Cách đây 74 năm, ngày 28/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Nha giao thông công chính, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giao thông đối với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Ngành giao thông Yên Bái cũng chính thức được thành lập.
Trong 74 năm (28/8/1945 - 28/8/2019) qua các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải (GTVT) nói chung, trong đó, có ngành GTVT Yên Bái nói riêng đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, xây dựng và giữ cho mạch máu giao thông thông suốt, đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng được đảm bảo.
Trong những năm chiến tranh, cán bộ công nhân, thanh niên xung phong trong ngành còn trực tiếp cầm súng bảo vệ các công trình cầu, đường, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc XHCN, giành độc lập cho đất nước, tự do dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành GTVT Yên Bái đã xác định GTVT là cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển; đồng thời, là điều kiện rất cơ bản để thực hiện nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong những năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành của địa phương, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, tạo diện mạo mới cho tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, tỉnh đã xác định tập trung vào thực hiện 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có đột phá về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông.
Từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh đã huy động hơn 9.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển mở rộng không gian đô thị và kinh tế - xã hội của tỉnh, các công trình khắc phục do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ như: công trình cầu Bách Lẫm; cầu Tuần Quán; cầu Khe Dài thuộc dự án đường nối QL 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường xã Chế Tạo; đường Văn Chấn - Trạm Tấu; cầu Ngòi Thia; cầu tràn liên hợp xã Nậm Đông; tràn liên hợp xã Tú Lệ; đường Âu Lâu - Đông An; đường Yên Bái - Khe Sang đoạn Đông An - Khe Sang; đường Cẩm Ân - Mông Sơn; đường Tân Lĩnh - Lâm Thượng...
Đến nay, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Bách Lẫm; cầu Tuần Quán; cầu Khe Dài; đường đến xã Chế Tạo, đường Văn Chấn - Trạm Tấu; đường Yên Bái - Khe Sang đoạn Đông An - Khe Sang; đường Cẩm Ân - Mông Sơn; đường Âu Lâu - Đông An; đường Quy Mông - Kiên Thành...
Các dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả to lớn tạo điều kiện kết nối giao thông các vùng trong tỉnh và với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mở đường cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hiện tại, đang tiếp tục triển khai các dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Tân Lĩnh - Lâm Thượng, đường Cẩm Nhân - Phúc Ninh; sửa chữa cầu Ngòi Thia...; chuẩn bị các thủ tục để triển khai dự án cầu Cổ Phúc; dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12) với tỉnh lộ 172 (đoạn Vân Hội - Mỵ); dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái, vay vốn Quỹ phát triển Ả - rập Xê-út (đường Khánh Hòa - Văn Yên ); đường Trạm Tấu - Bắc Yên; dự án tuyến nối Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ (dự án BT).
Công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Việc triển khai Đề án GTNT giai đoạn 2016 - 2020 kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần hoàn thiện, nâng cao hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh, giúp người dân đi lại được thuận lợi, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đến nay toàn bộ các xã đã có đường giao thông đến trung tâm xã được kiên cố hóa.
Kết quả, từ năm 2016 đến hết năm 2019 dự kiến sẽ kiên cố trên 1.019 km đường bê tông xi măng; mở mới, mở rộng trên 186 km đường đất; xây dựng trên 985 công trình thoát nước (trong đó, theo Đề án đã kiên cố được trên 613 km đường bê tông, tăng 41,1% so với mục tiêu của đề án).
Về lĩnh vực vận tải, ngành GTVT Yên Bái đã tạo ra bước phát triển ổn định, vững chắc trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải hành khách, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thị trường với chất lượng cao. Các tuyến vận tải đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa của tỉnh với các phương tiện ngày càng hiện đại, an toàn, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý khai thác phương tiện được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt dịch vụ công, kiểm soát chất lượng xe lưu hành đảm bảo an toàn.
Công tác đảm bảo trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành như: tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, xóa bỏ các điểm đen, kiểm soát chặt chẽ phương tiện quá khổ, quá tải, tăng cường giám sát chất lượng đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe, tai nạn giao thông đã giảm 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Việc bảo trì đường bộ, phòng chống bão lũ, đảm bảo giao thông luôn được chú trọng, đảm bảo các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh luôn thông suốt an toàn trong mọi tình huống.
Với những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2016 - 2018 Sở GTVT đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bộ GTVT tặng bằng khen.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới Yên Bái tiếp tục tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có tính đột phá kết nối các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo được động lực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại, giảm chi phí, thời gian đi lại, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, nâng cao đời sống nhân dân.
Cụ thể, đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, trong đó ưu tiên các dự án kết nối quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các dự án liên kết vùng của tỉnh và của tỉnh với các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc: đường nối ĐT. 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiên) với quốc lộ 70 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Gia Hội - Phong Dụ Thượng - nút giao IC15 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai); đường Đại Lịch - Minh An...; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ 32C, 37, 2D; triển khai các dự án đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhất trí ưu tiên như tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (Khánh Hòa - Văn Yên); dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên; phấn đấu kiên cố hóa khoảng 1.500 km đường GTNT.
Để hoàn thành mục tiêu, ngành đề ra nhiệm vụ, giải pháp là: tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đảm bảo kết nối đồng bộ các loại hình giao thông và liên kết vùng. Tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.
Ưu tiên tập trung vốn cho những công trình giao thông có tính lan tỏa, tính liên kết vùng và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tập trung đầu tư dứt điểm từng công trình theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đầu tư cho các công trình giao thông; khuyến khích các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư các công trình hạ tầng giao thông.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các dự án, tập trung thực hiện tiết kiệm chống tiêu cực trong thực hiện dự án; chống lợi ích nhóm trong đấu thầu dự án gây thất thoát ngân sách và ảnh hưởng chất lượng công trình.
Thực hiện tốt cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh. Tiếp tục thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng chung tay xây dựng đường GTNT, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân và các tổ chức xã hội.
Đỗ Văn Dự - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải