Đã 57 năm trôi qua, dù làm báo trong thời kỳ khói lửa chiến tranh hay trong những khó khăn, trì trệ của thời kỳ bao cấp và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Báo Yên Bái vẫn là "người thư ký trung thành của thời đại” ghi lại những dấu mốc đáng nhớ, phản ánh khá toàn diện bức tranh chung đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước trong các giai đoạn cách mạng vừa kháng chiến vừa kiến quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Những ngày đầy gian khổ chiến đấu với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Báo Yên Bái đã tuyên truyền mạnh mẽ khí thế quả cảm kiên cường của quân và dân Yên Bái tay cày tay súng phục vụ tiền tuyến; cổ động toàn dân đánh giặc cứu nước, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Xe đạp rất hiếm, các phóng viên lội bộ, "hào sâu, cơm vắt" với bộ đội, dân quân để đổi lấy từng trang báo thời sự nóng hổi tin chiến sự kèm biết bao máu và nước mắt đến tay bạn đọc.
Nhiều địa phương, cá nhân điển hình vừa chiến đấu vừa sản xuất đã được nêu gương trên khắp các kỳ báo như chiến công của dân quân xã Mường Do dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ và bắt sống phi công, chiến công của dân quân Cát Thịnh trên đỉnh núi Hồng đánh trả máy bay địch hay cuộc vận động đồng bào Thái Bình, Hà Nam Ninh lên xây dựng vùng kinh tế mới.
Đó là những đề tài nóng hổi xuyên suốt tờ báo Đảng trong những tháng ngày chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Báo chí là binh chủng cầm bút góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng.
Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, một lần nữa, tất cả phóng viên, biên tập viên đều trở thành phóng viên mặt trận, lao vào cuộc chiến đấu mới. Hàng chục nhà báo lại có mặt ngay trong các chiến hào cùng bộ đội, dân quân ở các chốt điểm quan trọng ở Mường Khương, Sa Pa, Lào Cai....
Lịch sử báo chí địa phương mãi mãi ghi lại những tác phẩm báo chí nổi tiếng: "Hồ Kiều làm chứng", "Mường Khương đối mặt với kẻ thù", "Tả Phìn - cửa ngõ biên cương", "Ô Qui Hồ - mồ chôn quân xâm lược" của các nhà báo: Bùi Nguyên Khiết, Nguyễn Vũ, Bội Đông và nhiều nhà báo khác đã đánh địch trên trang giấy, tạo thành đồng vững vàng giữ vẹn toàn giang sơn gấm vóc.
Lòng yêu nước, chí căm thù, ý thức giác ngộ trong những người làm báo Đảng đã có sức lan tỏa, lay động biến tư duy thành hành động cách mạng trong Đảng, thành lời hiệu triệu con tim đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Bắt tay vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống đói nghèo và lạc hậu cũng gian nan không kém gì những năm tháng chiến tranh. Toàn Đảng, toàn dân và báo chí bước vào một thời kỳ chuyển đổi cơ chế xóa bỏ bao cấp. Những bảo thủ, trì trệ sau bao nhiêu năm sống trong bao cấp đang là trở lực lớn trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm tháng gian nan đó, Báo vẫn giương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phản ánh trung thực tình hình mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; đặc biệt phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình mới những năm đầu đổi mới như các tác phẩm "Khoán sản phẩm ở Báo Đáp", "Những vấn đề nảy sinh trong khoán sản phẩm ở Văn Chấn" (giải nhất viết về nông nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam) của nhà báo Nguyễn Bội Đông, "Mô hình kinh tế trang trại của ông Trương Cơ (Yên Bình)" năm 1988 của nữ phóng viên trẻ Trần Mai Lâm đoạt giải ba Giải báo chí toàn quốc.... Báo đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, xác định kiên trì mục tiêu, đường lối đổi mới xây dựng đất nước.
Kể từ ngày tái lập tỉnh Yên Bái (1/10/1991) đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ, Báo Yên Bái từ 16 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên ngày đầu nay đã tăng lên trên 60 người, đa phần là nhà báo trẻ có bản lĩnh, trí tuệ, nhiệt huyết, lại được trang bị điều kiện, phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu làm báo trong thời đại số hóa.
Cùng với ấn phẩm báo in Yên Bái hàng ngày, sự ra đời các ấn phẩm báo vùng cao, báo điện tử, truyền hình Internet bắt nhịp xu thế truyền thông đa phương tiện đã tiếp những gạch nối lịch sử trên chặng đường 57 năm phát triển gian khổ mà vinh quang của Báo Yên Bái.
Báo Yên Bái thời sự đổi mới với việc chuyên đề hóa nội dung, cải tiến hình thức. Báo vùng cao thêm nhiều chuyên mục mới, cập nhật sát hơn thông tin thời sự và cách thức tuyên truyền mới.
Báo điện tử sau 15 năm đã chuyển sang giao diện mới theo hướng tùy biến và sắp tới đây đưa vào vận hành phiên bản tiếng Anh, mở rộng diện "phủ sóng" bạn đọc đến nhiều hơn nữa quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các số báo, chương trình vẫn đều đặn là người thư ký trung thành, cần mẫn nhiệm vụ tuyên truyền đổi mới cách nghĩ, cách làm, giáo dục bản lĩnh, phát huy trí tuệ, khơi dậy niềm tin để Đảng bộ và nhân dân Yên Bái cùng với cả nước đạt những thành tựu "phi mã" sau hơn 30 năm đổi mới.
Hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, Báo Yên Bái đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của Tỉnh ủy, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, là công cụ đấu tranh, tuyên truyền sắc bén, có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Nhiều tác phẩm báo chí đã đi sâu vào các vấn đề của cuộc sống, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu" góp phần xây dựng xã hội phát triển lành mạnh, văn minh. Lượng thông tin nhiều lên, đa dạng, phong phú, nhiều chuyên mục mới hấp dẫn, thu hút bạn đọc và có tác dụng tốt như chuyên mục: "Vấn đề hôm nay", "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", "Chuyện thường ngày", " "Sổ tay phóng viên", "Ống kính nhà báo", "Kết nối trẻ"... và các thể loại lớn của báo chí được phát huy tốt như: phóng sự, điều tra, ký, ghi chép... đã làm cho tờ báo sôi động, tăng tính hấp dẫn, nâng cao tính định hướng và hướng dẫn dư luận, có tác dụng tốt phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Báo đã tập trung phản ánh công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành, giải pháp thực hiện tập trung tuyên truyền thường xuyên, liên tục, sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chương trình, đề án quan trọng của tỉnh như Chương trình hành động 144 về thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Kế hoạch 131 về giảm nghèo bền vững, các đề án thực hiện Nghị quyết 18, 19 Trung ương 6 khóa XII về thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế; Đề án 11 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn....; đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống; nêu gương các điển hình tiên tiến, cách làm hay; cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền "5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá" và các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019, để hướng đến thực hiện nhiệm vụ năm 2020 - năm có nhiều sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước, đặc biệt là đại hội đảng bộ các cấp bắt đầu cho một nhiệm kỳ mới...
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông số hóa đa phương tiện và mạng xã hội, mỗi người làm báo của Báo Yên Bái càng đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, càng xác định rõ hơn việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực sáng tạo; trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tận tụy với công việc để đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện "nghĩ vênh, hiểu sai, nói trái” với quan điểm, đường lối của Đảng. xây dựng đội ngũ yêu nghề, giỏi nghiệp, thực sự là những nhà báo "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", xứng đáng là người lính đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Trần Quỳnh Liên - Phó Tổng biên tập Báo Yên Bái