Cần thiết ban hành Đề án tổng thể
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
"Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Về quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đề án xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3% đến 5%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; thanh niên 15 đến 35 tuổi đọc thông viết thạo tiếng Việt trên 95%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số dân tộc thiểu số...
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được đặt ra là: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; không còn hộ đói; giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực; trên 85% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào dân tộc thiểu số; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Đề án cũng xác định 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiêu biểu là: Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi, xác định cụ thể địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc...
Tập trung vào vùng đặc biệt khó khăn
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án như Chính phủ trình và cho rằng, vùng đồng bào DTTS và miền núi giữ vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy vậy, hiện nay, đây là khu vực vẫn còn tồn tại 5 nhất so với cả nước, đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ người nghèo cao nhất. Khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước chưa được thu hẹp mà có xu hướng ngày càng lớn...
Về mục tiêu của Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cơ bản phù hợp với Nghị quyết của Đảng, mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã tham gia ký kết và định hướng của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lượng hóa các chỉ số của vùng DTTS và miền núi của thời điểm năm 2020, làm cơ sở đề ra các chỉ tiêu có tính khả thi cho giai đoạn 2021 - 2030.
Đề án cũng xác định phạm vi thực hiện ở vùng DTTS và miền núi trên địa bàn 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, của 548 huyện, thị xã, thành phố, thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, trong số này, có 1.957 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được bảo đảm, mức độ hưởng thụ thành quả phát triển chung của đất nước rất thấp. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần xác định phạm vi, địa bàn của Đề án theo hướng tập trung vào "vùng đặc biệt khó khăn” của vùng DTTS và miền núi để ưu tiên nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm như hiện nay.
Về giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thống nhất cho rằng, Đề án đưa ra 11 nhóm giải pháp, đã cơ bản bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội. Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nhiều ý kiến đề nghị, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia mới cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng DTTS và miền núi, theo thứ tự ưu tiên, là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng DTTS và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống (đường giao thông, điện sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà ở…); phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa – du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, tri thức của đồng bào các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Trên cơ sở những phân tích trên, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội xem xét phê duyệt "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi”. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2020, để thực hiện từ năm 2021.
(Theo QĐND)