Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, với nhiều cách làm hay, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế của tỉnh Yên Bái đã có sự chuyển biến tích cực.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khá với mức tăng bình quân 5 năm 2011 - 2015 (giá so sánh 2010) đạt 5,6%/năm, giai đoạn 2016 - 2018 tăng 6,12%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng từ 3,72 triệu đồng năm 2004 lên 33,6 triệu đồng năm 2018.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét và đúng hướng; tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp.
Sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có bước phát triển, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với thị trường đầu ra, tập trung vào nhóm sản phẩm như: chè, lúa gạo, cây ăn quả có múi, gia cầm, cá các loại; các sản phẩm từ quế; măng các loại.
Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả việc huy động, lồng ghép các nguồn lực gắn với cơ cấu lại đầu tư công để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động giai đoạn 2004 - 2018 đạt trên 94.300,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới nên sau 7 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nếu như năm 2011, toàn tỉnh mới có 2/157 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí nông thôn mới, 17 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí thì đến hết năm 2018 đã có 46/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29,3% tổng số xã của tỉnh (xếp thứ 4/12 tỉnh trong vùng).
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo bước chuyển biến mới về chất trong sản xuất công nghiệp của địa phương.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2004 là 952,3 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt trên 9.670 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Số lượng khách du lịch tăng dần qua các năm: năm 2004 là 148.000 lượt, năm 2018 đạt 560.000 lượt (trong đó khách quốc tế đạt 22.400 lượt); doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng từ 38,21 tỷ đồng năm 2004 lên 333 tỷ đồng năm 2018.
Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số lượng nhà đầu tư đến Yên Bái tăng cả về số lượng và chất lượng. Chỉ số PCI của tỉnh từng bước được cải thiện: năm 2014 đứng thứ 55, năm 2015 đứng thứ 51, năm 2016 đứng thứ 47, năm 2017 đứng thứ 46, năm 2018 đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong giai đoạn 2004 - 2018, tỉnh đã thu hút được 479 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 51.472 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. 15 năm qua, tỉnh đã xây dựng được 1.588 phòng học, 763 phòng công vụ, 353 phòng ở cho học sinh, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 75%, số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 43,2%.
Có thể khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: "Thông qua thực hiện Nghị quyết 37 đã giúp cho Yên Bái nhận diện sâu sắc hơn về tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, thách thức để có giải pháp tháo gỡ; đồng thời, chủ động và tích cực trong liên kết vùng gắn với hội nhập sâu với các địa phương trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, xã hội, cụ thể hóa Nghị quyết để phát triển các khâu đột phá và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; lựa chọn những vấn đề quan trọng, cốt lõi để liên kết vùng mà trọng tâm là hệ thống giao thông, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cũng như phát triển du lịch, thương mại”.
Chính vì vậy, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Trung ương cần sớm ban hành nghị quyết mới với tầm nhìn, tư duy mới về vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó cần xây dựng chiến lược phát triển vùng một cách căn cơ, hợp lý và có cơ chế đủ mạnh để đảm bảo nguồn lực và thực sự là động lực cho phát triển vùng.
Văn Tuấn