Chiều 20/8, tại UBND tỉnh Yên Bái, Đoàn công tác của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn và đồng chí Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và đại diện các đơn vị kinh doanh rượu, bia trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đó, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 29 điều.
Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nêu rõ: Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia ngày càng trầm trọng đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết. Rượu, bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Với những tác động đến sức khỏe cộng đồng, xã hội và tài chính; rượu, bia thực thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan tới rượu, bia. Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Năm 2012, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia.
Mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả về sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Tập trung thảo luận, tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, hầu hết ý kiến các sở, ban, ngành của tỉnh đều cho rằng, việc ban hành Luật là rất cần thiết vì những ảnh hưởng, bất lợi của rượu, bia ngày càng trầm trọng không chỉ đến sức khỏe của cá nhân người sử dụng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội.
Hầu hết đại biểu cũng bày tỏ đồng tình, nhất trí với tên gọi, đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng và bố cục của Dự thảo Luật; các quy định trong dự thảo văn bản có tính khả thi cao.
Góp ý thêm vào các nội dung của Dự thảo Luật về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia (Chương II, từ Điều 5 đến Điều 9), các đại biểu cho rằng: Tại mục b, Khoản 2, Điều 5 cần sửa thành: "… vận động, khuyến khích cộng đồng khu dân cư đưa vào quy ước, hương ước nội dung hạn chế hoặc không uống rượu, bia trong đám tang, đám cưới và các lễ hội”.
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Yên Bái tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại
rượu, bia
Đối với các trường hợp không được uống rượu, bia, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người dưới 18 tuổi và tại Khoản 1, Điều 6 có ghi cấm người lao động uống rượu giữa ca các ngày làm việc là chưa phù hợp vì nếu sử dụng từ "người lao động” chung thì sẽ được hiểu là gồm cả những người lao động tự do, vậy thì khó khả thi; đề nghị sửa lại Khoản 1, Điều 6 là "Cán bộ, công chức, việc chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca trong ngày làm việc”.
Về công tác kiểm soát việc khuyến mại rượu, bia, có ý kiến băn khoăn, đề nghị cân nhắc tại Mục c, Khoản 2, Điều 8 qui định không được quảng cáo rượu, bia trên mạng internet, việc này có thể sẽ khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý với các trang mạng có tên miền, máy chủ đặt tại nước ngoài.
Đối với các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia để phòng, chống tác hại của rượu, bia, có ý kiến cũng cho rằng, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công cần được siết chặt và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn và đề nghị tại Khoản 4, Điều 14 cần quy định làm rõ thời gian không bán rượu, bia đối với cơ sở bán lẻ và cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ ngay trong Luật.
Đồng thời, các đại biểu tham gia ý kiến về một số điều, khoản của Luật nên được quy định ngay trong Luật để tránh rườm rà, chậm tiến độ đưa Luật vào cuộc sống và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia…
Đồng chí Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp thu ý kiến tham gia vào Dự án Luật của các đại biểu tỉnh Yên Bái.
Thay mặt đoàn công tác của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng chí Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu vào Dự thảo Luật, đồng thời sẽ tiếp thu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Luật này để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Đức Toàn – Hoài Văn