Sáng 26/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Phiên khai mạc Hội nghị mạng lưới Nữ nghị sỹ và Hội nghị Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Tham dự có: Chủ tịch Mạng lưới Nữ nghị sỹ, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Lydienne Époubé; Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Didier Berberat; Chủ tịch Phân ban Việt Nam - APF, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; đông đảo đại biểu quốc tế là nghị sỹ và cố vấn đến từ các Phân ban thành viên của APF, Ban Tổng thư ký APF, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, các vị Đại sứ các nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, Trưởng đại diện một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội; các đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại diện các cơ quan hữu quan, thành phố Hà Nội...
Đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nước Pháp ngữ và cả cộng đồng quốc tế
Phát biểu khai mạc, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tới tham dự Phiên khai mạc Hội nghị mạng lưới nữ nghị sỹ và Hội nghị Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa Liên minh Nghị viện Pháp ngữ từ ngày 25-28/2 tại Hà Nội.
Hội nghị lần này trùng với thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai (ngày 27-28/2) diễn ra tại Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam…
Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, nơi tập hợp các nghị sỹ nói tiếng Pháp với mục tiêu "thúc đẩy các chính phủ tiến lên phía trước” đã trải qua hơn 50 năm thành lập và phát triển. Từ 23 Nghị viện tham dự tại kỳ họp đầu tiên năm 1967 tại Luxembourg của Hiệp hội các nghị sỹ có sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) cho tới 87 thành viên của APF vào năm 2018, là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển của tổ chức cả về quy mô cũng như vị thế trong Cộng đồng Pháp ngữ cũng như trên trường quốc tế.
"Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF trong các hoạt động quốc tế thông qua việc khởi xướng và triển khai các chương trình hợp tác liên nghị viện, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các nghị viện; cùng những đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các hoạt động ngoại giao nghị viện nhằm nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sỹ trong các vấn đề khu vực và quốc tế,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển.
Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam với tư cách là người đại diện cao nhất của nhân dân đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn trên tinh thần dân chủ và pháp quyền.
Trên kênh ngoại giao nghị viện, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thế giới đầy biến động ngày nay cần có sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nước Pháp ngữ và cả cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố và Lời kêu gọi Erevan "Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: cội nguồn hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ” được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu các Nhà nước và Chính phủ thành viên Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 17 tháng 10/2018 tại Arménie đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế đa phương, trong đó có Pháp ngữ, trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng, thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề toàn cầu và trong không gian Pháp ngữ.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mạng lưới Nữ nghị sỹ trao đổi các biện pháp tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ đại biểu nữ trong nghị viện các nước; thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp, phát triển kinh doanh nhất là áp dụng công nghệ số; đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em gái để được tiếp cận đầy đủ về giáo dục, y tế, văn hóa.
Đối với Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cùng các cơ chế của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đề xuất biện pháp hiệu quả để củng cố vị trí của ngôn ngữ tiếng Pháp trong các tổ chức quốc tế cũng như tăng số lượng người học tiếng Pháp tại các quốc gia thông qua việc cấp học bổng, tài trợ đối với các chương trình đào tạo.
Cùng với đó hợp tác bảo tồn văn hóa, thúc đẩy duy trì sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; tăng cường các hình thức truyền thông, nhất là thông qua công nghệ số hỗ trợ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và quảng bá văn hóa.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng rằng, APF cũng như những liên nghị viện khác sẽ là nơi các nghị sỹ tiếp tục thể hiện quan điểm, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cùng hy vọng xây dựng và bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình, thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế hướng tới sự phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị.
Góp phần phổ quát việc đăng ký khai sinh cho trẻ em
Chủ tịch Mạng lưới Nữ nghị sỹ, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Lydienne Époubé phát biểu nhấn mạnh, hội nghị lần này là cơ hội tốt để các đại biểu thảo luận và chia sẻ thông tin giúp bổ sung kiến thức, từ đó góp phần nhằm phổ quát việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Trong bối cảnh đó, đề xuất Hội nghị xem xét tới đây đệ trình APF thông qua Tuyên bố chung, xem đây như một công cụ pháp lý nhằm đấu tranh chống lại thách thức chung của thế kỷ XXI.
Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Didier Berberat phát biểu ghi nhận ba nội dung Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất đối với Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa; đồng thời cho biết, ba nội dung này trùng hợp với những mối quan tâm của Ủy ban và hội nghị lần này sẽ dành thời gian để xem xét, thảo luận.
Theo ông Didier Berberat, ngoài các nội dung nghị sự riêng, Ủy ban và Mạng lưới sẽ họp chung để cùng thảo luận vấn đề trẻ em không được khai sinh.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, Ủy ban Giáo dục, Văn hóa và Truyền thông đã đặc biệt chú trọng tới việc cải thiện khả năng tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người một cách bình đẳng. Đây chính là mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc.
Theo Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, mục tiêu này rất khó đạt được, thậm chí là không thể đạt được nếu người dân không được định danh chính thức, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Không được đăng ký hộ tịch là một vấn đề đa diện và do đó cần phải được giải quyết trên nhiều góc độ, trong đó có tính tới hệ lụy của vần đề này tới giáo dục và bình đẳng giới.
Chủ tịch Mạng lưới Nữ nghị sỹ, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Lydienne Époubé, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Didier Berberat cảm ơn Quốc hội Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị, chu đáo; cùng bày tỏ tin tưởng, với sự cam kết mạnh mẽ, sự tham gia tích cực của các đại biểu hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Sau Phiên khai mạc, Mạng lưới Nữ nghị sỹ và Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa họp theo nội dung nghị sự riêng của từng cơ chế.
(Theo TTXVN)