Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những kỳ tích vĩ đại thế kỷ XX, vững bước tiến vào thế kỷ XXI dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Gần 90 thập kỷ qua, biết bao mồ hôi, xương máu của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã tạo nên sự vĩ đại và uy tín của Đảng ta. Nhưng, sự vĩ đại và uy tín ấy đang bị tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm xói mòn, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là một đảng cách mạng, chân chính, tất cả vì dân, vì nước, Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của mình trong việc khắc phục tình trạng suy thoái đó.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trong nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất Đảng ta đã xác định: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”[1]
Theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên cần được tiến hành với một thái độ "kiên quyết”; thông qua một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Chúng ta đã nói nhiều về công tác giáo dục chính trị tư tưởng và trong thời gian gần đây, công tác này đã có những chuyển biến quan trọng, góp phần nâng cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nhưng cho đến nay, "công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả;... chưa tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” và những hậu quả gây ra”[2].
Theo quan điểm của Đảng, việc nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong xây dựng, rèn luyện, cũng như trong đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng không chỉ là những nội dung giáo dục, mà chủ yếu là sự chuyển biến nhận thức tư tưởng và kết quả cụ thể trong hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, có người học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều, nhưng chỉ có ý nghĩa "trang trí”, chứ không có sự chuyển biến về tư tưởng và hành động. Có trường hợp, người đi "giảng” về đạo đức cách mạng, nhưng không gương mẫu, "nói không đi đôi với làm”, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng, tha hoá về đạo đức và lối sống, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng...
Tình hình trên cho thấy, vấn đề cơ bản nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong giai đoạn hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; đồng thời, nâng cao chất lượng rèn luyện, phát huy tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự tu dưỡng, tự rèn luyện, khắc phục sự suy thoái của chính họ và đấu tranh chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên khác. Đây là hai quá trình gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau trong nhiệm vụ khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay, cần phải thực hiện tốt.
Thứ hai, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện nhiệm vụ và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Cán bộ là "gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ chủ chốt thì vai trò "gốc” của họ càng quan trọng. Đội ngũ cán bộ chủ chốt tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của cách mạng, đến uy tín của Đảng trước nhân dân. Thế nhưng, trên thực tế, sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số cán bộ chủ chốt, đảng viên có chức, có quyền đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Bên cạnh đó, việc chăm lo cho cái "gốc” còn nhiều hạn chế và bất cập. Đảng ta đã chỉ rõ: "Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm còn chưa công bằng; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức”.
Như vậy, cả hai vấn đề: Cán bộ chủ chốt và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, đều cần phải thực hiện tốt, với những biện pháp kiên quyết và cụ thể. Theo đó, nội dung quan trọng trong rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ chủ chốt hiện nay là: Đề cao tinh thần tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và trong tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự giữ gìn đạo đức, phẩm chất, lối sống, phong cách của người đảng viên là lãnh đạo; đề cao cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và kiên quyết chống tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ địa phương.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có vị trí, vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Đấu tranh khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một phận không nhỏ cán bộ, đảng viên càng cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác quan trọng này. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình”[4].
Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Trong tình hình hiện nay, sự tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đã làm cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tính chất phức tạp của nó được biểu hiện ở những tiêu cực, làm cho ranh giới giữa tốt và xấu, giữa đúng và sai trở nên mờ nhạt, khó phân biệt rạch ròi.
Vì vậy, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có hiệu quả cần: Phát huy tốt vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, các cơ quan tư pháp. Gắn trách nhiệm của tổ chức đảng, trước hết là trách nhiệm của cấp uỷ các cấp (nhất là bí thư) với hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Thực hiện tốt cơ chế phát huy vai trò của đảng viên và quần chúng trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Công khai minh bạch kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.
Những giải pháp trên có vị trí, vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nâng cao chất lượng, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay./.
------------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2016, tr. 432.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 25.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 27.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 180.
(Theo dangcongsan.vn)