Nền tảng văn hóa - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cấu thành chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/11/2018 | 9:36:50 AM

Nền tảng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần cấu thành chất lượng cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nền tảng văn hóa đó bao gồm các yếu tố quan trọng, như văn hóa đạo đức; văn hóa chính trị; văn hóa tranh luận, phản biện; văn hóa thực học, tự học, học tập suốt đời; văn hóa tự phê bình và phê bình; tầm nhìn chiến lược, tự quản bản thân; trình độ học vấn; trình độ khoa học; cách ứng xử giao tiếp giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên,... nhưng nổi bật hơn cả là tri thức triết học.

1- Năm 1900 trong bài "Những nhiệm vụ bức thiết của phong trào chúng ta”, nói về tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo và vai trò lãnh tụ của giai cấp muốn giành chính quyền, V.I. Lê-nin viết: "Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(1). 

Nhiệm vụ đào tạo cán bộ lãnh đạo của một đảng chính trị sau khi đã giành được chính quyền cũng không kém phần quan trọng. Thực tế lịch sử xã hội cho thấy, bất cứ một đảng chính trị cầm quyền nào muốn cầm quyền bền vững và lâu dài, muốn lãnh đạo thành công công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đều cần có những người lãnh đạo tài năng, hoặc cao hơn nữa là lãnh tụ xuất chúng. Đó là người ở tầm cao hơn mọi người đương thời về trí tuệ, năng lực tổ chức và năng lực tư duy; với đầy đủ phẩm chất đạo đức mà thời đại đòi hỏi. Tóm lại, đó là người có một nền tảng văn hóa uyên bác, vững vàng và vượt trội. 

Tuy nhiên, một đảng chính trị cầm quyền có đầy đủ sức mạnh và quyền lực, có một lãnh tụ hay người lãnh đạo tài năng muốn lãnh đạo và quản lý đất nước thành công, thì điều quan trọng bậc nhất không thể thiếu được là sự đồng lòng và ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân, bởi vì "nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”(2). Điều không kém phần quan trọng khác là Đảng không thể thiếu một đội ngũ cán bộ các cấp từ cấp chiến thuật đến cấp chiến lược, có đầy đủ năng lực và phẩm chất. Đó là lý do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(3); chính "cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(4). 

Thế nhưng, năng lực của cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược của một đảng chính trị, của một đất nước không tự nhiên sinh ra. Bởi vì "năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có”(5). Họ phải tự mình tôi luyện và phải được tôi luyện, được sàng lọc, rèn giũa và thử thách qua thời gian trong những môi trường khác nhau của xã hội, qua thực tiễn các loại công việc khác nhau được giao phó. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đánh giá cán bộ cấp chiến lược là những người "có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện”. Đó chính là những phẩm chất không thể thiếu được của những người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và nhất là trong thời gian dài sắp tới. 

2- Như chúng ta biết, phạm trù văn hóa rất rộng và hết sức phong phú. Văn hóa có thể được hiểu theo nghĩa rộng gồm cả hai mặt là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần do con người sáng tạo ra trong từng giai đoạn và cả trong suốt quá trình lịch sử của nhân loại. Bởi vậy, không dễ dàng gì để đưa ra một định nghĩa hay một cách hiểu về văn hóa chứa đựng được toàn bộ những nội dung phong phú của nó mà tất cả mọi người đều hoàn toàn đồng tình và chấp nhận. Theo nghĩa hẹp hơn, văn hóa là toàn thể đời sống tinh thần của xã hội; là trình độ phát triển mà xã hội đã đạt được về các mặt học vấn, khoa học, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên,... cùng với các thiết chế tương ứng. 

Với cách hiểu văn hóa như trên, chính mặt văn hóa tinh thần này tạo nên cốt cách, nền tảng góp phần quan trọng để hình thành phẩm chất của một con người, bất kể là giới bình dân hay người có địa vị trong xã hội. Vì vậy, khi một cơ quan hay một tổ chức có trách nhiệm đánh giá, nhận xét về một con người để sắp xếp vào vị trí lãnh đạo nào đó thì không nên nhầm lẫn hay đánh đồng trình độ học vấn với trình độ văn hóa của người ấy, mặc dù trình độ học vấn là yếu tố không thể thiếu để tạo nên nền tảng văn hóa của người đó; đồng thời cũng "không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc”(6) mà người đó đã từng đảm nhận. 

Mặt khác, trong cuộc sống của cộng đồng dân cư, nhất là trong xã hội văn minh, việc coi trọng sự giàu có về vật chất hay khuyến khích làm giàu chính đáng là hết sức bình thường, song không nên đánh đồng sự giàu có về vật chất của một con người với nền tảng văn hóa của con người đó. Về điều này, vào thời cổ đại, A-ri-xtốt (384 - 322 TCN) đã từng nói rằng, có những người mà "tất cả suy tư của họ trong đời là làm sao để có tiền bạc càng nhiều càng tốt,... chỉ chú trọng đến sống còn chứ không nghĩ đến chuyện sống tốt đẹp”(7). Cho nên, nếu một con người không nghĩ đến chuyện sống tốt đẹp, tức là "không có đức hạnh, hắn sẽ trở thành kẻ dã man nhất, đê tiện nhất, chỉ biết chiều theo nhục dục”(8). Do vậy, sự giàu có tiền bạc hay của cải không phải là thứ quan trọng để đánh giá về phẩm chất của một con người. Trái lại, đức hạnh, lối sống tốt đẹp, vị tha, trong sạch và sự trung thực mới là những phẩm chất góp phần làm nên nền tảng văn hóa của một con người.

Chính mặt đức hạnh chi phối rất mạnh cách thức và hành vi giao tiếp, ứng xử của một con người. Người mà đức hạnh kém, chỉ nghĩ đến bản thân mình, thì khó trung thực. Điều này dễ thể hiện qua cách giao tiếp hay cách ứng xử. Ở họ, trong khi giao tiếp, rất khó che giấu thái độ hoặc nịnh nọt, khoe khoang, thậm chí là mặc cả đủ điều, cốt sao cho con đường công danh và mọi việc của bản thân họ được hanh thông. 

Trái lại, người có đạo đức và trung thực không bao giờ chịu luồn cúi, nịnh bợ hay xu thời; không dùng tiền của để mua chuộc người khác, không câu kết với người có quyền lực để cầu mong được thăng tiến và giàu sang. Trong cuộc sống thường ngày, thông qua hành vi giao tiếp và cách ứng xử của một người, người ta cũng có thể đánh giá bước đầu. Bởi vậy, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược càng cần "phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(9), nghĩa là, trước hết, cần xây dựng cho mình văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp chân thành, thật sự cầu thị và trung thực, không màng danh vị, không vụ lợi cho bản thân và gia đình,... là những phẩm chất văn hóa đạo đức tối cần thiết trong nền tảng văn hóa cần có trước khi nghĩ đến những việc làm to lớn hơn.

Như vậy, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược có đạo đức tốt, có nền tảng văn hóa đạo đức vững vàng là điều kiện cần thiết bậc nhất trước khi tính đến các tiêu chuẩn quan trọng khác. Việc đánh giá đạo đức của người cán bộ không chỉ dựa trên hành vi giao tiếp và cách ứng xử trong xã hội mà còn ở cách xử lý những vấn đề của thiên nhiên, môi trường sống. Việc khai thác thiên nhiên quá mức, nhất là khai thác tài nguyên không tái tạo; phát triển công nghiệp thiếu chặt chẽ trong việc đánh giá tác động môi trường; nạn phá rừng diễn ra khắp cả nước do sự thờ ơ, thậm chí là cả sự tiếp tay của chính quyền các cấp, của những người thừa hành công vụ... đang đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của con người. Trách nhiệm đạo đức đang đòi hỏi văn hóa sinh thái và văn hóa đạo đức của cán bộ các cấp phải được quan tâm đặc biệt, nếu không hậu quả sinh thái sẽ vô cùng khó lường. 

3- Tuy nhiên, văn hóa đạo đức mới chỉ là một mặt. Còn nhiều mặt khác mà người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cần phải chú ý trang bị cho mình. Cụ thể là chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại cách mạng khoa học và công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng, thời đại mà "tri thức xã hội phổ biến chuyển hóa thành lực lượng sản xuất trực tiếp”(10) như C. Mác nói, thì hơn ai hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược còn phải đáp ứng những đòi hỏi quan trọng khác về văn hóa, trong đó có trình độ học vấn, trình độ hiểu biết nhiều mặt về khoa học hiện đại liên quan đến tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,... 

Dĩ nhiên, không phải tất cả các cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược đều nhất thiết phải trở thành các chuyên gia thực thụ của từng lĩnh vực chuyên ngành; song, nếu không có trình độ hiểu biết đủ sâu ở mức cần thiết, nếu không có kiến thức chuyên ngành về các lĩnh vực mà mình phụ trách thì rất khó đề ra được chiến lược lâu dài hoặc các chính sách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nói cách khác, ai phụ trách ngành nào, công việc nào thì phải thành thạo ngành đó, công việc đó. Về điều này, ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an..., cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”(11). Đó cũng là lý do vì sao mà sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công V.I. Lê-nin cũng từng tuyên bố sẵn sàng đổi hàng tá những người cộng sản không thạo việc để lấy một chuyên gia tư sản am hiểu và thạo việc. 

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay với nhiều thách thức và biến động khó lường đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cần có tầm hiểu biết sâu rộng về tình hình chính trị thế giới, trong đó có văn hóa địa - chính trị thế giới, những nguy cơ, thách thức đặt ra với Việt Nam... Nếu không có tầm nhìn xa mang tính chiến lược về các vấn đề đó thì rất dễ bị động và vô cùng khó khăn khi đối phó với các sự kiện bất thường diễn ra. 

Cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược rất cần một tầm hiểu biết sâu sắc về đất nước trên tất cả các mặt, từ vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa đến cả mặt mạnh và điểm yếu của từng lớp người và các tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hiểu biết về địa lý, lịch sử - văn hóa dân tộc giúp cán bộ luôn giữ vững bản lĩnh, trách nhiệm quốc dân, khi hội nhập quốc tế với tâm thế chủ động, tích cực, tự tôn và tự cường dân tộc; là "vốn đối ứng” để tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, biến ngoại lực thành nội lực; là "quyền lực mềm” để gây ảnh hưởng ra bên ngoài, quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như tạo khả năng đề kháng, miễn nhiễm với các hành vi mua chuộc, lôi kéo, tranh thủ cán bộ gây tổn hại cho lợi ích quốc gia - dân tộc. Bài học được đúc kết trong lịch sử dân tộc một khi được cán bộ cấp chiến lược thấm nhuần sâu sắc, sẽ bảo đảm cho việc học tập, tiếp thu, vận dụng mọi lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn thế giới một cách phù hợp, không rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Tri thức về địa lý, lịch sử - văn hóa dân tộc, một khi chuyển hóa thành tình cảm yêu nước chân chính sẽ tạo động lực to lớn để người cán bộ tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển.

Như vậy, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược nhất thiết phải hết sức tỉnh táo để tránh những hậu họa khôn lường cho đất nước. Đó cũng chính là phẩm chất, là tầm văn hóa chính trị trong nền tảng văn hóa mà mỗi cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cần tự trang bị cho mình. 

Trong văn hóa chính trị không thể thiếu tri thức chính trị, tư duy chính trị, hành vi chính trị, năng lực cầm quyền, cách ứng xử và cách thức thực thi những nhiệm vụ chính trị. Tất cả các yếu tố này tạo nên kết cấu hữu cơ của văn hóa chính trị, đồng thời cũng phản ánh nhân cách chính trị của người làm chính trị. Một người lãnh đạo có tri thức chính trị cao và tư duy chính trị nhạy bén thì mới có thể kịp thời nắm bắt, dự báo chính xác được xu thế, diễn biến của các sự kiện cả ở trong và ngoài nước ngay khi mới bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khác thường. Đồng thời, người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược nếu có đầy đủ các yếu tố đó của văn hóa chính trị thì cũng sẽ là người có năng lực thuyết phục những người đối thoại, những người dưới quyền; mới có năng lực nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân; mới có khả năng vận động nhân dân và tập thể cán bộ dưới quyền ủng hộ và thực thi những chủ trương do mình khởi xướng. Đó cũng là năng lực cầm quyền trong văn hóa chính trị.

Người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược không thể thiếu nghệ thuật tranh luận; phải biết lắng nghe và tiếp thu một cách chọn lọc những ý kiến phản biện có đầy đủ lý lẽ và có cơ sở khoa học nhằm bổ sung, hoàn thiện những ý tưởng và chủ trương mà mình dự định đề ra. Mặt khác, người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cũng rất cần lắng nghe cả những ý kiến khác, thậm chí trái chiều để xem xét lại những điểm gì mà mình chủ trương chưa thật đúng hoặc người đối thoại hiểu chưa đúng nhằm kịp thời làm rõ, bổ sung và điều chỉnh. Nói cách khác, hơn ai hết, người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cần trang bị cho mình văn hóa tranh luận và nghệ thuật thuyết phục. Cho nên, các cán bộ cấp chiến lược phải "trọng nhân tài”; "khéo dùng người”; "phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Đặc biệt cần hết sức tránh tình trạng chỉ "ưa người tâng bốc mình, khen ngợi mình”; "ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”(12). Chính vì không am hiểu những tác hại của lối hành xử này hoặc cũng có thể vì những động cơ khác mà thời gian vừa qua một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, bộ, ngành của nước ta đã mắc các sai lầm nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng đến mức Bộ Chính trị đã phải kiên quyết thi hành kỷ luật ở những mức độ khác nhau, kể cả mức kỷ luật cao nhất trong Đảng. 

Đòi hỏi có tính nghiêm cẩn đối với cán bộ cấp chiến lược là phải định hình cho mình văn hóa tự học, thực học và học tập suốt đời. Bởi vị trí, trách nhiệm chính trị và tầm quan trọng của chính đội ngũ này đòi hỏi phải có tri thức ưu trội, bản lĩnh vững vàng, đạo đức gương mẫu để lãnh đạo và dẫn đạo, nếu không định hình cho mình văn hóa tự học, thực học và học tập suốt đời thì không thể đủ khả năng làm tròn trọng trách. Trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tri thức nhân loại tăng trưởng cấp số nhân, nếu không thường xuyên tự học, thực học và học tập suốt đời thì sẽ nhanh chóng rơi vào lạc hậu, thậm chí trở thành bảo thủ, trì trệ.

Các thế hệ tiền bối đã cho chúng ta những tấm gương tuyệt vời về tinh thần tự học, thực học và học tập suốt đời, tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... và bao nhà cách mạng lỗi lạc khác. Nhờ tinh thần tự học, thực học và học tập suốt đời (học sách vở, học trong nhà tù, học ở nhân dân, học ở đồng chí, học ở chuyên gia...), mà họ đủ vốn kiến thức, tầm nhìn, bản lĩnh hoạch định đường lối sáng suốt và tổ chức thực tiễn thành công. Không ít nhà lãnh đạo tiền bối vốn xuất thân từ nông dân, công nhân, ít có điều kiện học tập cơ bản, nhưng trong quá trình cách mạng đã nêu tấm gương tuyệt vời về tinh thần tự học, mà trở thành các nhà lý luận, nhà quân sự tài ba, thuyết phục đồng chí và nhân dân mình bằng chính trí tuệ và đạo đức, nhân cách văn hóa.

Đó là cơ sở bảo đảm cho văn hóa thấm sâu trong chính trị, tạo nên nhân cách và cốt cách của những nhà chính trị sáng suốt, nhân văn, làm cho chính trị dễ đi vào nhân gian khi giải quyết quan hệ giữa lý và tình, đạo và đời, pháp lý và đạo lý... Đây cũng chính là nhân tố cốt lõi tạo nên nhân cách của người cách mạng, nhờ nó mà tạo được sức hấp dẫn, quy tụ rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược còn phải biết khéo léo huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào thực thi các nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm và từng thời kỳ sao cho phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu không biết huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của sức mạnh quần chúng mà chỉ bó hẹp trong việc ra mệnh lệnh mang tính áp đặt, thiếu dân chủ, ỷ lại vào uy tín đã từng có của Đảng thì sẽ khó thành công trong mọi việc. Vì vậy, cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, "không được dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”(13).

Đặc biệt, những người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược đều là những đại diện của Đảng và của Nhà nước nên không được giấu giếm khuyết điểm của mình, cũng không được bao che cho khuyết điểm của đồng nghiệp hoặc của bất cứ ai. Nghĩa là họ cần thấm nhuần và thực thi trong thực tiễn văn hóa tự phê bình và phê bình, bao dung nhưng không bao che. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ và đảng viên là phải "luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”(14), còn "một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”(15). Lịch sử đã chứng tỏ rằng, nhờ vũ khí tự phê bình và phê bình mà Đảng ta đã kịp thời sửa chữa được những thiếu sót, những khuyết điểm để ngày càng vững mạnh hơn. Đây cũng là một nét văn hóa rất quan trọng của một Đảng cách mạng mà mọi cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, phải thấm nhuần và triệt để tuân thủ.

4- Bàn về văn hóa với tính cách là yếu tố nền tảng cấu thành chất lượng của cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược thì không thể coi nhẹ hoặc bỏ quên điều cốt lõi nhất, "linh hồn sống” của nó - đó chính là triết học. Coi nhẹ hoặc coi thường triết học là khiếm khuyết lớn, bởi vì, làm như vậy là bỏ qua mất cái tinh hoa nhất về mặt tinh thần của thời đại. Khi nói đến văn hóa thì không thể không nói đến văn hóa tư duy, trước hết là tư duy khoa học, tư duy lý luận với khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo... 

Một người ở trình độ tư duy thấp, tư duy giáo điều hoặc có tư duy sai lầm dưới các dạng khác nhau mà nắm giữ cương vị lãnh đạo, quản lý thì không thể thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực hoặc địa phương mà mình phụ trách. Người lãnh đạo nào mà trình độ tư duy thấp kém thì không dễ nhận ra chân lý, thậm chí còn dễ ngộ nhận cái sai là chân lý. Bởi vậy, khi không được trang bị tư duy đúng đắn, khoa học thì khó phân biệt đâu là ý kiến đúng đắn và đâu là ý kiến thiếu cơ sở hoặc sai lầm. Không phải ngẫu nhiên mà Ph. Ăng-ghen đã từng nhắc nhở các thế hệ sau ông rằng, "một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”... "Nhưng tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”(16). 

Bàn về mối quan hệ giữa triết học, văn hóa và thời đại C. Mác đã viết như sau: "Vì mọi triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình, nên nhất định sẽ có thời kỳ mà triết học, không chỉ về bên trong, theo nội dung của nó, mà cả về bên ngoài, theo sự biểu hiện của nó, sẽ tiếp xúc và tác động qua lại tới thế giới hiện thực của thời đại mình. Lúc đó, triết học sẽ không còn là một hệ thống nhất định đối với các hệ thống nhất định khác, nó trở thành triết học nói chung đối với thế giới, trở thành triết học của thế giới hiện đại. Những biểu hiện bên ngoài chứng minh rằng triết học đã có ý nghĩa khiến cho nó trở thành linh hồn sống của văn hóa...”(17). 

Như vậy, có thể nói, tri thức triết học, đặc biệt là triết học duy vật biện chứng, chính là cốt lõi của văn hóa, là nền tảng của văn hóa mà mỗi cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược phải nắm vững và tinh thông.

Do đó, khi nói đến nền tảng văn hóa như một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cấu thành chất lượng của cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược thì không thể không nói đến sự cần thiết phải am hiểu triết học nói chung, nhưng quan trọng nhất là triết học duy vật biện chứng mác-xít do C. Mác và Ph. Ăng-ghen xây dựng, được V.I. Lê-nin phát triển. Triết học này thật sự đã cung cấp cho tất cả chúng ta một hệ thống quan niệm đúng đắn và khoa học về thế giới tự nhiên, về đời sống xã hội và về con người cũng như vị trí của con người trong thế giới ấy. Triết học ấy chính là thế giới quan biện chứng duy vật, trong đó lý luận và phương pháp thống nhất chặt chẽ với nhau. Lý luận ấy là phép biện chứng duy vật và cũng chính là phương pháp luận triết học, là cơ sở để chúng ta dựa vào khi xem xét, nhận thức, nắm bắt về thế giới, về xã hội loài người và về bản thân mỗi con người. 

Sự thống nhất chặt chẽ, hữu cơ giữa lý luận và phương pháp, giữa thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học đã làm cho triết học mác-xít trở thành công cụ nhận thức vĩ đại. Bởi vậy, việc nắm vững cả các nguyên tắc thế giới quan lẫn các nguyên tắc phương pháp luận là điều kiện không thể thiếu để nắm bắt, thấu hiểu, lý giải và nhất là từng bước góp phần ứng phó, giải quyết kịp thời các vấn đề của cuộc sống bộn bề và ngày càng vô cùng phức tạp, khó lường trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

Triết học duy vật biện chứng đòi hỏi khi xem xét bất cứ một hiện tượng, một sự vật hay một quá trình nào chúng ta đều phải xem xét chúng trong quá trình phát sinh, biến động, tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau và nhất là xét chúng "trong sự phát triển”, trong tính hệ thống của chúng. Đặc biệt, trong mọi hoàn cảnh cần phải tìm cho được nguồn gốc hay là nguyên nhân phát sinh của chúng chứ "không bằng lòng với một sự mô tả nông cạn”, hời hợt chỉ cốt cho xong chuyện. Ở khía cạnh này đòi hỏi chúng ta phải dựa vào nguyên tắc xem xét mỗi sự vật cụ thể trong từng tình hình cụ thể, đồng thời phải đặt nó trong mối liên hệ với những sự vật và những hiện tượng khác. 

Không kém phần quan trọng là muốn nhận thức, đánh giá cho đúng bất kỳ một sự vật hay một hiện tượng nào thì cần xem xét chúng một cách toàn diện từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh. Triết học duy vật biện chứng yêu cầu người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược phải tuân theo nguyên tắc quan trọng là "muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và "quan hệ gián tiếp” của sự vật đó”(18). Vận dụng yêu cầu hay nguyên tắc này vào mọi hoạt động thực tiễn sẽ giúp tránh được sự tùy tiện, những kết luận vội vàng, thiếu cơ sở khoa học vững chắc, việc bỏ sót những dữ kiện có giá trị trong hoạch định đường lối, chính sách hoặc bỏ sót nhân tài của đất nước.

Tương tự như vậy, khi đánh giá một con người hay một tổ chức thì cần luôn luôn tuân thủ quan điểm phát triển. Mọi sự vật cũng như con người đều vận động, thay đổi và phát triển. Bởi vậy, người lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược không nên giữ mãi một định kiến tiêu cực nào đó, hoặc ngược lại, bỏ qua những dấu hiệu tích cực hoặc một biểu hiện có dấu hiệu không bình thường dẫn đến chỗ đánh giá không đúng về một con người hay một tổ chức nào đó trong phạm vi quản lý của mình. Tri thức triết học duy vật biện chứng, vì vậy, là thứ tối cần thiết mà mỗi cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược phải được trang bị và phải tự trang bị cho mình với tính cách là cốt lõi, là linh hồn sống của văn hóa.

------------------------------------------------------

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 4, tr. 473
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 238
(3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 240, 269, 280, 278
(7) A-ri-xtốt: Chính trị luận (The Politics), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr. 69
(8) A-ri-xtốt: Chính trị luận, Sđd, tr. 49
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 55
(10) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 46, P. II, tr. 372
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 270
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273, 274, 255, 279
(13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 255, 265, 261
(16) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 20, tr. 489, 487
(17) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd,, t. 1, tr. 157
(18) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 42, tr. 364

                                                                                                                        (Theo Tạp chí cộng sản)

Các tin khác

Kỳ họp đã thông 17 nghị quyết quan trọng về cơ chế, chính sách; trong đó có Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh và MTTQ thị xã Nghĩa Lộ khảo sát để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở xã Thạnh Lương.

Nhiệm kỳ qua, với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương.

Vận động viên đoàn thể thao của tỉnh tham gia thi đấu tại Giải vô địch cầu mây quốc gia năm 2024.

Ngành văn hóa -thể thao và du lịch Yên Bái được tỉnh giao 9 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động số 188 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương dâng hương, hoa tại điện Kính Thiên (Đền Hùng, Phú Thọ) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục