Cách đây 60 năm, thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" – Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày Truyền thống của Đoàn 559 – bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Có thể nói, Đoàn 559 từ những ngày đầu tiên đã thực hiện nhiệm vụ trong muôn vàn khó khăn. Trước yêu cầu của cách mạng, Đoàn 559 phát triển nhanh chóng. Ngày 16/4/1961, Đoàn 559 chính thức "lật cánh” sang Tây Trường Sơn, phát triển tuyến chi viện qua đất bạn Lào. 2 năm sau ngày thành lập, Đoàn 559 phát triển thành cấp sư đoàn. 5 năm sau, Đoàn 559 phát triển thành đơn vị tương đương cấp quân khu.
Từ năm 1965, vận chuyển chi viện vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới trên Trường Sơn. Năm 1974, tuyến đường ống xăng dầu và hệ thông tin tải ba xuyên Trường Sơn đã vào tới Tây Ninh. 11 năm sau, tháng 7/1970, Đoàn 559 năm xưa trở thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất chỉ huy các lực lượng của ta ở Trung và Hạ Lào.
Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường. Bộ Tư lệnh Trường Sơn tham gia hiệu quả trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tham gia Chiến dịch Khe Sanh, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa hè 1972. Bộ đội Trường Sơn trở thành lực lượng tác chiến tại chỗ quan trọng và hiệu quả trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Bộ đội Trường Sơn cùng với các đơn vị của Bộ đã đập tan âm mưu dùng lực lượng tổng hợp quy mô chưa từng có của Mỹ - ngụy hòng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược.
Đáp ứng với thực tiễn chiến đấu và yêu cầu phát triển to lớn của nhiệm vụ chi viện, từ cuối năm 1970 và đầu năm 1971, lực lượng bộ đội Trường Sơn đã được tổ chức thành các sư đoàn khu vực. Năm 1973 và 1974, các sư đoàn khu vực một lần nữa được tổ chức lại thành các sư đoàn binh chủng để nâng cao hiệu suất chiến đấu, đáp ứng yêu cầu to lớn của nhiệm vụ chi viện chiến trường của giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng.
Đặc biệt, việc tổ chức thành lập 2 sư đoàn ô tô vận tải đầu tiên của quân đội ta. Từ năm 1973-1975, lực lượng bộ đội Trường Sơn phát triển hùng hậu với 64 trung đoàn trong đó có 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sỹ và 1 vạn thanh niên xung phong. Nhiều đơn vị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung trong mùa xuân 1975.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn binh chủng tham gia phục vụ và trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng các quân đoàn chủ lực trong Chiến dịch. Với 4.565 xe, 2 sư đoàn ô tô của Bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc.
16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã dốc mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân nhất, thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại.
16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, bộ đội Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000 km đường xe cơ giới; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường; mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các hướng chiến trường; mở 1.400 km đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn cả hướng tây và đông…
Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng cao quý. 82 đơn vị và 51 cá nhân của bộ đội Trường Sơn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, các đơn vị của Trường Sơn năm xưa trong đội hình của Binh đoàn 12 đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo các sư đoàn của Trường Sơn trở thành cán bộ chủ chốt các sư đoàn và Quân đoàn trực tiếp bảo vệ biên cương của Tổ quốc…
Bộ đội Trường Sơn đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử sau 16 năm viết nên bản hùng ca vĩ đại trên Trường Sơn. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Trường Sơn, ngày 13/5/2011, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ.
Ngày 5/7/2011, Đại hội Thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ Nhất đã thành công tốt đẹp tại Hà Nội. Ngày 7 và 8/9/2016, Hội đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ thứ II. Có thể nói, việc thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam là một dấu ấn lịch sử, một mốc son ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với lịch sử đường Trường Sơn huyền thoại.
Vượt lên muôn vàn khó khăn, Hội đã tập hợp được hơn 37 vạn hội viên trong cả nước, hoàn thành xuất sắc chương trình công tác của nhiệm kỳ thứ I, đặc biệt là việc thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng của Hội là: giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng của bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng Trường Sơn và hoạt động tốt công tác nghĩa tình đồng đội. Hội trở thành thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Tính đến nay, đã có 112 đơn vị thành viên, trong đó 43 tỉnh, thành phố thành lập Hội, hàng trăm huyện, thị xã và tương đương cùng hàng ngàn xã, phường đã thành lập Hội thay thế ban liên lạc bộ đội Trường Sơn trước đây.
Những năm qua, các cấp Hội đã huy động được gần 200 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực xã hội để: xây dựng gần 2.000 ngôi nhà tình nghĩa; tặng học bổng cho con em hội viên; thăm hỏi, giúp đỡ hàng vạn hội viên gặp khó khăn; nuôi dưỡng và trợ cấp thường xuyên cho hàng trăm hội viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; tổ chức gặp mặt, giao lưu, thăm lại chiến trường xưa cho hàng vạn đồng chí. Các cấp của Hội đã nỗ lực tham gia giải quyết các chế độ chính sách cho hội viên…
Cuộc vận động: "Chiến sỹ Trường Sơn làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn nâng cao đời sống” do Hội phát động từ năm 2013 đã và đang được hội viên cả nước hưởng ứng hiệu quả. Hội đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi lớn: "Ký ức Trường Sơn”, "Lục bát Trường Sơn” và "Gương sáng Trường Sơn”, "Hào khí Trường Sơn"; xuất bản hàng chục đầu sách.
Với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, Hội Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, với truyền thống và bản lĩnh, với tình cảm và trách nhiệm của người lính Trường Sơn, cán bộ, hội viên các cấp của Hội trong cả nước đã và đang hoạt động không biết mệt mỏi với khẩu hiệu. "Vì Trường Sơn, cho Trường Sơn hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau”. Chúng ta đã và đang thực hiện khẩu hiệu đồng thời cũng là phương châm hoạt động "Tập hợp - đoàn kết - tổ chức vững chắc – hoạt động hiệu quả”.
Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng với tầm vóc vĩ đại và anh hùng đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam từng viết tặng: "Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh mãi mãi được đi vào lịch sử dân tộc như một "con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong thế kỷ XX”.
Bùi Hòa Bình - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái