Tuyên ngôn Độc lập: Áng văn bất hủ về quyền con người, quyền dân tộc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/9/2018 | 8:06:00 AM

Lịch sử nước ta, ngay từ thuở đấu tranh dựng nước đã có những áng văn được coi như những bản tuyên ngôn khẳng định quyền độc lập dân tộc như bài thơ "Nam quốc sơn hà" ở thế kỷ X:

Quân đội nhân dân Việt Nam - Lực lượng hùng hậu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. (Ảnh: T.L)
Quân đội nhân dân Việt Nam - Lực lượng hùng hậu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. (Ảnh: T.L)

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Đến thế kỷ XV, "Bình Ngô đại cáo" tiếp tục khẳng định :

... Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xây nền văn hiến đã lâu
Nước non bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập...
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương  

Kế thừa tinh thần độc lập dân tộc từ xa xưa, đến thế kỷ XX, Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu chính quyền cách mạng đã trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Để khẳng định điều thiêng liêng về quyền con người, quyền dân tộc, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng việc trích dẫn hai đoạn văn trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789: "Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và Người đã nhấn mạnh: "Suy rộng ra, câu nói này có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Trong cụm từ "suy rộng ra”, từ quyền lợi con người nói chung, Bác đã phát triển thành quyền lợi dân tộc cụ thể. Nhận thức của Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các dân tộc được đúc kết từ tấm lòng thiết tha với vận mệnh dân tộc Việt Nam đã từng rên xiết dưới ách thực dân. Trong mỗi dân tộc có nhiều cá nhân, song quyền của mỗi cá nhân lại không bao hàm đầy đủ quyền của dân tộc.
 
Cho nên, "Suy rộng ra” của Người thật là mở rộng khái niệm và nâng cao tầm nhìn về quyền tự nhiên cùng đối tượng được hưởng quyền tự nhiên ấy. Do vậy, câu viết ấy nói lên khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và cũng là tiếng nói chung của các dân tộc trên thế giới.
 
Giá trị nhân văn, ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh giải phóng được bao hàm trong lời tuyên bố đó. Bởi vậy, sau khi tố cáo tội ác dã man của chế độ thực dân, phong kiến và thành quả cách mạng đã lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã trịnh trọng tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”.
 
Tuyên bố đanh thép đó đã hiệu triệu muôn người và trở thành động lực để Hồ Chủ tịch kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp sau đó: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. 

Tiếp đó là lời hiệu triệu toàn dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Từ lời tuyên thệ "Quyết giữ vững tự do và độc lập” đến chân lý ngời sáng "Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã đưa nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống vĩnh cửu của Tuyên ngôn Độc lập.

B.T

Các tin khác

YBĐT - Trong không khí náo nức, vui tươi đón mừng tết độc lập lần thứ 73, mỗi người chúng ta lại bùi ngùi nhớ Bác - vị Cha già dân tộc, cả cuộc đời vì nước, vì dân. 

YBĐT - Chiều 31/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã có buổi làm việc với Tập đoàn TH để triển khai ý tưởng xây dựng Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội, tỉnh Yên Bái.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà tặng hoa chúc mừng Đại hội.

YBĐT - Sáng 31/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013-2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục