Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III - năm 2019

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2019 | 1:36:31 PM

YênBái - Sáng 18/10, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đồng chí trong đoàn đại biểu Trung ương và Quân khu 2,

Kính thưa mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động, anh hùng LLVT nhân dân; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh,

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Thưa các vị đại biểu, khách quý và toàn thể Đại hội!

Trong không khí phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 và chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, các đại biểu tiêu biểu đại diện cho khối đại đoàn kết các dân tộc anh em tỉnh nhà cùng tụ hội về đây dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 3 tỉnh Yên Bái. 

Đây là một sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của tỉnh và ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Ủy ban Dân tộc Quốc hội và các đồng chí trong đoàn đại biểu của Trung ương, Quân khu 2, lãnh đạo các tỉnh bạn, các Mẹ Việt nam Anh hùng, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các vị khách quý; đặc biệt là hơn 200 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 30 dân tộc anh em của quê hương Yên Bái đã về dự Đại hội. Kính chúc các đồng chí và toàn thể các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội của chúng ta thành công!


Quang cảnh Đại hội.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Thưa Đại hội!

Yên Bái, một tỉnh miền núi cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc với trên 56% dân số là người dân tộc thiểu số; là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nơi giao thoa của những nền văn hóa đa sắc tộc; nơi sinh sống, quần cư và phát triển của 30 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Mường, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú... Theo dòng chảy lịch sử, với tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, một lòng sắt son với Đảng, với lý tưởng của Bác Hồ kính yêu, những người con đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái chúng ta luôn khắc ghi lời dạy của Bác: "Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”, đồng bào các dân tộc Yên Bái cùng nhau đoàn kết, gắn bó với bản làng, quê hương, đất nước và đồng cam, cộng khổ bên nhau bền chặt, không tiếc máu xương, sức người, sức của, góp phần to lớn cùng Đảng bộ, chính quyền hun đúc nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong các cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại của dân tộc cũng như trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và mang đậm bản sắc, giá trị tinh hoa văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đưa quê hương Yên Bái không ngừng đổi mới, hội nhập và phát triển.

Kính thưa các đồng chí,

Thưa Đại hội!

Năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự tập hợp, vận động, hướng dẫn, đồng hành tích cực, hiệu quả của MTTQ và đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên mạnh mẽ, đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội: kinh tế tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế đã có bước phát triển; thu ngân sách bình quân tăng trên 20%/năm; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, trọng tâm, tạo diện mạo đổi thay to lớn từ thành thị đến nông thôn. 

Là một tỉnh miền núi nhưng đến tháng 12 này, tỉnh ta đã có 68 xã và 01 huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nhanh, bền vững đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chăm lo, tạo sự phát triển vượt bậc của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự đổi mới, phát triển chung của đất nước Việt Nam chúng ta.

Đặc biệt, tỉnh đã dành sự quan tâm sâu sắc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; ưu tiên nguồn lực rất lớn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là điện, đường, trường, trạm và thủy lợi khá đồng bộ, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… Kiên trì vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng lợi thế của từng địa bàn phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. 

Từ đó đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao, như: vùng quế trên 76.000 ha, tre măng Bát Độ 6.600 ha, cây sơn tra gần 10.000 ha, vùng chè, vùng ngô hàng hóa, vùng trồng rừng sản xuất nguyên liệu trên 220.000 ha, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi đại gia súc…; các sản phẩm chủ lực này chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo bước đột phá cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Yên Bái, nhất là nơi đồng bào thiểu số đang quần cư, chung sống; 

Sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, giảm điểm trường lẻ ở vùng cao để con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện được chăm lo, giáo dục toàn diện; quan tâm phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào, góp phần xây dựng hình ảnh con người Yên Bái đậm đà bản sắc dân tộc. 

Đặc biệt chú trọng khơi dậy, phát huy cao độ những giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, đã tạo thành những sản phẩm văn hóa - du lịch nổi trội, sâu sắc, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 


Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Đại hội.

Có thể nói, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển mình rõ nét, phương pháp canh tác có nhiều thay đổi, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn; tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã giảm dần; hủ tục lạc hậu cơ bản được xóa bỏ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân toàn tỉnh, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, điện lưới quốc gia được đầu tư cơ bản đến các xã, mạng internet đã được phủ sóng rộng khắp đến hầu hết các khu vực trong tỉnh, nhiều xã đặc biệt khó khăn đã trở thành xã nông thôn mới; các mô hình sản xuất tỷ phú, triệu phú của đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều; nhiều tấm gương hiến đất, ủng hộ, vận động làm đường, xây dựng nông thôn mới… đã thực sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên, tạo bước đổi thay to lớn trong tư tưởng và hành động của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác cán bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chăm lo, có nhiều tiến bộ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 38% đảng viên người dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số chiếm gần 26% tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn tỉnh, trong đó có đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đây là những hạt nhân chính trị vô cùng quan trọng. Mỗi người ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đến bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản đều luôn phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, vừa lãnh đạo, chỉ đạo vừa tập hợp, đoàn kết, vận động đồng bào tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã đạt những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, được Đảng, Nhà nước tôn vinh. Nhiều đồng chí là người dân tộc thiểu số được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ nhân dân gian ưu tú. Nhiều già làng, trưởng bản tiêu biểu, mẫu mực trong cộng đồng… trở thành những tấm gương điển hình tiêu biểu cho ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm và sức mạnh to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái, tôi trân trọng ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích xuất sắc mà cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà đã đạt được trong chặng đường vừa qua.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Yên Bái, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Quốc hội, sự phối hợp của các tỉnh bạn đối với công tác dân tộc của tỉnh Yên Bái; rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các đồng chí trong thời gian tới.


Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi tại Đại hội.

Kính thưa các đồng chí,

Thưa Đại hội!

Tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về đại đoàn kết dân tộc và vai trò, sức mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn mãi còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ dẫn dắt sự thành công của cách mạng dân tộc, nhất là trong giai đoạn mở cửa, hội nhập sâu rộng và phát triển hiện nay. Với đặc thù một tỉnh đa dạng dân tộc và dân số là dân tộc thiểu số cao, chúng ta càng phải thấm thía, suy ngẫm để thực hiện tốt hơn tư tưởng của Người.

Tôi hoàn toàn thống nhất với những nội dung phát biểu chỉ đạo rất tâm huyết, sâu sắc của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn về những định hướng, gợi ý các vấn đề, nội dung trọng tâm cần thực hiện đối với công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc cũng như những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đề cập. 

Trước đòi hỏi thực tiễn và yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc hiện nay, tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề về công tác dân tộc trong giai đoạn tới như sau:

Một là, tiếp tục quan tâm chăm lo và phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, tự tôn các cân tộc, một lòng một dạ sắt son theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; chống tư tưởng, tâm lý dân tộc cực đoan, cục bộ, dân tộc hẹp hòi; kiên quyết đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Tiếp tục phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về vai trò, sức mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước; mọi cơ chế, chính sách ban hành đều phải hướng tới "đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”

Tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc trên các lĩnh vực, nhất là chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cho các dân tộc rất ít người, bảo đảm các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Hai là, cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh tiếp tục đổi mới xây dựng chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng nông thôn mới, thôn, bản nông thôn mới trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của người dân. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông miền núi theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, đầu tư hạ tầng lưới điện, công trình nước sạch, trường học, trạm y tế. 

Phát huy tối đa, tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu; quan tâm các giải pháp thúc đẩy tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, bảo vệ và phát triển rừng, môi trường sinh thái bền vững; tích cực tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, coi trọng việc giữ gìn, bảo tồn, khôi phục phong tục, tập quán và những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - văn hóa, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con; đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ nhiều con...., cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, tạo điều kiện cho con em đồng bào được tiếp cận với môi trường giáo dục toàn diện. Quan tâm công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc, trí tuệ cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bốn là, tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; bảo đảm tốt an ninh nông thôn, an ninh ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; ngăn chặn trồng cây thuốc phiện ở vùng cao; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy lùi tình trạng xuất cảnh trái phép, hoạt động tôn giáo trái pháp luật… giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Năm là, chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc đủ khả năng, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Kính thưa các đồng chí,

Thưa toàn thể Đại hội!

Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái nguyện khắc ghi những lời căn dặn của Bác kính yêu khi Người về thăm đồng bào Yên Bái 61 năm về trước: "Phải đoàn kết chặt chẽ các dân tộc… nhờ đoàn kết mà tạo ra sức mạnh trong chiến đấu cũng như sản xuất”, "Phải quyết tâm từ bỏ những hủ tục, lạc hậu để cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới thì cuộc sống mới khá hơn, tiến bộ hơn”, tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân các dân tộc có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; sớm đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Một lần nữa xin kính chúc đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh bạn, các vị đại biểu, khách quý và toàn thể Đại hội sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

Tags Phát biểu Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và tặng quà động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh.

Sáng 23/4, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương, viếng và chia buồn với gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang điều trị tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu chỉ đạo tại lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Viện Quản trị và Công nghệ (FSB) thuộc Tập đoàn FPT (lớp 1) do Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Viện tổ chức.

Sáng 22/4, đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã dự khai mạc lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Viện Quản trị và Công nghệ (FSB) thuộc Tập đoàn FPT (lớp 1) do Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Viện tổ chức.

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái, ngày 23/4, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình cùng các ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát tại thị xã Nghĩa Lộ.

Sáng nay - 23/4, đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm viếng, động viên các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chiều 22/4 tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục