Tuy nhiên, do đặc thù tỉnh miền núi khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ phát triển kinh tế trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong phát triển kinh tế rừng, công nghiệp chế biến và phát triển du lịch, dịch vụ; chất lượng, hiệu quả trên một số lĩnh vực văn hóa, xã hội còn hạn chế; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...
Do đó, để đạt được mục tiêu "Tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, nhất là nông, lâm, nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; tăng cường thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển các thành phần kinh tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...”, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2019.
Theo đó, trong số 32 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường có 25 chỉ tiêu được điều chỉnh, 6 chỉ tiêu giữ nguyên, bổ sung 1 chỉ tiêu. Việc hoàn thành các chỉ tiêu này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Do đó, cùng với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược về: cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực...
Hiện, tỉnh đang tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện. Trong đó, tập trung vào cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, phấn đấu thành lập mới trên 265 doanh nghiệp, trên 60 hợp tác xã và trên 2.200 tổ hợp tác; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực bằng phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gồm: chè, cây ăn quả, đại gia súc chính, nuôi trồng và khai thác thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, trồng dâu nuôi tằm, gỗ nguyên liệu, cây lương thực; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình "mỗi xã một sản phẩm (OCOP)"...
Cùng với các hoạt động trên, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng sẽ được tăng cường.
Đối với phát triển du lịch, tiếp tục tập trung vào xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu.
Đối với các hoạt động đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để tập trung phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh, phấn đấu tổng vốn đầu tư phát triển đạt 15.000 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, chính sách phát triển văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; chăm lo phát huy nhân tố con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng...
Hồng Oanh