Nâng cao chất lượng lập pháp - Bài 2: Đột phá từ khâu soạn thảo dự án luật

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/5/2019 | 9:35:11 AM

Lập pháp là một quy trình với sự tham gia của nhiều cơ quan, trải qua nhiều công đoạn, từ đề xuất dự án; thiết lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án, thẩm định và thảo luận ở cơ quan soạn thảo; các cơ quan của Quốc hội (QH) thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến; QH cho ý kiến, xem xét và thông qua… Trong quy trình trên, khâu soạn thảo rất quan trọng. Để nâng cao chất lượng văn bản pháp luật phải đột phá từ khâu này.


Quan tâm tới đội ngũ cán bộ pháp chế

Tại Việt Nam hiện nay, việc soạn thảo dự án luật thường giao các bộ, ngành chuẩn bị. Người trực tiếp làm soạn thảo thường là cán bộ pháp chế. Theo đại biểu QH Nguyễn Phước Lộc (đoàn TP Hồ Chí Minh), qua 13 văn bản trả lời chất vấn bằng phiếu được 13 bộ trưởng gửi tới đại biểu, có 9/13 bộ trưởng nhận định đội ngũ cán bộ pháp chế còn hạn chế, chưa được kiện toàn; 8/13 bộ trưởng nhận định đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại bộ cần phải bồi dưỡng, nâng cao kiến thức; 8/13 bộ trưởng nhận xét cán bộ làm nhiệm vụ pháp chế còn ít kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, năng lực và kinh nghiệm chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao; 4/13 bộ trưởng thẳng thắn nhận định chất lượng một số dự án luật chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ thực hiện. "Tôi thấy rằng, công tác pháp chế, công tác xây dựng pháp luật phải được quan tâm đầu tư đúng mức hơn”, đại biểu nói.

Như vậy, ngay người đứng đầu phần lớn các cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh cũng đã thừa nhận, đội ngũ cán bộ pháp chế tại cơ quan mình chưa đáp ứng yêu cầu. Thực trạng đã được chỉ rõ, vấn đề cần làm là phải giải quyết ngay. Khi đã tự phát hiện ra khâu yếu, các cơ quan cần khẩn trương cử cán bộ pháp chế đi bồi dưỡng, đào tạo nâng cao, đào tạo lại; có cơ chế ưu đãi nhất định để thu hút người tài giỏi vào làm việc ở bộ phận pháp chế, đặc biệt là cơ hội thăng tiến phải rất rõ ràng khi cán bộ pháp chế lập thành tích; đồng thời quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể với những cán bộ không hoàn thành hoặc hoàn thành công việc nhưng không đáp ứng được yêu cầu.

Xử lý nghiêm hiện tượng "cài cắm" lợi ích, cục bộ

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng ở nước ta được dư luận đánh giá rất cao. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có tình trạng báo cáo rất hay, nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn vì bị gây khó khăn bằng các hình thức biến tướng, nhất là sự "cài cắm" bảo vệ lợi ích cục bộ một cách rất tinh vi trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong một buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thẳng thắn gọi tên đó là tình trạng "cuốc giật vào lòng”, "sự "cài cắm" bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội”, "không quản được thì trói, không quản được thì buộc”.

Để giải quyết tình trạng này, cần xây dựng cơ chế khen thưởng xứng đáng với những cá nhân, cơ quan, tổ chức phát hiện để ngăn chặn kịp thời sự "cài cắm" lợi ích cục bộ khi xây dựng các dự án luật; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm và đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ lợi dụng việc xây dựng chính sách để "cài cắm" lợi ích cục bộ.

Một giải pháp hữu hiệu khác là trao thêm quyền hạn cho Bộ Tư pháp-cơ quan thực hiện vai trò thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ cho ý kiến và gửi sang các cơ quan của QH, trình UBTVQH, QH cho ý kiến, thông qua. Đặc biệt, cần ưu tiên chấp thuận để Bộ Tư pháp trực tiếp tiến hành các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị, gửi phiếu trực tiếp lấy ý kiến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của các chính sách được đề cập đến trong các dự án luật, ưu tiên duyệt chi kinh phí để Bộ Tư pháp thực hiện các hoạt động này, qua đó tiếp nhận và đánh giá rất khách quan về các nội dung kiến nghị của nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.

Đầu tư nhiều hơn cho công tác phân tích, dự báo

Thực tế gần đây đã xuất hiện một số luật vừa được thông qua, thậm chí chưa kịp có hiệu lực đã phải tạm dừng thi hành để có biện pháp khắc phục bất cập, hoặc luật chưa kịp có hiệu lực đã bị đề nghị sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó là sự xuất hiện những hành vi xâm hại các quan hệ xã hội gây phản ứng rất mạnh mẽ trong dư luận nhưng chưa có quy định xử lý theo đúng bản chất của hành vi, dẫn tới sự thiếu đồng tình của dư luận.

Ví dụ gần đây nhất là hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy chỉ bị xử phạt 200.000 đồng theo Điểm 1, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP: "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Dư luận chưa đồng tình với cách xử lý này, bởi theo luật pháp nhiều nước, đó là hành vi quấy rối tình dục và người có hành vi này bị xử lý nặng hơn rất nhiều. Ở Việt Nam, hành vi quấy rối tình dục chưa được quy định cả trong các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lẫn trong pháp luật về hình sự.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tính dự báo còn thấp nên chưa dự liệu được các tình huống có thể phát sinh trong tương lai, dẫn tới luật nhanh lạc hậu; thiếu sự rà soát các luật liên quan, đặc biệt là các luật đang được xem xét sửa đổi, các điều ước quốc tế đang chuẩn bị ký kết, dẫn tới không cập nhật được diễn biến mới, phải "chạy theo” để sửa đổi; do chưa định hình chính xác các quan hệ xã hội dễ bị xâm hại và mức độ bảo vệ các quan hệ xã hội ấy đến đâu để xác định mức chế tài cho hành vi vi phạm một cách phù hợp nhất.

Để giải quyết tình trạng này, báo cáo đánh giá tác động trong các hồ sơ dự án luật cần phải có nội dung bắt buộc về đánh giá tác động của chính sách trong tương lai gần, tương lai cận gần và tương lai xa; báo cáo dự liệu sự thay đổi của thực tiễn trong phạm vi điều chỉnh của dự luật và dự kiến thời gian phát huy hiệu lực của dự luật; báo cáo rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, các dự án luật đang được xây dựng dự thảo sửa đổi, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang hoàn thành thủ tục tham gia, các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế.

Khi công tác phân tích, dự báo, đánh giá tác động, rà soát hệ thống được đầu tư bài bản hơn, toàn diện hơn, "tuổi thọ” của các văn bản luật sẽ dài hơn, môi trường pháp lý được bảo đảm ổn định hơn; giúp hoạt động quản lý, điều hành được trơn tru, thông suốt, hiệu quả cao hơn; người dân và doanh nghiệp sẽ được phục vụ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh cũng như dễ dàng tổ chức, hoạch định các kế hoạch mang tính lâu dài, mang tầm chiến lược hơn…

Cử tri các tỉnh: Bình Thuận, Vĩnh Long, Hải Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Trà Vinh… tiếp tục kiến nghị nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng luật, bảo đảm phù hợp với thực tế cuộc sống, tính khả thi cao. Các dự án luật trình QH xem xét, thông qua phải có đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành, tránh việc ban hành văn bản hướng dẫn chồng chéo, trái luật. Cử tri TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Phú Thọ… kiến nghị cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi dự án luật được QH xem xét, thông qua, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự án luật để gửi các đại biểu QH tham khảo.   

(Theo QĐND)

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) được tổ chức trọng thể tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Văn Yên kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn

Ngày 7/5, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Văn Yên đã tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Quang cảnh buổi làm việc.

Vừa qua, tại xã Châu Quế Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái do đồng chí Nguyễn Quốc Luận – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn huyện Văn Yên.

Đồng chí Hảng A Ký - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mù Cang Chải cùng người dân trồng cây đào rừng trong hoạt động

Song song với vận động, huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải còn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục