Kể từ đó đến nay, các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo nên sức mạnh về vật chất và tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của từng giai đoạn cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác thi đua, bất kỳ công việc gì ích nước, lợi nhà là đều có thể và cần phải thi đua. Người đã từng nói:"Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”.Người lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.
Người khẳng định: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; thi đua phải được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, rộng khắp, phải có lãnh đạo đúng, có chuẩn bị tốt, có đôn đốc kiểm tra, có tổng kết khen thưởng, tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm rộng rãi.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng bằng những quy định cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.
Từ đó, các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã khơi dậy ý thức tự giác và sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp... tạo khí thế thi đua thường xuyên, sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, là động lực to lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị qua từng thời kỳ, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển.
Điều đó, được cụ thể hoá bằng các phong trào thi đua tiêu biểu như: "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”;"Thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, "Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”,"Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quản lý kinh doanh giỏi”; "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ”, "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, "Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, "Xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ”... đã thực sự biểu dương lực lượng, ý chí, quyết tâm và hành động cách mạng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Từ các phong trào thi đua ấy đã xuất hiện hàng loạt tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, xuất sắc. Điển hình như thầy Nguyễn Duy Thanh - đảng viên, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Văn Chấn; ông Đinh Văn Kim - ở xã Đại Phác, huyện Văn Yên, đại biểu điển hình trong Phong trào Xây dựng nông thôn mới; ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty cơ khí Hồng Hà, đại biểu điển hình trong phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quản lý kinh doanh giỏi"…
Đằng sau mỗi tấm gương thi đuaấy là những tấm lòng yêu nước, tình nghĩa tương thân, tương ái đối với đồng bào, đồng chí và đồng đội; những quyết tâm, nghị lực vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu cho gia đình và cho quê hương; tinh thần năng động, sáng tạo, nắm bắt, áp dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhờ phát huy các phòng trào thi đua yêu nước mà kết thúc năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòngvượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện"5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 10 dự án trọng điểm” và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, lần đầu tiên Yên Bái thu ngân sách Nhà nước đạt trên trên 2.500 tỷ đồng (vượt 30% so với chỉ tiêu Trung ương giao, vượt 22% so với chỉ tiêu tỉnh giao); đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 33 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (vượt 33% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII).
Tỷ lệ giảm hộ nghèo vượt so với kế hoạch;chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng 14 bậc so với năm 2016; xuất hiện một số nhân tố mới, tích cực trong thu hút đầu tư, với các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Những kết quả đó, đã tạo thế và lực để tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh cả nướcđẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các hoạt động đối ngoại, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương; quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là nông dân; tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Để phong trào thi đua gắn với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của địa phương hiện nay, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì và nhân rộng các phong trào thi đua có hiệu quả thì các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trong đó, chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội như: thi đua cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...
Các phong trào thi đua cần hướng vào đổi mới tư duy sáng tạo, có tầm nhìn chiến lược, tiếp cận, phát triển và nhân rộng những ý tưởng mới, mô hình mới hiệu quả trong quản lý, khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học... từng bước đưa Yên Bái tiến kịp với trình độ phát triển chung của cả nước, tận dụng tốt cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó, gắn các phong trào thi đua với công tác xây dựng Đảng trong sạch, chính quyền vững mạnh; quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng, đưa phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh, tạo động lực mới, khí thế mới của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh