Cần quy định cụ thể điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/6/2019 | 9:28:03 AM

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 31/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 31/5.
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 31/5.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí, tán thành về tính cần thiết ban hành luật sửa đổi; phạm vi điều chỉnh và nội dung sửa đổi bổ sung của 2 luật nói trên; cũng như các trình tự thủ tục và lộ trình ban hành... nhằm phù hợp với tình hình mới khi Việt Nam cần thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thực thi.

Tuy nhiên, để luật có tính thực tiễn cao, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm, làm rõ khái niệm "hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, cân nhắc về tên chương, mục để đảm bảo kết cấu và tính thống nhất của Luật hiện hành.

Về điều kiện quy định cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn, phụ trợ bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học, được hiểu là phải có trình độ chuyên môn cao hoặc được cấp chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, quy định này là chưa đảm bảo tương xứng với yêu cầu chuyên môn. Việc yêu cầu có bằng trên đại học cũng là không cần thiết vì luật chỉ xác định tiêu chuẩn tối thiểu là trình độ đại học trở lên. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại yêu cầu văn bản chứng chỉ, yêu cầu đào tạo và điều kiện cho phù hợp trình độ chuyên môn của dịch vụ tư vấn, phụ trợ bảo hiểm...

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho biết, dự thảo Luật cần nâng cao hơn nữa điều kiện về chuyên môn, tiêu chuẩn của cá nhân hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Theo đó, yêu cầu đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có trình độ tối thiểu là đại học chuyên ngành bảo hiểm hoặc tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm. Đồng thời phải có các hướng dẫn bổ sung về phương thức quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, có cơ chế giám sát chặt chẽ với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.

Liên quan đến các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn, phụ trợ bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) nêu rõ, nếu quy định "Có văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm; bằng đại học trở lên các ngành khác và các chứng chỉ theo quy định” là chung chung, chưa rõ cần phải có văn bằng, chứng chỉ gì? Ngoài ra, với các loại hình dịch vụ khác, cũng cần bổ sung quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ của người tham gia các dịch vụ này theo hướng: Văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc văn bằng đại học trở lên chuyên ngành kinh tế.

Cũng băn khoăn về quy định này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá, quy định trong dự thảo Luật là thiếu tính pháp lý và đề nghị sửa đổi theo hướng quy định rõ ngay trong luật về nội dung, hình thức, thể thức hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đồng thời, nghiên cứu, đối chiếu với các bộ luật, luật hiện hành, nhất là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại… Đại biểu cũng cho rằng, cần quy định chi tiết các điều kiện về trình độ, năng lực của người tham gia dịch vụ và các điều kiện về pháp nhân, vốn… đối với tổ chức tham gia dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm tránh những rủi ro cho các bên, nhất là người tham gia bảo hiểm.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ), đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung quy định cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có văn bằng và có văn bằng từ đại học trở lên, có chuyên ngành bảo hiểm, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ liên quan sau cụm từ "đại học chuyên ngành khác” và giao Chính phủ quy định chi tiết các chuyên ngành đại học khác liên quan lĩnh vực này.

Về Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu đánh giá, dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là có tính tương thích cao với Hiệp định CPTPP.

Đi thẳng vào nội dung quy định về hình thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) dẫn chiếu Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành để phân tích, nếu quy định như trong dự thảo Luật về việc phải đăng ký khi chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ với cơ quan quản lý thì chưa phù hợp bởi các đối tượng có thể "lách luật” bằng cách không thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mà áp dụng hình thức quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ thì rất khó quản lý, có thể dẫn đến hệ luỵ trong quản lý và những rủi ro, tranh chấp. Cũng theo đại biểu, quy định về mức bồi thường thiệt hại không quá 500 triệu đồng khi tổ chức, cá nhân sử dụng quyền sở hữu công nghiệp làm tổn hại đến các tổ chức, cá nhân khác là chưa phù hợp vì trong nhiều trường hợp, mức thiệt hại có thể lớn hơn hoặc không xác định được. Do đó, cần quy định trung gian (toà án, trọng tài…) là cơ quan đưa ra phán quyết cuối cùng.

Kết thúc phiên thảo luận, thay mặt Ban soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến phạm vi và đối tượng điều chỉnh của hai bộ luật rất quan trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội và có tính chuyên môn sâu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thẩm tra, dự thảo Luật đã được trình Quốc hội thảo luận và được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật này, Bộ Công Thương đã nhanh chóng tiếp thu nghiêm túc.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ, cũng như ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay; đồng thời khẳng định các ý kiến là cơ sở hữu ích giúp Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát cẩn trọng ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của Luật khi áp dụng trong thực tiễn./.

(ĐCSVN)

Các tin khác
Toàn cảnh phiên họp

Chiều 31-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Sáng 31/5/2019, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức Hội thi "Bí thư chi bộ giỏi" vòng thi chung kết năm 2019.

Tối 31/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2018 – 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng cho biết, nếu chỉ chú trọng kinh tế, không chú trọng phát triển văn hóa, đến một lúc nào đó kinh tế sẽ bị dừng lại do văn hóa tác động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục