Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

Tầm nhìn thiên tài trong văn kiện lịch sử

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/4/2019 | 9:04:06 AM

Thời gian trôi qua càng làm sáng rõ những giá trị vô giá của bản Di chúc, trong đó, có tầm nhìn xa trông rộng, những dự báo thiên tài - kết quả của một tầm cao trí tuệ, sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, khả năng tuyệt vời trong nắm bắt quy luật phát triển của lịch sử của Bác.

"Tổ quốc ta nhất định thống nhất”

"Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. 

Ngay từ những dòng đầu tiên của Bản Di chúc, Người đã khẳng định điều này. Và trong một bản Di chúc chỉ vỏn vẹn hơn 1.000 chữ, chứa đựng nhiều vấn đề trọng đại, lần thứ hai, Người lại nhắc lại nhận định này của mình: "CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. 

Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.



Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các cháu thiếu nhi xã Tam Sơn, Tiên Sơn, Hà Bắc- nơi có phong trào HTX Măng Non, quê hương phong trào "Nghìn việc tốt" ngày 9/2/1967.

Nếu biết rằng Bác đã viết, sửa chữa bản di chúc chỉ hơn một ngàn chữ trong suốt 5 năm ròng (1965-1969), qua rất nhiều những suy ngẫm, cân nhắc từng câu, từng chữ đầy cẩn trọng, mới thấy ý nghĩa của những dự báo này.

Cũng lưu ý rằng năm 1965, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Năm đó, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta với dã tâm "đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”. Tại miền Trung, ngày 18/3/1965, Mỹ bắt đầu đổ quân vào Đà Nẵng, chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, chuyển cuộc chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. 

Cũng năm 1965, trước nguy cơ chiến lược "chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số quốc gia đồng minh trực tiếp vào tham chiến ở miền nam; đồng thời, sử dụng không quân, hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam; chiến lược "chiến tranh cục bộ” chính thức bắt đầu. Cuộc "đụng đầu lịch sử” giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Mỹ chuyển sang thời kỳ mới, diễn ra hết sức quyết liệt.

Tuy nhiên, ngồi viết Di chúc trong chính những ngày tháng chiến tranh khốc liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; khẳng định chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: "Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Dù rằng, "CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người”. 

Và thực tế, chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, năm 1975, dân tộc ta đã vang lên khúc ca khải hoàn, đất nước hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam thực sự liền một dải.

Tư tưởng lớn về xây dựng đất nước theo tinh thần đổi mới

Điều đáng nói là mặc dù bản Di chúc được Bác viết và suy ngẫm trong những năm tháng đất nước còn trong chiến tranh ác liệt, khi mà mọi mục tiêu lớn nhất vẫn là làm sao đất nước được thống nhất, được sạch bóng quân thù, thì với tầm nhìn thiên tài của một vĩ nhân với tầm cao trí tuệ, sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, cũng như khả năng tuyệt vời trong nắm bắt quy luật phát triển của lịch sử, thời cuộc, Bác không soi rọi quá nhiều về quá khứ mà tập trung hướng tới tương lai.

Bao trùm và xuyên suốt trong bản Di chúc là những tư tưởng lớn về xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” - Bác nhấn mạnh trong Di chúc.



Từ năm 1965, Bác Hồ đã dự báo chính xác về diễn biến cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam.

Và để làm được điều đó, với tầm nhìn thiên tài của mình, Bác nhấn mạnh trong Di chúc những vấn đề mà tới tận bây giờ và có lẽ về sau, vẫn là những vấn đề cốt lõi nhất của Đảng, của dân tộc, của đất nước. 

Với Đảng, "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Và rằng, "Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nếu chỉnh đốn lại Đảng là công việc phải làm trước tiên đối với Đảng, thì công việc đối với con người là công việc đầu tiên Đảng phải quan tâm. 

Trong Di chúc lại một lần nữa Bác đặt vấn đề quan tâm đến con người một cách rất toàn diện, từ việc coi trọng yếu tố con người đến vấn đề chăm lo lợi ích của con người, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục con người, yêu thương con người. Lớp trẻ, thế hệ tương lai sẽ gánh vác đất nước luôn là những người Bác luôn dành nhiều sự quan tâm hơn cả. "ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng” vừa "chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” - Người nhấn mạnh trong Di chúc.

Không chỉ bản Di chúc của Người mới có nhiều dự báo. Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch đã có nhiều lần tiên đoán đúng và đã được thực tế khẳng định. Cuối năm 1941, sau khi Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã viết tập diễn ca "Lịch sử nước ta” với lời mở đầu "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và ở câu kết, Bác khẳng định: "Việt Nam độc lập - 1945”.

Sự thực, chỉ 4 năm sau thôi, vào 2/9/1945, chính Người đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu năm 1954, trên khắp các chiến trường, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Nhưng, dường như nắm chắc vận mệnh dân tộc, bài thơ chúc Tết năm 1954 của Hồ Chủ tịch đã khẳng định chắc chắn: "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/Độc lập thống nhất, nhất định thành công”.

Năm 1960, trong diễn văn bế mạc kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh 2/9, Bác Hồ đã tiên đoán về sự kiện ta giải phóng miền Nam: "Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Đúng 15 năm sau, lời Người đã thành sự thật. Năm 1972, Người từng dự đoán: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Hoàn toàn như Người dự đoán, cuối năm 1972, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích quy mô lớn đánh phá miền Bắc.

(Theo Báo Công luận)

Các tin khác
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh thăm, tặng quà ông Hoàng Hải Hồ, ở thôn 6, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 2/1954-11/1954.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 26/4, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và tặng quà gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lục Yên.

Cán bộ, phóng viên Báo Yên Bái thường xuyên trao đổi nghiệp vụ tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách hiện nay và đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng xã hội. Trong đó, báo chí - vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa đã và đang cho thấy vai trò quan trọng trong cuộc chiến đầy cam go, phức tạp này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục