Kỷ niệm 74 năm cách mạng tháng tám (19/8/1945 - 19/8/2019); 74 năm ngày truyền thống công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2019); 14 năm ngày hội “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” (19/8/2005 - 19/8/2019)

Tháng Tám trên quê hương Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/8/2019 | 8:09:29 AM

YênBái - Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám như một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương. Bởi đó là lần đầu tiên nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã viết lên trang sử vẻ vang nhất, oanh liệt nhất, làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất anh dũng và đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên quê hương Yên Bái anh hùng.

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khanh 2/9 bất diệt.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khanh 2/9 bất diệt.

Vậy là mùa thu nữa lại về trên quê hương thân yêu với sắc trời xanh thắm và những áng mây trắng thanh bình. Đây là mùa thu thứ 74 kể từ mùa thu Cách mạng năm 1945, đồng bào chiến sỹ cả nước đã nhất tề đứng lên theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, làm nên cuộc cách mạng "long trời lở đất”, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong chiến thắng vang dội đầy kiêu hãnh đó, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái…

Trở về thời khắc lịch sử "ngàn cân treo sợi tóc” của toàn dân tộc khi Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, Nhật đảo chính Pháp…, ngay sau khi ra đời - ngày 30/6/1945, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc vũ trang khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng. Du kích các xã được huy động cao độ đã giúp cho Đội du kích Âu Cơ ngày càng lớn mạnh với tổng số hơn 800 người. 

Ngày 6/7/1945, Đội chia làm 3 mũi tiến công tập trung tại Ba Khe (xã Cát Thịnh, Văn Chấn) tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, chiếm kho thóc 3.000 tấn ở Làng Mỵ chia cho nhân dân. Trong niềm vui khôn xiết ấy, nhiều thanh niên ở Nghĩa Lộ đã hăng hái gia nhập quân giải phóng. Sau đó, Ủy ban lâm thời châu Văn Chấn - chính quyền cấp huyện đầu tiên của vùng Tây Bắc đã được thành lập. 

Cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8/1945, tranh thủ thời gian tổ chức huấn luyện, tỉnh Yên Bái đã biên chế lại đội du kích tập trung và lợi dụng khi hàng ngũ địch đang dao động mạnh, đưa một số bộ phận vũ trang xuống phía Bắc Phú Thọ phối hợp cùng du kích và tự vệ địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, một bộ phận khác đi giải phóng các vùng lân cận. 

Khi quân giải phóng đến ngòi Thia, Tri châu Văn Chấn, Trưởng đồn bảo an binh cùng bọn tùy tùng mang cờ trắng đến xin hàng, Nghĩa Lộ được giải phóng ngày 8/7, không tốn một viên đạn. Ngày 8/7, Đội du kích Cổ Văn tiến vào giải phóng châu lỵ Lục Yên. 

Ngày 14/7, Tri phủ Yên Bình bỏ chạy, ta tiếp quản huyện lỵ. Thừa thắng, ta cử một phân đội quân giải phóng đi giải phóng châu Văn Bàn (5/8) và châu Than Uyên (7/8). Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. 

Đêm 16, rạng ngày 17/8/1945, quân giải phóng vượt sông Hồng ở bến Âu Lâu, Ngòi Chanh, Bảo Hưng tiến đánh quân Nhật ở thị xã. Trận giao tranh diễn ra ác liệt ở các phố: Hội Bình, Yên Hòa, Yên Lạc. Chi bộ Đảng thị xã Yên Bái đã lãnh đạo các đoàn thể: Thanh niên Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc tích cực tham gia nấu cơm, đun nước phục vụ quân giải phóng và chuẩn bị các cơ sở trong thị xã để cứu chữa  thương binh. 

Ủy ban Khởi nghĩa huy động quần chúng các vùng lân cận cùng nhân dân thị xã biểu tình, thị uy, gây áp lực với quân đội Nhật và bè lũ tay sai. Nhận thấy tình thế sẽ bị tiêu diệt, ngày 18/8, quân Nhật lệnh cho Tuần phủ Yên Bái cử 5 người do "đốc tờ Đệ” phụ trách y tế tỉnh dẫn đầu mang cờ trắng sang Âu Lâu xin gặp và mời chỉ huy của ta sáng hôm sau sang thị xã để quân Nhật bàn giao tỉnh cho quân cách mạng. 

Tại cuộc đàm phán, tất cả các yêu cầu của ta, gồm: quân Nhật phải trao trả hoàn toàn chính quyền tỉnh Yên Bái cho Việt Minh; vũ khí của quân Pháp bị quân Nhật chiếm phải trao trả hoàn toàn cho Việt Minh; Việt Minh sẵn sàng giúp quân Nhật lương thực và phương tiện vận chuyển về xuôi nếu quân Nhật yêu cầu; việc cai trị của chính quyền cũ phải chấm dứt; ngày 20/8, nhà chức trách cũ phải bàn giao ngân khố, kho tàng và mọi tài sản cho Việt Minh…, đều được quân Nhật chấp nhận. 

Tên quan ba Nhật nói: "Ngay từ chiều nay, cờ Việt Minh có thể treo khắp nơi trong tỉnh và từ ngày mai, giao quyền cho Việt Minh cai trị tỉnh này”. Theo đó, ngày 20 và 21/8/1945, các đơn vị vũ trang cách mạng và Ủy ban Khởi nghĩa chính thức tiếp quản thị xã - địa bàn cuối cùng của tỉnh Yên Bái hoàn toàn giải phóng. 

Hàng nghìn người già, trẻ, gái, trai từ các căn cứ Vần, Dọc, Đông Cuông, Yên Bình… mang theo cờ, biểu ngữ rầm rập như nước tiến vào thị xã trong niềm hân hoan, phấn khởi đầy xúc động của người tự do, bắt đầu làm chủ vận mệnh của mình. 

Ngay hôm sau, ngày 22/8/1945 - trong không khí náo nức của mùa thu cách mạng đầu tiên tại vườn hoa tỉnh lỵ, Ban Cán sự Đảng đã tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở sân Căng, thị xã Yên Bái với sự góp mặt của đồng bào các dân tộc thị xã và các huyện lân cận. 

Sau khi làm lễ ra mắt nhân dân, đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt UBND cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực phản động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới. 



Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ bên Di tích lịch sử Đình làng Vần, xã Việt Hồng (Trấn Yên). 

Từ mùa thu lịch sử ấy đến nay đã 74 năm trôi qua, với đà phát triển không ngừng của 33 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám vẫn trường tồn như bản hùng ca bất diệt, hòa vào dòng chảy lịch sử, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, đưa dân tộc ta, đất nước ta từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới trở thành một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, yêu chuộng hòa bình, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. 

Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám như một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương. Bởi đó là lần đầu tiên nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã viết lên trang sử vẻ vang nhất, oanh liệt nhất, làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất anh dũng và đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên quê hương Yên Bái anh hùng. 

Từ thắng lợi to lớn đó, cái tên Yên Bái đã vinh dự được đứng ở vị trí một trong những địa phương của cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công nhanh và ít đổ máu nhất. Hôm nay, trong ngày thu lịch sử cùng cả nước kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Yên Bái đã góp công dâng lên Đảng và Bác kính yêu những thành tựu vượt trội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; bằng sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và bằng mối quan hệ máu thịt, sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân các dân tộc với Đảng bộ tỉnh. 

Đi dọc các tuyến phố trong náo nức thu về, trong rực rỡ sắc cờ hoa và băng rôn thắm đỏ từ trung tâm tỉnh lỵ, qua sân Căng của thị xã năm xưa vào vùng đất chiến khu Vần - Dọc… chỉ mất có hơn nửa giờ đồng hồ mới thấy quê hương Yên Bái hôm nay đang đổi mới từng giờ; mới thấy giá trị to lớn của tự do, độc lập mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại cho nhân dân; mới thấm thía đến tận cùng những thành quả mà cha ông ta đã đổ biết bao máu xương tạo dựng. 

Dư âm đó, hào khí đó đã, đang và sẽ mãi là dòng chảy bất tận trong tâm hồn mỗi người con Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình hôm qua, hôm nay và cả muôn đời con cháu mai sau cùng quyết tâm phấn đấu xây dựng cho Tổ quốc này, giang sơn này thêm rạng rỡ gấm hoa. 

Dừng chân trên cầu Bách Lẫm - cây cầu thứ sáu bắc qua sông Hồng để ngắm dòng chảy của lịch sử, ngắm Tháng Tám về trong xanh mướt những nương ngô, đồng lúa, bãi dâu, nhìn sang trung tâm thị xã với sân Căng lịch sử, với Công viên Yên Hòa và tổ hợp vui chơi - mua sắm - giải trí Vincom Plaza Yên Bái… để thấy sức sống căng tràn nơi thành phố trẻ, tôi thấy cả mạch đập của đất trong âm hưởng rộn ràng, trong bừng bừng khí thế mà ca khúc "Mười chín Tháng Tám” của cố nhạc sỹ Xuân Oanh đang vút lên trên chiếc loa truyền thanh thành phố: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu hết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín Tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hò mau diệt tan hết quân thù chung/Mười chín Tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới/Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…/Mười chín Tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa/Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam…”.

Thanh Hương

Các tin khác
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục