Xử lý án kinh tế, tham nhũng cần được đặc biệt chú trọng

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2019 | 8:46:41 AM

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 là một trong những nội dung trọng tâm được cơ quan thường trực của Quốc hội thảo luận sôi nổi.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà
Ông Đỗ Đức Hồng Hà

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thẳng thắn nhận định, công tác PCTN vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên chất lượng và tiến độ giải quyết án tham nhũng có thể nói là chưa đạt yêu cầu. 

- Phóng viên: Thưa ông, là thành viên chủ chốt của cơ quan được giao thẩm tra báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về PCTN, ông có bình luận gì về kết quả PCTN năm 2019 so với những năm trước? 

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Tôi hoàn toàn đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2019, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được khẳng định. Gần đây, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, giải quyết đúng pháp luật. Đặc biệt, nếu như trước đây nhiều vụ án kinh tế lớn dư luận nghi ngờ có tội phạm tham nhũng, nhưng phải xử lý về tội phạm kinh tế, do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt, thì nay nhiều vụ án đã làm rõ được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh. Trong đó, có thể kể đến vụ các cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời đã có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Tuy vậy, như chính báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử vừa qua vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng.  

- Các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nhận định là khả năng tự phát hiện, xử lý tham nhũng nhìn chung còn yếu; đa số các vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí thậm chí đã đề cập thẳng thắn một số vụ việc mà "địa phương làm không ra, trung ương phải vào cuộc mới làm được”. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy. Tôi thống nhất với nhận định như vậy. Nhìn chung, việc phát hiện tham nhũng thông qua tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu đã tồn tại nhiều năm. Số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế cũng còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội. Tiến độ và chất lượng giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu.

- Cũng có ý kiến cho rằng lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công thời gian qua có nhiều dấu hiệu tham nhũng, vụ lợi chưa được làm rõ. Ông có đồng tình?  

Tôi cũng cho rằng nơi nào có hiện tượng "Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì phải đặt ra câu hỏi về khả năng có tham nhũng và nhất định cần phải đấu tranh đến cùng để thu hồi tài sản bị thất thoát, xử lý nghiêm khắc đúng người, đúng tội. Cũng cần nói thêm về hiện tượng mà chúng ta thường gọi là "tham nhũng vặt” - hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để vụ lợi. Nói là "vặt”, nhưng đây lại là những sai phạm gây tác hại rất lớn, làm méo mó bộ máy hành chính, băng hoại đạo đức xã hội. Trong đó, trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành để xảy ra tình trạng "tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách là rất lớn. 

- Giải pháp cho vấn đề này đều đã có, nhưng theo ông, trong bối cảnh hiện nay khâu nào cần chú trọng? 

Về nguyên tắc thì PCTN ở bất cứ bối cảnh nào cũng phải thực hiện ở cả hai khâu: thể chế và thực thi. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, đó là cơ sở pháp lý rất mạnh cho hoạt động PCTN. Thế nhưng, để luật phát huy tác dụng tốt nhất thì cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… cũng phải đảm bảo chặt chẽ, không sơ hở để tránh bị lợi dụng, tạo "đất” cho tham nhũng. Và cải cách thể chế cũng chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đảng. 

Trong thực thi - khâu khó hơn, muôn hình vạn trạng hơn, cần nghiêm túc thực hiện các quy định đã có, từ kê khai, công khai đến kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng...

Bên cạnh đó, như tôi đã nói, công tác xử lý án kinh tế, tham nhũng cần được đặc biệt chú trọng. Các vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức "lợi ích nhóm”, "sân sau” không chỉ cần được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, mà sau đó còn phải được tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ. 

- Còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và bảo vệ pháp luật thì sao, thưa ông? Dư luận đã rất bức xúc khi xảy ra các vụ vòi vĩnh, nhận hối lộ một cách "có tổ chức”, có nhiều cán bộ tham gia, như vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng Phòng PCTN Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc…

Quá trình thẩm tra các báo cáo về PCTN, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận thấy có những điểm bất hợp lý trong phân công, phân nhiệm cho các đơn vị có chức năng PCTN, dẫn đến việc các đơn vị này không còn đúng nghĩa là đơn vị chuyên trách chống tham nhũng như yêu cầu đặt ra của Luật PCTN khi quy định việc thành lập các đơn vị này. Chúng tôi đã đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục Điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật và báo cáo cụ thể với Quốc hội về tình hình, giải pháp khắc phục, kết quả thực hiện vào kỳ họp thứ 10, năm 2020.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo SGGP)

Các tin khác
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục