Kỳ họp chỉ diễn ra trong 21 ngày, nhưng với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ năm với nhiều nội dung quan trọng. Có đại biểu Quốc hội đã bày tỏ: "Kỳ họp thứ năm là kỳ họp thành công, ngắn gọn, xúc tích, các mục tiêu chương trình đặt ra đều đạt được”.
Cụ thể, trong công tác xây dựng luật, các dự thảo luật đưa ra đều được các đại biểu Quốc hội quan tâm tham góp ý kiến một cách tích cực. Chỉ riêng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngoài những ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường vẫn còn tới 39 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu.
Trong các cuộc thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế và Sóc Trăng hay thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tích cực đóng góp ý kiến.
Với trách nhiệm là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái và tham gia làm tổ phó tổ thảo luận cùng các tỉnh, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã cùng với Tổ trưởng điều hành hiệu quả các phiên thảo luận; đồng thời, trực tiếp tham gia ý kiến vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển...
Đại biểu Quốc hội đoàn Yên Bái đã chủ động nghiên cứu tài liệu, thường xuyên trao đổi, hội ý những nội dung thảo luận và chất vấn. Nhờ đó, những vấn đề nêu lên tại nghị trường Quốc hội đều mang tính khả thi và sát với thực tế của tỉnh. Đại biểu Giàng A Chu khi thảo luận về Luật Trồng trọt đã đề nghị đưa mô hình nông lâm kết hợp - một mô hình kinh tế khá phổ biến ở Yên Bái vào Dự thảo Luật Trồng trọt.
Còn đại biểu Triệu Thị Huyền, trong phiên thảo luận, đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu nhất trí cao sửa đổi một số điều trong dự án luật giáo dục Đại học để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Theo đại biểu, tại điều 89, cần bổ sung Khoản 3: Sinh viên sư phạm có thể được hưởng chính sách tín dụng sư phạm, sau khi ra trường nếu công tác trong ngành sư phạm sẽ được miễn trả khoản tín dụng này. Đồng ý khoản này là để tránh lãng phí đầu tư cho giáo dục, giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Huyền cho rằng Chính phủ cũng cần phải quy định cụ thể, rõ ràng và chi tiết.
Đối với những trường hợp các em học sinh, sinh viên tự túc, không tham gia khoản vay tín dụng sư phạm mà các em tự chi trả toàn bộ học phí cũng như sinh hoạt phí trong quá trình theo học ngành học sư phạm, thì sau khi tốt nghiệp ra trường các em công tác trong ngành giáo dục đủ và đúng thời gian quy định thì việc bồi hoàn, cũng như trách nhiệm bồi hoàn phải được Chính phủ quy định một cách cụ thể và chi tiết để đảm bảo sự công bằng giữa các em trong quá trình học tập.
Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.
Tham gia ý kiến vào Luật Chăn nuôi, đại biểu Nguyễn Thị Vân cho rằng, các chế tài xử phạt trong nhiều trường hợp vi phạm chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe, do đó người sản xuất, kinh doanh sẽ chạy theo lợi nhuận, lợi ích kinh tế đã cố tình vi phạm và chấp nhận xử phạt.
Đại biểu Nguyễn Thị Vân cũng đã thay mặt đoàn phát biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết và những nội dung dự thảo Luật sửa đổi bổ sung, sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Sự tham gia ý kiến của đại biểu đã góp phần để đầu giờ buổi sáng ngày họp cuối cùng, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết và thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến Luật Quy hoạch.
Theo Đoàn Chủ tịch điều hành Kỳ họp, các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Đối với Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ Kỳ họp thứ năm sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi.
Có thể nói, phần chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới tại kỳ họp này đã mang lại những "cảm xúc” đối với những người theo dõi các phiên truyền hình trực tiếp. Hơn 200 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn và tranh luận với phương thức "hỏi nhanh - đáp gọn, mỗi đại biểu có 1 phút để nêu chất vấn. Còn người bị chất vấn có 3 phút để giải trình”.
Những câu hỏi cũng khá "hóc búa” và được sự quan tâm của cử tri. Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại biểu Giàng A Chu nêu câu hỏi: "Cuộc chiến chống tham nhũng đã được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá đạt được một số kết quả nhất định. Chính vì vậy đã tăng thêm lòng tin rất lớn của cử tri và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Xin Phó thủ tướng cho cử tri cả nước biết quyết tâm của Chính phủ về tiếp tục cuộc chiến này trong thời gian tới như thế nào?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, "Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm, tích cực tranh luận; thành viên Chính phủ nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, rõ vấn đề, đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế, bất cập”.
Với tỷ lệ 100% các đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tại kỳ họp. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới; chương trình làm việc được bố trí hợp lý; công tác điều hành theo đúng Quy chế và chương trình kỳ họp, đã có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế và bảo đảm đúng nguyên tắc...
Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng. Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua.
"Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động của các tổ chức, cơ quan khác” - Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Một kỳ họp khép lại với những kết quả tích cực. Những đổi mới, cải tiến trong kỳ họp tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả và nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân; hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân. Điều đó đồng nghĩa với việc các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này sẽ sớm đi vào thực tiễn đời sống nhân dân.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 7 luật gồm: Luật Quốc phòng; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật (Luật Dược; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Điện lực; Luật Hóa chất; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Trẻ em; Luật Công chứng; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công); cho ý kiến về 8 dự án luật: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. |
Quang Tuấn