Sắp xếp thôn, tổ dân phố: Chính quyền quyết tâm, lòng dân đồng thuận

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/6/2018 | 8:15:20 AM

YênBái - YBĐT - Thời gian này, việc sắp xếp thôn, tổ dân phố đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Trạm Tấu từ trung tâm huyện lỵ đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. 

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với lãnh đạo xã Bản Mù về chủ trương sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với lãnh đạo xã Bản Mù về chủ trương sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn.


Từ khi họp thôn bàn về phương án sáp nhập giữa thôn Đầu Cầu với thôn Chống Khua, anh Vàng A Nhà ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ cảm thấy rất phấn khởi, gặp ai cũng kể khi sáp nhập 2 thôn là một rồi thì nhiều việc thực hiện sẽ thuận lợi và có hiệu quả hơn. Ví như việc chăn thả gia súc trước đây không thống nhất một thời điểm nên dẫn đến vẫn có tình trạng gia súc của thôn này phá hoại hoa màu của thôn khác; rồi đến việc gieo cấy các cây hoa màu mỗi thôn một thời điểm nên hay bị sâu, bệnh phá hoại mùa màng, giờ sáp nhập nhập thành một có sự thống nhất cùng một khung lịch chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Trưởng thôn Đầu Cầu - Hờ A Vàng tiếp lời: "Sáp nhập rồi việc nắm bắt tình trạng học sinh đi học thất thường cũng sẽ kịp thời hơn, việc tổ chức thực hiện hương ước thôn, bản được hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc huy động đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi cũng sẽ thuận lợi, tập trung hơn, không manh mún, nhỏ lẻ như trước nữa. Trước đây, mỗi lần huy động bà con đi mở đường hoặc sửa chữa các công trình thủy lợi, chỉ lẻ tẻ một vài người, nhìn cũng không thấy khí thế, rồi đến các công trình đầu tư của Nhà nước khi sáp nhập rồi chắc cũng tập trung hơn và nhiều lợi ích khác nữa”.
 
Không riêng anh Nhà, anh Vàng mà nhiều hộ dân của thôn Đầu Cầu và thôn Chống Khua cũng đã nhận thức được lợi ích của việc sắp xếp lại thôn. Hơn nữa, trước đây, hai thôn này vốn là một và tách ra từ năm 1992, do vậy, việc triển khai phương án sáp nhập 2 thôn này đã cơ bản nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. 

Thực hiện chủ trương sắp xếp thôn, tổ dân phố, trên cơ sở rà soát, tổ chức họp thôn để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đồng thời căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp của huyện, xã Xà Hồ đã xây dựng phương án thành lập 2 thôn mới gồm thôn Chống Khua với quy mô 90 hộ trên cơ sở sáp nhập 31 hộ thôn Chống Khua và 59 hộ thôn Đầu Cầu và thôn mới Háng Xê với quy mô 90 hộ dân trên cơ sở sáp nhập 2 thôn Háng Xê và thôn Cu Vai.
 
Các thôn còn lại, xét về quy mô số hộ gia đình chưa bảo đảm theo quy định nhưng do điều kiện địa hình vùng núi giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, các hộ phân bố rải rác, khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của thôn nên xã đề nghị giữ nguyên 5 thôn là: Sáng Pao, Háng Thồ, Khấu Dê, Suối Giao và Tà Đằng.

Căn cứ vào hướng dẫn của Phòng Nội vụ huyện về thực hiện phương án sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, xã Trạm Tấu đã tổ chức họp thôn để quán triệt đến nhân dân mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn cũng như trưng cầu ý kiến của nhân dân về chủ trương này. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xã Trạm Tấu xây dựng đề án thành lập mới thôn Tấu Trên với quy mô 168 hộ dân trên cơ sở sáp nhập 76 hộ dân của thôn Tấu Trên và 92 hộ của thôn Tấu Giữa. Các thôn khác giữ nguyên hiện trạng.
 
Đồng chí Giàng A Hành - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu cho biết: "Qua họp dân cũng như nắm bắt tâm tư của người dân cho thấy, hầu hết người dân đều nhất trí với chủ trương sáp nhập thôn với phương án mà xã xây dựng. Bởi ở 2 thôn trên có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông liên hoàn. Đây cũng là 2 thôn có vị trí liền kề nhau với 100% dân số là đồng bào Mông sinh sống nên có những nét tương đồng về phong tục tập quán. Việc sắp xếp không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nên bà con phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ”.
 


Lãnh đạo xã Xà Hồ trao đổi với người dân thôn Đầu Cầu về chủ trương sáp nhập thôn, bản.

Huyện Trạm Tấu hiện có 69 thôn, tổ dân phố gồm có 64 thôn và 5 tổ dân phố; trong số này, có 62 thôn dưới 200 hộ, 5 tổ dân phố có số hộ dưới 300 hộ. 

Bên cạnh những thuận lợi như lòng dân đồng thuận, chính quyền triển khai nghiêm túc thì việc sắp xếp thôn, tổ dân phố ở huyện Trạm Tấu cũng gặp không ít khó khăn. Tại Điều 7 của Thông tư số 09 ngày 19/12/2017 của Bộ Nội vụ Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới quy định ở vùng miền núi thôn phải có từ 200 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố phải có từ 300 hộ gia đình trở lên.
 
Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Đối chiếu với các quy định trên huyện Trạm Tấu, chỉ có một xã bảo đảm đủ tiêu chí, các xã còn lại không xã nào bảo đảm đủ theo tiêu chí của Bộ Nội vụ. Xã được tiêu chí này lại mất tiêu chí kia. Trong 69 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, chưa có thôn, bản nào bảo đảm đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với quan điểm nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Trạm Tấu đã chủ động tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn huyện về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp lại thôn, tổ dân phố; đồng thời, xây dựng phương án thực hiện của huyện”.

Qua rà soát thực tế, đối chiếu với các quy định của Bộ Nội vụ, việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố ở huyện Trạm Tấu gặp nhiều trở ngại trong đó địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác là những khó khăn chủ yếu. Tại Bản Công – một xã cách trung tâm huyện không xa nhưng việc sáp nhập thôn lại rất khó thực hiện. Xã có 5 thôn thì mỗi thôn ở một khu riêng biệt. Các thôn liền kề cũng cách nhau vài cây số, xa nhất cũng cách nhau đến 10 cây số như: thôn Tà Chử phải đi qua thôn Lừu I, Lừu II của xã Hát Lừu mới đến thôn này.
 
Mặt khác, tuy số hộ ở mỗi thôn của xã không nhiều nhưng diện tích đất tự nhiên lại khá rộng như thôn Bản Công chỉ có 121 hộ dân nhưng diện tích đất tự nhiên lại lên tới 4.408,6 ha hay thấp nhất là thôn Tà Chử cũng có diện tích đất tự nhiên lên đến hơn 800 ha. Các thôn khác dao động từ hơn 1.000 đến hơn 2.000 ha,  rất khó để quản lý nếu như sáp nhập. Do vậy, xã Bản Công đề nghị được giữ nguyên hiện trạng các thôn trên địa bàn xã.
 
Đồng chí Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Trên cơ sở rà soát, đối chiếu với tiêu chí quy định phải bảo đảm 200 hộ trở lên, xã không có thôn nào bảo đảm được quy định, các thôn, bản chia cắt, mỗi thôn có nhiều chòm dân cư và các chòm không tập trung nên rất khó quản lý nếu như sáp nhập”. Như vậy, trong đợt này, huyện Trạm Tấu có 10 xã, thị trấn xây dựng được phương án sáp nhập thôn, tổ dân phố; trong đó, xã nhiều nhất giảm được 2 thôn; thị trấn Trạm Tấu giảm được 2 khu phố.

Từ những khó khăn trên, huyện Trạm Tấu đã xây dựng phương án sắp xếp thôn, tổ dân phố trên nguyên tắc phù hợp với thực trạng, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi địa phương bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt sản xuất của nhân dân, không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới...
 
Theo đó, từ 69 thôn, tổ dân phố, huyện đề nghị sắp xếp thành 57 thôn, tổ dân phố, giảm 2 tổ dân phố và 10 thôn. Với phương án này, huyện có 4 thôn đủ điều kiện 200 hộ, 50 thôn dưới 200 hộ và 3 tổ dân phố có số hộ dưới 300 hộ. Các thôn bản đề nghị được giữ nguyên với lý do chủ yếu là điều kiện địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, các hộ dân phân bố rải rác, khó khăn trong công tác quản lý... Đến nay, huyện Trạm Tấu đã xây dựng xong phương án sắp xếp cụ thể ở từng xã và lập tờ trình đề nghị tỉnh phê duyệt.

 Sắp xếp thôn, tổ dân phố là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm quy định và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ trương này đến đông đảo nhân dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong quá trình thực hiện.

Hoàng Hằng

Các tin khác

YBĐT - Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí tỉnh Yên Bái năm 2018 tổ chức chiều 20/6, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu ghi nhận, biểu dương những đóng góp của đội ngũ người làm báo tỉnh nhà và định hướng nhiệm vụ  của báo chí trong thời gian tới. Báo Yên Bái gửi tới bạn đọc phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

 YBĐT - Chiều 20/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018) và trao Giải Báo chí Yên Bái năm 2018.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

Sáng 20-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các nhà báo lão thành và lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống chúc mừng lãnh đạo và cán bộ phóng viên, biên tập viên, các văn nghệ sỹ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh nhân dịp 21/6.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), chiều 20/6, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh đã đến thăm, chúc mừng lãnh đạo và cán bộ phóng viên, biên tập viên, các văn nghệ sỹ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục