Trường Sa - hai tiếng rất đỗi thân thương và tự hào của người dân Việt Nam. Kể từ ngày được giải phóng 29/4/1975, đã hơn 40 năm trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vẫn luôn vững vàng bám biển, bám đảo để chung tay xây dựng nơi đây thực sự là địa đầu của Tổ quốc, chỗ dựa tin cậy và vững chắc cho ngư dân của ta vươn khơi, bám biển, khai thác thủy hải sản xa bờ.
Lần đầu đến Trường Sa, một cảm xúc bồi hồi, xốn xang khó tả. Lênh đênh trên biển không bóng dáng đất liền hàng trăm hải lý, chúng tôi đã tới được Trường Sa với những ngỡ ngàng bởi màu xanh của cây cỏ, bởi ánh sáng lung linh huyền ảo từ những ngọn đèn và hải đăng bừng sáng dù trên đảo chìm hay đảo nổi. Trường Sa hôm nay đã căng tràn sức sống.
"…Màn đêm chớm buông/ Trường Sa sáng lung linh giữa đại dương/ Màu xanh quê hương chen giữa phong ba, bàng vuông/ Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng dữ/ Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa…” - con tàu KN 490 vượt sóng đưa chúng tôi đến Trường Sa bằng khúc hát du dương như vậy.
Hải trình của chúng tôi sóng yên, biển lặng, chỉ có nắng và gió lao xao. Không ai có thể nghĩ rằng, nơi đây có tới 131 ngày bão mỗi năm và mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Nước ngọt là thứ hiếm, cây cỏ lại càng được yêu quý nâng niu hơn, nhất là ở các đảo chìm, nơi chỉ có nắng, cát cháy và san hô.
Những luống rau xanh được trồng chắt chiu trong những chậu đất quý mang ra từ đất liền. Dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ, những luống rau cải, mùng tơi, rau muống xanh mơn mởn. Ngoài nuôi chó, gà, lợn, giờ trên các đảo, trong đó có Sinh Tồn Đông còn nuôi thêm vịt. Bữa ăn của bộ đội vì thế thường xuyên có rau xanh, thức ăn tươi.
Trồng rau trên đảo Trường Sa.
Trường Sa, nơi đây trước kia toàn nắng và gió biển, nay được bao phủ bởi một màu xanh tươi mát. Không chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của cây, của rau, còn có những vườn hoa thanh niên đủ màu khoe sắc, rực rỡ. Sự hiện diện của hoa giấy đỏ thắm, hoa lan vàng tươi đã tăng thêm sinh khí cho đảo.
Những khó khăn của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên huyện đảo cũng đã vơi đi khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các địa phương, các bộ, ban, ngành và kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Các đảo đều đã được trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy tập thể thao đa năng, máy tính… cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ.
Những tua-bin điện gió, những tấm pin năng lượng mặt trời đã cơ bản cung cấp điện sinh hoạt cho quân và dân trên huyện đảo và Nhà giàn trên thềm lục địa của Việt Nam. Trong chuyến đến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này, kiều bào từ khắp thế giới đã gửi cho các chiến sỹ những món quà thiết thực.
Chị Tô Kim Hồng, đại diện cho kiều bào trở về từ Ba Lan cho biết, các chị gửi tặng các chiến sỹ một bộ máy tính, để Trường Sa có thể kết nối với thế giới và để thế giới thấy được một Trường Sa đầy sức sống, một Việt Nam ổn định và phát triển.
Hoa trên đảo Trường Sa.
Trường Sa, chỉ cần nhắc đến cái tên thôi đã thấy 4 mùa nắng gió, điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt. Niềm ao ước lớn nhất của quân và dân nơi đây là có đủ nước, đủ rau xanh, đủ điện sinh hoạt trong bốn mùa... Và với những ai từng được đến nơi này, khi ra về đều đeo đẳng mãi niềm ao ước ấy. Chúng tôi, những thành viên của đoàn công tác số 5, trong đó có nhiều kiều bào trở về từ khắp nơi trên thế giới cũng đau đáu và suy nghĩ về hai chữ "trách nhiệm”.
Anh Nguyễn Thiện Quang, đại diện Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ: "Được tham gia vào hải trình lần này, tôi sẽ mang những điều chân thật nhất về Trường Sa để truyền tải đến bà con kiều bào ở Hàn Quốc, giúp họ hiểu hơn về Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để từ đó có những đóng góp lớn hơn vào xây dựng biển đảo quê hương”.
Còn anh Nguyễn Xuân Hào, người Việt trẻ trở về từ Đức rất tự hào và cảm thấy thế hệ trẻ cần phải cố gắng, phát huy hơn nữa tất cả những phẩm chất để xứng đáng với tinh thần tuổi trẻ, xứng đáng hơn với công sức, sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ, các thế hệ đi trước. Khi tới thăm Trường Sa, thấy vui và yên tâm hơn về cuộc sống của các chiến sỹ cũng như các công trình, cơ sở vật chất.
Chuyến đi là một trải nghiệm thực tế trong quá trình tuyên truyền cho kiều bào ở xa Tổ quốc hiểu hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Trường Sa”.
Biến lời nói thành những hành động thiết thực, người Việt trong và ngoài nước đã hình thành nhiều phong trào "Vì biển đảo quê hương", "Vì Trường Sa thân yêu"... Và đã có bao nhiêu chuyến tàu vượt sóng chở theo tình cảm của đất liền đến với Trường Sa, để tiếp thêm sức mạnh cho Trường Sa… Và nhờ tình yêu ấy, rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa biển khơi.
(Theo VOV)