Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%).
Một trong những vấn đề được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và việc cấp văn bằng, chứng chỉ ĐH.
Theo đó, Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Như vậy, văn bằng hệ đào tạo ĐH chính quy so với các hệ đào tạo Tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa... có giá trị như nhau.
Mặc dù Quốc hội đã thông qua quy định như trên nhưng trên thực tế xã hội vẫn còn những lo lắng, hoài nghi về việc tuyển sinh, đào tạo và chuẩn "đầu ra” giữa những người học ở các loại hình đào tạo văn bằng.
Vẫn phải ghi rõ loại hình đào tạo trên văn bằng ĐH
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), công tác tại Trường ĐH Hà Tĩnh cho rằng, Luật Giáo dục ĐH được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển giáo dục của các nước trên thế giới nhưng cần xét theo yếu tố, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo chính quy, tại chức, văn bằng 2, liên thông đã tạo điều kiện cho tất cả sinh viên tốt nghiệp có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc đào tạo ĐH chính quy và các hệ đào tạo khác chưa có sự đồng nhất về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng 1 chương trình, cùng giảng viên...
Chất lượng tuyển sinh "đầu vào”, đào tạo giữa các hệ đào tạo ĐH đang có sự khác nhau rõ nét. Nhiều sinh viên học hệ đào tạo Tại chức, từ xa, liên thông có ý thức học tập kém hơn so với sinh viên hệ ĐH chính quy.
Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật. Điều quan trọng là các trường ĐH phải có trách nhiệm hơn, không đào tạo dàn trải; không nên tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự chọn lọc. Trong quá trình đào tạo, các trường cần có sự đánh giá nghiêm túc nguồn tuyển sinh "đầu vào” và "đầu ra” để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đại biểu Quỳnh Thơ cũng hy vọng, khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT nên ghi rõ các hình thức đào tạo trên văn bằng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động biết được là họ đang tiếp cận với lao động như thế nào. Đây là cũng là yếu tố để xem xét chất lượng của lao động trong quá trình làm việc cũng như cân nhắc tới chuyện tinh giản biên chế.
Giảm dần, thu hẹp hệ đào tạo không chính quy
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang), giảng viên ĐH Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang có sự thay đổi trong tuyển dụng lao động dựa trên năng lực chuyên môn, kỹ năng của nhân viên, chứ không dựa nhiều vào bằng cấp, loại hình đào tạo. Vì vậy, trách nhiệm của người học là phải nâng cao kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, xã hội vẫn có sự lo lắng về chất lượng đào tạo của hệ đào tạo ĐH chính quy với các hệ đào tạo khác. Vì vậy, Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo thì ngành Giáo dục cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động tuyển sinh, giảng dạy, thi cử của các loại hình này để có sự uốn nắn kịp thời.
Theo đại biểu Ánh Tuyết, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, ngành Giáo dục cần cân nhắc cho các trường ĐH mở rộng hệ đào tạo Tại chức, liên thông, văn bằng 2, từ xa...
Thay vì mở rộng các hệ đào tạo trên thì Bộ GD-ĐT nên cho các trường mở rộng đào tạo hệ chính quy; giảm dần, thu hẹp hệ đào tạo không chính quy.
(Theo VOV)