Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng; so với năm 2014 (trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực), số doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,75 lần (so với 74.842 doanh nghiệp năm 2014) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 3,4 lần (so với 432.286 tỷ đồng năm 2014).
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành. Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Rà soát, đánh giá cho thấy các nội dung còn khiếm khuyết hoặc cần hoàn thiện tốt hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Việc ta sửa Luật này có tương thích được với những Luật mới ban hành hay không? Khi sửa 66 điều trong Luật Doanh nghiệp thì có điều nào không tương thích, không tạo ra xung đột với luật khác. Tôi đồng tình sửa Luật Doanh nghiệp để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, tạo an toàn cho các cổ đông, nhà đầu tư tham gia, giảm thủ tục hành chính… là hoàn toàn tốt”.
Thẩm tra Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.
Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Với số lượng sửa đổi 66 điều, bổ sung 1 chương (Chương VIIa về hộ kinh doanh) và 8 điều, bãi bỏ 1 điều so với Luật Doanh nghiệp năm 2014 là khá lớn về số lượng và nhiều nội dung, Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi Luật Doanh nghiệp để bảo đảm tính thống nhất nội tại của Luật, đáp ứng các mục tiêu đã đề ra.
Về hộ kinh doanh (bổ sung Chương VIIa dự thảo Luật), một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, bổ sung các quy định làm rõ các quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế.
Một số ý kiến băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật do quy định tại Điều 187d chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giải, thuận tiện.
Có ý kiến cho rằng về bản chất hộ kinh doanh không khác gì doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Đã đến lúc cần xem xét lại khái niệm để tạo điều kiện cho chủ thể này tiếp tục phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, có một thực tế là nhiều hộ kinh doanh những mặt hàng đơn giản, khai thác được lợi thế của hộ, không muốn thành lập doanh nghiệp. "Bây giờ Luật đưa các hộ cá thể phát triển thành doanh nghiệp và khi đã là doanh nghiệp thì phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, hộ cá thể họ không đồng tình”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh, do vậy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh; rà soát phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Đề nghị nghiên cứu, bổ sung luật hóa những quy định việc hộ kinh doanh tham gia các quan hệ dân sự tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn vào dự thảo Luật để bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc bỏ con dấu trong doanh nghiệp, có thể giảm được thủ tục hành chính nhưng sẽ xảy ra nhiều phức tạp khi có tranh chấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tác động khi việc bỏ con dấu trong doanh nghiệp. "Khi đưa hộ kinh doanh cá thể vào thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và phát triển hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp, cần đánh giá tác động như thế nào. Việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này bổ sung 1 Chương, sửa 66 điều, bỏ 2 điều thì cần phải làm rõ những điều cần sửa. Khi đủ điều kiện ta cứ đưa ra Quốc hội thảo luận”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Kết luận phiên thảo luận Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Qua Tờ trình của Chính phủ, nhận thấy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết. Tuy nhiên cần làm rõ sự cần thiết sửa những điều nào trong luật để tránh sự thiếu thống nhất, xung đột, chồng chéo. Những điều cần bãi bỏ thì vì sao bỏ, Ban soạn thảo cần đưa ra lý lẽ cụ thể. Cần cân nhắc kỹ khi đưa hộ kinh doanh vào áp dụng theo Luật Doanh nghiệp bởi nó có tác động tới hàng triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước.
(Theo Tin tức)