu ý: "Năm 2017, tổ hợp Samsung ở Việt Nam tham gia vào giá  trị xuất khẩu của Việt Nam là 94 tỷ/425 tỷ, chiếm 23%. Đây là vấn đề hiện nay tốt nhưng nhìn trong dài hạn cần nhiều phương án”.

Vấn đề khác được Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị giải quyết là dự báo thị trường nhu cầu nông sản còn yếu. Theo ông, mặc dù nông nghiệp năm 2017 tăng trưởng cao 2,91%, 4 tháng đầu năm tăng trưởng 4,06%; đặc biệt năm 2017 có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, nhiều sản phẩm đã xuất đi các nước trên thế giới, song nhìn lại giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích nhiều nơi tăng cao, nhưng nhiều nơi ở mức thấp. Ông đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN&PTNN sớm có phương án tái cơ cấu các vùng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đầu tư thay đổi cơ cấu cây trồng, rút ngắn khoảng cách quá xa so với điều kiện hiện nay.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị lưu ý việc chưa thực hiện kỷ cương trong việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật để người dân thực hiện. "Hiện nay còn thiếu 29 văn bản để quy định, hướng dẫn cho 16 luật, bộ luật đã có hiệu lực. Điều này vi phạm khoản 2, Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” – bà nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề phòng, chống cháy nổ, bà Hải nêu rõ có một vấn đề chưa được quan tâm nhiều là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nhận xét trên xuất phát từ việc qua đợt tiếp xúc cử tri 11/2017, cử tri TP Hồ Chí Minh đã nêu bức xúc, lo lắng về nguy cơ cháy nổ ở chung cư cao tầng. Đặc biệt, người dân có nêu các vấn đề liên quan hành lang hẹp, phương tiện phòng cháy, chữa cháy còn rất bất cập…

Bà thẳng thắn phát biểu: "Kiến nghị cử tri gửi đến tháng 11/2017, vụ cháy ở Carina Plaza xảy ra tháng 3/2018. Tôi cho rằng, nếu tập trung xử lý kiến nghị cử tri, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất thì có thể giảm thiểu thiệt hại gây ra ở chung cư này”. Đồng thời đề nghị cần để ý, quan tâm hơn đến thị trường thiết bị phòng, chống cháy nổ.

Quan tâm đến vấn đề khiếu nại tố cáo, đặc biệt là khiếu nại liên quan đến đất đai, theo bà, tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân bắt nguồn từ công tác tiếp công dân định kì của các cơ quan hành chính các cấp. Qua giám sát cho thấy, các tỉnh, thành phố không thực hiện tốt tiếp công dân định kì để giải quyết những bức xúc. Thậm chí, việc công bố công khai lịch tiếp công dân định kì trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. "Hiện nay, Thủ tướng có thành lập tổ công tác mới để kiểm tra hoạt động công vụ của các công chức, vì vậy đề nghị kiến nghị kiểm tra mạnh hơn nữa công tác tiếp công dân” – bà đề nghị.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng quan tâm tới đánh giá của cơ quan thẩm tra là chi cho khoa học công nghệ ở nhiều địa phương thấp, thậm chí không đạt 50%. Điều này cho thấy cần có chính sách phù hợp chi cho khoa học công nghệ sát thực tế, mang tính ứng dụng cao hơn.

Khẳng định đây là nội dung đã được Quốc hội đề cập nhiều kỳ họp, nhiều nhiệm kỳ, ông nêu "Chi cho khoa học công nghệ của chúng ta chỉ 0,32% trong khi GDP rất bé, trong khi các nước phát triển như Trung Quốc là 2% GDP, Mỹ gần 3% GDP... Câu chuyện này đã nói đi nói lại nhiều lần, tôi muốn lần này Chính phủ phải có giải pháp rất cụ thể, rất khả thi nếu không những vấn đề như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến… không thực hiện được”.
 
(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác

Tiếp tục Chương trình công tác, ngày 29/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra Dự án đường kết nối huyện Mường La, tỉnh Sơn La, các huyện Than Uyên, Tân Uyên, tỉnh Lai Châu và các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ xã Nậm Có đến đỉnh Tà Cua Y.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 29/3, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thanh tra. Đồng chí Dương Quốc Huy - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì họp Phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sáng nay - 29/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực (BCĐ PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục