Dự Lễ kỷ niệm, về phía trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Qúy và lãnh đạo các sở, ngành.
Các đại biểu trung ương và TP Hà Nội dự Lễ kỷ niệm.
Trước giờ khai hội, các đại biểu trung ương và TP Hà Nội đã thành kính dâng hương, dâng hoa và nghe đọc Chúc văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tôn vinh chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải và nghĩa quân Tây Sơn trong trận chiến giải phóng kinh thành Thăng Long, giành quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc.
Trước đó, từ sáng sớm, các đoàn tham gia chương trình lễ kỷ niệm đã thực hiện nghi thức tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham dự.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ôn lại chiến thắng lịch sử mùa xuân Kỷ Dậu 1789 : Vào tháng 10-1788, Lê Chiêu Thống cầu viện triều đình Mãn Thanh phát binh đánh nhà Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội này, với mục đích xâm chiếm Đại Việt, vua Càn Long cử Tổng đốc Lưỡng quảng Tôn Sĩ Nghị dẫn quân tiến đánh nước ta. Trước thế giặc mạnh, hung hãn, Đại tư mã Ngô Văn Sở rút quân về phòng thủ, đồng thời thần tốc báo tin cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Nhận được cấp báo, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi nhanh chóng dẫn quân ra Bắc. Trong ngày 30 tháng Chạp, Hoàng đế Quang Trung khao quân ăn Tết sớm, ra lệnh xuất quân và hẹn với ba quân sẽ ăn Tết tại Kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu - 1789.
Quân Tây Sơn chia làm 5 đạo, đạo quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đánh vào mặt chính Nam đã vượt sông Gián Thủy, mở màn cuộc đại phá quân Thanh với quyết tâm: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Đến đêm mùng 3 Tết, các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi... đã lần lượt bị hạ.
Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789), quân Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dồn tổng lực tấn công đồn Ngọc Hồi phá hủy các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ phía Nam. Đạo quân do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy cũng đồng thời mở cuộc tiến công bất ngờ vào đồn Khương Thượng tại hướng Tây, tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống đã phải thắt cổ tự tử tại Loa Sơn, Khương Thượng.
Tiếp tục thế tiến công, quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng giải phóng kinh thành Thăng Long. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân tiến vào Kinh thành Thăng Long, giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.
Sau chiến thắng, quân Tây Sơn thu nhặt xác giặc đắp thành 12 gò gọi là "Kình nghê quán" (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê), nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng và ở trong khu vực có tên là xứ Đống Đa. Sau người dân mở đường, mở chợ thấy có nhiều hài cốt nên thu nhặt đắp một gò thứ 13, gọi là gò Đống Đa. Thời Pháp thuộc, các gò bị san phẳng, chỉ còn lại gò Đống Đa.
Năm 1989, kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực gò Đống Đa. Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22.000 m2 bao gồm các hạng mục: Cổng, gò Đống Đa, nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cùng các công trình phụ trợ.
Di tích "Gò Đống Đa” được xem là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn, là minh chứng cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; đồng thời là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt "Gò Đống Đa" (quận Đống Đa, Hà Nội).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng là minh chứng cho nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc; là nghệ thuật tác chiến chiến lược và trong từng trận đánh - đó là nghệ thuật "chính, kỳ” cổ điển. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Sự kiện gò Đống Đa được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt trong dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một khởi đầu mới cho sự phát triển của di tích lịch sử gò Đống Đa; niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tinh thần chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong thời đại mới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong năm 2018, nhờ đoàn kết, một lòng, Thủ đô Hà Nội đã giành được nhiều thành tựu đáng kể. Phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, năm 2019, thành phố tiếp tục chọn chủ đề công tác năm là: "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm, chủ động đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại.
Tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt "Gò Đống Đa” cho TP Hà Nội.
Ông Phan Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa thông tin thêm, năm nay lễ hội trùng với dịp gò Đống Đa chính thức trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt, nên từ rất sớm UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm chào mừng sự kiện trọng đại này. Cụ thể, chương trình lễ hội bao gồm nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, lễ rước kiệu, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian... với sự tham gia của nhiều đoàn tế lễ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô và các địa phương lân cận. Đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật "Màn sử thi” chào mừng Lễ kỷ niệm.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng cho biết, ngoài tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích theo từng giai đoạn thì quận cũng luôn chú trọng tới việc huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nguồn xã hội hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, quận cũng đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Hằng năm, vào dịp lễ hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực…
(Theo HNMO)