Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2019 | 11:08:10 AM

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan từ ngày 2-4/11 tại thủ đô Bangkok sẽ là Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong Năm ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên hàng đầu vào việc đóng góp cùng ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, ngày 26/6 tại Bangkok, Thái Lan.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, ngày 26/6 tại Bangkok, Thái Lan.

Trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN 35 sẽ diễn ra Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, LHQ, Nhật Bản, Mỹ); Cấp cao các nước tham gia RCEP lần thứ ba.

Ngoài ra, Lãnh đạo ASEAN sẽ có bữa ăn trưa làm việc với một số khách mời của Chủ tịch (LHQ, Anh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới…) trao đổi về phát triển bền vững.

Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) 2019 và tiếp xúc bên lề với một số Lãnh đạo ASEAN và đối tác, các doanh nghiệp.

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan từ ngày 2-4/11 tại Bangkok, Thái Lan. Sau Lễ bế mạc Hội nghị sẽ diễn ra Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam.

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các cấp cao liên quan có lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Liên hợp quốc (LHQ).

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipitaks, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề: hợp tác, xây dựng ổn định theo hướng bền vững, quản lý biên giới, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa, phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế, Cách mạng Công nghiệp 4.0, sử dụng công nghệ và đổi mới - sáng tạo kỹ thuật số, thúc đẩy giáo dục và chăm sóc đối với tất cả các nhóm dân cư...

Với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, năm 2019, ASEAN đã đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm hoà bình, an ninh bền vững, ứng phó hữu hiệu các thách thức phi truyền thống.

Về kinh tế, ASEAN ưu tiên thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao khả năng tận dụng thành quả Các mạng Công nghiệp 4.0, xây dựng "ASEAN số”, kết nối vì một "ASEAN thông suốt”.

Đồng thời, ASEAN đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, giao lưu nhân dân, tăng cường phúc lợi xã hội và củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai…

Với bên ngoài, ASEAN sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm, xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, dung nạp và kết nối các chiến lược, sáng kiến hợp tác đang được triển khai trong khu vực.

Đoàn kết – chìa khóa của thành công

Tinh thần đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm luôn được lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh là ưu tiên then chốt, xuyên suốt, định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu bật tinh thần này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 (tháng 6/2019), đề nghị đẩy mạnh liên kết kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư nội khối, duy trì hệ thống thương mại đa phương công bằng, mở và dựa trên luật lệ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh "chìa khóa thành công và sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết”. "Lịch sử hơn năm thập kỷ tồn tại chứng kiến không ít lần bó lúa vàng ASEAN phải gồng mình qua giông bão. Nhưng qua đó, ASEAN trưởng thành, tự cường và vững vàng hơn trước... Để trụ vững và thích ứng hiệu quả trước những biến động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN hơn lúc nào hết, cần vững vàng duy trì khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường về kinh tế, khả năng ứng phó chủ động và nhanh nhạy trước các thách thức nảy sinh”, Phó Thủ tướng phát biểu nhân dịp kỷ niệm 52 năm thành lập ASEAN.

Với việc thông qua Tài liệu quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) tại Hội nghị Cấp cao 34, ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm và khả năng chủ động của mình trong những biến động đan xen ở khu vực. Phát triển thành phố thông minh, ứng phó rác thải biển, gắn kết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ đến 2030, ứng phó với an ninh mạng, già hóa dân số… là các dấu ấn đáng ghi nhận của ASEAN thời gian qua.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (tháng 8/2019), trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, bày tỏ quan ngại về vụ việc nghiêm trọng hiện nay.

Trước diễn biến căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn và xu hướng bảo hộ gia tăng, ASEAN cam kết đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư nội khối, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm 2020 là đóng góp cùng ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và các đối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.

Chủ đề và các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 bảo đảm nhất quán với các ưu tiên ASEAN trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tiếp nối ưu tiên của các năm Chủ tịch trước, tập trung thúc đẩy gắn kết nội khối và khả năng thích ứng của ASEAN trước những biến động của thời cuộc.

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Năm Chủ tịch ASEAN 2020, công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 đang được tích cực triển khai.

Trên cơ sở Đề án tổng thể về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, các Tiểu ban đã xây dựng và đang dần triển khai các đề án chi tiết về nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, tuyên truyền - văn hóa, an ninh - y tế.

Về nội dung, xây dựng chủ đề và các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Theo đó, các Bộ, cơ quan liên quan đưa ra các sáng kiến trong các lĩnh vực hợp tác, tiến hành tham vấn, vận động trong ASEAN và với đối tác để từng bước đưa các sáng kiến này vào năm 2020.

Về lễ tân, xây dựng kế hoạch về đón tiễn Nguyên thủ, kế hoạch pin, thẻ, đăng ký đại biểu, chế độ đài thọ và bố trí khách sạn, chuẩn bị xây dựng đội ngũ và tổ chức tập huấn liên lạc viên, tình nguyện viên...

Về vật chất - hậu cần, chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng các phương án về đài thọ, phương tiện đi lại, kế hoạch vận động và tiếp nhận tài trợ...

Về tuyên truyền văn hóa, tổ chức cuộc thi Sáng tác logo Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và dự kiến công bố logo chính thức trong tháng 11/2019; xây dựng và cho ra mắt Website ASEAN 2020 vào tháng 11/2019; kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật...

Ngoài ra, xây dựng các kế hoạch bảo đảm an ninh, y tế phục vụ Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Dự kiến, Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 được tổ chức đầu tháng 1/2020. Theo Hiến chương ASEAN, Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam chính thức bắt đầu từ ngày 1/1/2020 đến hết 31/12/2020.

(Theobaoquocte.vn)

Các tin khác
Quang cảnh phiên họp chiều 31/10/2019.

Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang Bùi Văn Hải tặng hoa chúc mừng tân Phó Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái (ảnh trái).

Với 79 phiếu tín nhiệm, 100% đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang đã nhất trí bầu ông Dương Văn Thái giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Nhiều câu hỏi của người đứng đầu Đảng ta về những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ đang được ngành Tổ chức Xây dựng Đảng và các cơ quan chức năng tích cực tìm giải pháp.

Để tạo một môi trường lành mạnh, tạo cơ hội cho tất cả các cán bộ thật sự xứng đáng, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức được phát triển, yêu cầu đặt ra là phải kiên quyết loại bỏ tiêu cực trong công tác cán bộ, chấm dứt “chạy chức, chạy quyền”; đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ tất cả các khâu trong công tác cán bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu Bernd Lange.

Chiều 31-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) do ông Lange Bernd, Chủ tịch Ủy ban làm Trưởng đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục