Trấn áp mạnh tội phạm "tín dụng đen”
Đánh giá về công tác phòng, chống tội phạm trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin, Chính phủ, Bộ Công an đặc biệt chú trọng chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm.
Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao. Ở nhiều địa phương đã xây dựng, nhân rộng mô hình tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp nhiều lực lượng để răn đe tội phạm.
Từ những nỗ lực của toà ngành, năm 2019 đã có gần 37.500 vụ phạm pháp hình sự được điều tra làm rõ, đạt tỷ lệ 78%. Tỷ lệ án rất nghiêm trọng được phá đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 96%. Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019 lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 1.000 vụ, 1.045 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em; tổ chức tiếp nhận, giải cứu 224 nạn nhân bị mua bán trở về; triệt phá 2.561 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại.
Cùng thời gian này, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen” được trấn áp mạnh. Toàn quốc khởi tố 436 vụ, 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động "tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó khởi tố 214 vụ án, 497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 Bộ Luật Hình sự).
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, theo Bộ trưởng Tô Lâm, số vụ phạm pháp hình sự đã giảm 1,95%. Nhiều loại tội phạm như giết người, trộm cướp, đánh bạc,... được kéo giảm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng nhận định tình hình tội phạm về trật tự xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Trong số hơn 48.000 vụ phạm pháp hình sự có một số loại tội phạm tăng so với cùng kỳ năm 2018. Điểm đáng lo ngại, theo Bộ trưởng, là đã xảy ra những vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo, nhiều vụ do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, khiến nhân dân lo lắng.
Trong khi đó, tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp. Nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo...) chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm về số vụ song hành vi rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật. Đã có 6 cán bộ công an hy sinh, 240 người bị thương trong khi thi hành công vụ.
Bán nhà, đất trên dự án "ma” diễn ra phức tạp
Chia sẻ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, các lực lượng chức năng phát hiện gần 16.000 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, khởi tố gần 2.500 vụ án với hơn 3.800 bị can.
Cùng với đó, đã phát hiện 321 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, khởi tố 327 vụ với 836 bị can, giảm 4,18% so với cùng kỳ 2018… Đặc biệt, các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh, bảo đảm đúng tiến độ.
Ở địa phương, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng cũng có nhiều tiến bộ, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành công an nhìn nhận, tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi.
Phân tích cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra, nhiều kẻ đã lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước. "Tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Nhắc đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, Bộ trưởng cho biết, tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án "ma” diễn ra phức tạp. Vụ Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, vụ Công ty SANA LAND, Công ty Angel Lina môi giới, bán đất nền ở những dự án không có thật được Bộ trưởng đưa ra làm dẫn chứng…
Một lĩnh vực "nóng” nữa là y tế với nhiều sai phạm của các cơ sở sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng khi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc; sản xuất, mua bán hàng giả thuộc lĩnh vực y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng mà điển hình là vụ khởi tố 4 bị can trong đường dây sản xuất, mua bán sản phẩm y tế giả quy mô công nghiệp trị giá 6 tỷ đồng tại TPHCM.
Với tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Bộ trưởng phản ánh, hành vi phạm tội ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương với số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng lưu ý, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng mà vụ 395 người Trung Quốc điều hành nhiều website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến qua mạng Internet (có máy chủ đặt tại nước ngoài) tại khu đô thị Our City, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng là ví dụ điển hình.
Từ nhận diện thực tế, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mạnh các loại tội phạm trên phạm vi toàn quốc.
(Theo Dân Trí)