Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh nhân dân Việt Nam vừa kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước không lâu (1975), hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề.
Chưa kể, nhân dân Việt Nam lại vừa phải trải qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam chống lại tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary. Đây là thử thách rất lớn đối với nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Phải khẳng định rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã có sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn đối với nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đại thắng mùa xuân 30/4/1975, giang sơn liền một dải, khi mối quan hệ của ta với Liên Xô khăng khít hơn..., Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai, gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam.
Đặc biệt, khi thấy tập đoàn phản động Pôn Pốt bị quân dân Việt Nam trừng trị và bị nhân dân Campuchia (với sự giúp sức của quân tình nguyện Việt Nam) vùng lên đánh đổ, để đỡ đòn Pôn Pốt, đồng thời khích lệ Mỹ và các thế lực phản động khác tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia và Việt Nam, ngày 17/2/1979, Trung Quốc mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, dài hơn 1.400km.
Trên trận tuyến Hoàng Liên Sơn
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam. Dù từng tuyên bố về ý định "trừng phạt” trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại biên giới phía Bắc chỉ khoảng 50.000 quân.
Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước có 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam…
Tỉnh Hoàng Liên Sơn được sáp nhập từ ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ và là một tỉnh miền núi rộng lớn, địa hình hiểm trở, phương tiện lại thiếu thốn, địch dùng đến gần ba quân đoàn với gần 15 vạn quân ồ ạt đánh vào tất cả các huyện, thị biên giới dài trên 200 km với mức độ và quy mô ác liệt chưa từng có.
Cùng với các mặt trận: Hà Tuyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu…, quân và dân ở mặt trận Hoàng Liên Sơn đã kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, kiên cường chống giặc. Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc.
Tại đây, địch tổ chức tiến công quy mô lớn theo hai trục: từ Quang Kim (Bát Xát) đánh xuống Cam Đường, Bến Đền và từ Nà Lốc vào Bản Phiệt (Bảo Thắng) theo quốc lộ 70 đánh xuống Phong Hải, Phố Lu. Để hỗ trợ cho các hướng chính, đối phương còn cho các mũi vu hồi đánh vào Sa Pa, Mường Khương.
Ngay đêm 16 rạng 17/2/1979, lợi dụng trời tối và sương mù, quân Trung Quốc bí mật cho một lực lượng lớn vượt biên giới, luồn sâu ém sẵn ở các khu vực Nà Lốc, Lều Nương (Bản Phiệt), Bản Vược, Duyên Hải (bờ Nam sông Hồng phía Tây Bắc thị xã Lào Cai).
Đồng thời, triển khai đội hình chủ lực áp sát biên giới Việt Nam. 6 giờ sáng 17/2/1979, sau khi cho pháo binh bắn chuẩn bị với mật độ cao, trên hướng chủ yếu, quân Trung Quốc bắc cầu phao vượt sông Hồng và tổ chức tấn công.
Các đơn vị của ta lúc đầu bị bất ngờ, bị động nhưng ngay sau đó đã kịp thời triển khai đội hình chiến đấu. Trung đoàn bộ binh 192, 254 bộ đội Hoàng Liên Sơn, Trung đoàn 16 Công an vũ trang, Đồn biên phòng Vạn Hòa, Pha Long, Mường Khương, Nà Lốc, Nậm Chảy… cùng bộ đội địa phương huyện và dân quân tự vệ tổ chức đánh trả quyết liệt trên tất cả các hướng, trong khi pháo binh ta vừa chi viện bộ binh vừa phản pháo các trận địa hỏa lực ở Hà Khẩu và bắn phá các điểm vượt sông của địch.
Tuy nhiên, nhờ có ưu thế vượt trội về binh hỏa lực, đến trưa 17/2, quân Trung Quốc đã chiếm các điểm cao ở phía Bắc ngã ba Bản Phiệt, toàn bộ cánh đồng Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, thị xã Lào Cai và thị trấn Mường Khương, Bát Xát.
Các đơn vị ta bị tổn thất phải lùi về phía sau tổ chức phòng ngự nhưng vẫn tiếp tục cho lực lượng bám đánh ngay cả ở những khu vực đối phương đã làm chủ và phải đến tận 19/2 quân Trung Quốc mới thực sự kiểm soát được thị xã Lào Cai.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh 316 (thiếu Trung đoàn bộ binh 98) từ Bình Lư, Phong Thổ (Lai Châu) cơ động lên tổ chức trận địa phòng ngự ở khu vực Sa Pa từ ngày 19/2. Đồng thời, Sư đoàn bộ binh 345 ở Bảo Thắng nhanh chóng đưa Trung đoàn bộ binh 124 vào xây dựng tuyến phòng thủ ở khu vực Nông trường Phong Hải.
Ngày 19/2, quân Trung Quốc tiếp tục tiến công chiếm ngã ba Bản Phiệt, dãy Nhạc Sơn và cây số 4 Kim Tân. Ở phía hữu ngạn sông Hồng, đối phương chiếm khu vực Đá Đinh, mỏ a pa tít Cam Đường. Trên hướng Mường Khương, sau khi chiếm thị trấn, địch theo đường 4D phát triển xuống khu vực Nông trường Thanh Bình.
Trên hướng Sa Pa, một bộ phận địch luồn lách từ khu vực Quang Kim lên Bản Khoang rồi đánh lên Ô Quý Hồ (cây số 8 trên đường 4D Sa Pa đi Bình Lư (Lai Châu). Một bộ phận khác tiến công từ Cốc San lên Cầu Đôi để phối hợp với mũi vu hồi Ô Quý Hồ đánh chiếm Sa Pa. Ngày 22/2, cuộc chiến đấu của Sư đoàn 316 trên hướng Sa Pa bắt đầu.
Sư đoàn 345 cũng tiến hành chặn đánh địch trên hướng từ Lào Cai đi Bảo Thắng. Trên tất cả các trục tiến công của đối phương, lực lượng vũ trang ta đã dũng cảm chiến đấu; tuy nhiên, do tương quan quá chênh lệch nên không thể cản được đà phát triển của chúng phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày 25/2, địch chiếm được thị xã Cam Đường; ngày 1/3, địch chiếm thị trấn Sa Pa và tiếp tục đánh về Bình Lư. Đến ngày 4 và 5/3 quân Trung Quốc đã tiến xuống cây số 36 trên quốc lộ 70, chiếm được Phố Lu, Bến Đền. Ngày 5/3, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Từ ngày 6/3 trên hướng này, quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức rút về bên kia biên giới và hoàn tất vào 13/3/1979.
Theo công bố chính thức, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận Hoàng Liên Sơn từ ngày 17/2 đến 18/3/1979 đã loại khỏi vòng chiến 11.500 quân Trung Quốc, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp, 189 xe quân sự; 12 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ngời sáng những anh hùng
Trong chiến đấu, lực lượng của ta ở hướng Hoàng Liên Sơn đã được tăng cường một số đơn vị, trong đó, có tiểu đoàn pháo tầm xa của Lữ đoàn pháo binh 368... Tính chung, tổng cộng 2 sư đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo tầm xa và 25 tiểu đoàn dự nhiệm cùng nhiều đơn vị binh chủng, dân quân tự vệ các địa phương của Quân khu 1, 2, 3, 4 và Thủ đô Hà Nội đã được điều động lên biên giới tham gia chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, cùng với tinh thần quả cảm, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh của quân và dân ta nổi lên những tấm gương anh dũng bất khuất của các anh hùng liệt sỹ.
Để vinh danh họ, tỉnh Lào Cai đã có 3 tuyến đường mang tên 3 liệt sỹ tiêu biểu hy sinh anh dũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979, đó là các liệt sỹ: Võ Đại Huệ, Bùi Nguyên Khiết và Quách Văn Rạng.
Đặc biệt, liệt sỹ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979), quê ở Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là phóng viên mặt trận của báo Hoàng Liên Sơn trực thuộc Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn. Trước ngày chiến tranh biên giới nổ ra, là phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, Bùi Nguyên Khiết theo chân các đơn vị chủ lực lên biên giới để tận mắt ghi lấy cảnh chiến đấu của quân và dân ta chống quân xâm lược.
Trên một mỏm đá ở bản Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, qua lớp sương mù dày đặc, anh thấy thấp thoáng bóng quân xâm lược đang kìn kìn kéo sang và anh cắm cúi ghi chép, chụp hình.
Nhưng, một ánh chớp lóe lên trước ống kính máy ảnh, không phải là tia hồ quang điện mà là lửa đạn từ phía bên kia khi anh ôm ghì chiếc máy ảnh vào ngực để lên kiểu phim cuối cùng. Bùi Nguyên Khiết gục xuống dưới gốc đào.
Máu anh hòa vào màu thắm rực của những cánh hoa xuân rải trên đất Mẹ... 35 năm sau, tên Bùi Nguyên Khiết thành tên một khu phố mới nằm trên trục đường DN2 thuộc địa bàn phường Bình Minh trong khu đô thị mới Lào Cai. Lào Cai là địa phương đầu tiên thực hiện việc đặt tên các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới cho các đường phố để tên các anh thành tên đất nước.
Ngoài những tấm gương liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, trong chiến tranh bảo vệ biên giới đã ngời sáng tinh thần đoàn kết quân dân sẵn lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho bộ đội chiến đấu. Nhiều nhà đón bộ đội về ở khi chưa làm kịp lán trại; nhường ruộng nương cho bộ đội làm trận địa. Các Hội mẹ chiến sỹ, các đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bộ đội sau mỗi trận chiến đấu, giúp cho các đơn vị củng cố vững chắc thế trận chống trả quân xâm lược.
Thiên Cầm