Hội Nhà báo Việt Nam ra đời ngày 21.4.1950. Đây là một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Hội có vai trò to lớn là tập hợp đoàn kết tất cả những người làm báo thành một mặt trận thống nhất để thực hiện nhiệm vụ chính trị vẻ vang của mình trước đất nước và trước dân tộc.
Hội có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, giáo dục đạo đức báo chí và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người làm báo. Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ra đời, các tổ chức cơ sở của Hội lần lượt được thành lập ở các cơ quan báo chí và ở các địa phương. Tổ chức Hội không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng, chất lượng và ngày càng thể hiện vai trò to lớn trước đội ngũ những người làm báo.
Nhớ lại, năm 1962, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc xuất bản tờ báo của các đảng bộ tỉnh trong cả nước. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, năm 1963, Đảng bộ các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ đã chính thức cho ra đời tờ báo của đảng bộ. Sau đó một năm, năm 1964, báo và đài các tỉnh đã thành lập chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Như vậy, gần như đồng thời với việc thành lập các cơ quan báo chí là việc thành lập các chi hội nhà báo.
Với vai trò và trọng trách của mình, các chi hội nhà báo đã cùng các cơ quan báo chí tập hợp, đoàn kết lực lượng báo chí thành một khối thống nhất, đóng vai trò xung kích trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc, đi sâu vào từng ngõ ngách của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những người tốt, việc tốt trong quá trình vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn sinh động của cuộc sống. Báo chí coi những nhân tố, những điển hình mới, những việc làm mới là cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước làm cho dân dễ hiểu, dễ nhớ.
Trong lịch sử báo chí với vai trò động viên, khích lệ của Hội Nhà báo hẳn không thể nào quên những năm tháng đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, các nhà báo bằng cây bút, trang giấy và đôi chân dép lốp hoặc chiếc xe đạp lọc cọc có mặt ở những vùng núi xa xôi, trên những cánh đồng, trong nhà máy cùng nông dân và công nhân tay cày tay súng, tay búa tay súng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược; động viên nhân dân các dân tộc "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, cam go và quyết liệt nhất lúc bấy giờ là mặt trận giao thông vận tải trong những năm giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt miền Bắc.
Có thể nói không có cung đường, trọng điểm đánh phá nào của địch lại không có mặt các nhà báo, họ cùng với công nhân hành động quyết liệt "địch phá, ta lại sửa ta đi. Địch lại đánh phá, ta lại sửa ta đi”.
Trong những năm tháng đầy hy sinh và gian khổ ấy, ngày 07/1/1967, nhà báo Phạm Như Đại - phóng viên Báo Nghĩa Lộ - người con của xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở tuổi 36 và anh đã trở thành liệt sĩ, niềm tự hào của những người làm báo.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, năm 1976 theo Nghị quyết của Quốc hội, ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ba tờ báo và đài phát thanh - truyền hình hợp nhất lại thành Báo Hoàng Liên Sơn, đồng chí Vũ Văn Thụ làm Tổng biên tập, đồng chí Lục Bỉnh Ngọc làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hoàng Liên Sơn. Ba chi hội nhà báo của ba tỉnh hợp nhất lại thành Chi hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn và Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Hoàng Liên Sơn.
Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài, gian khổ và nhiều hy sinh mất mát nhất trong lịch sử chiến tranh, nhân dân ta chưa được hưởng một ngày hòa bình từng khao khát đằng đẵng mấy chục năm trời, lại phải đương đầu với một chiến tranh tàn bạo mới để bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc.
Kỳ lạ làm sao, dưới sự chỉ đạo của các cơ quan báo, sự động viên của các chi hội nhà báo, hàng chục phóng viên, biên tập viên, trong đó có cả tổng biên tập, phó tổng biên tập, giám đốc, phó giám đốc đài lại nhận "thẻ phóng viên mặt trận” nối tiếp nhau lên biên giới như một người lính thực thụ cùng với chiến sĩ và đồng bào đánh trả lại quân địch một cách quyết liệt.
Cuộc chiến đấu ấy, để lại những dấu ấn không bao giờ phai mờ trong cuộc đời làm báo của các phóng viên, hội viên Hội Nhà báo. Nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết tay bút, tay súng lên cao điểm Lao Páo Chải cùng bộ đội chiến đấu với ý chí thật kỳ lạ như trong thư gửi về tòa soạn: "Làm phóng viên lúc này mà không lăn vào đây thì mình không thể chịu nổi. Đánh địch bằng mồm quả là dễ hơn đánh địch trong tầm hỏa lực của nó. Chết mình cũng đi. Chết mình cũng phải viết được cái gì đó về những ngày này”.
Nhà báo Bội Đông và Nguyễn Điền với khẩu CKC báng gập, cây bút và trái tim dũng cảm lên Sa Pa cùng bộ đội của Trung đoàn 172 đánh địch quyết chiến ở điểm Ô Quy Hồ và Tả Phìn. Từ mặt trận các anh đã viết tác phẩm: "Ô Quy Hồ mồ chôn quân xâm lược”; "Tả Phìn cửa ngõ biên cương” làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào cả nước.
Nhà báo Nguyễn Văn Bình, Bùi Anh Túy, Quang Trung, Hoàng Hữu Tê, Phùng Thị Thành, Nguyễn Thị Huyền Dụ, Trọng Bài, Đào Uyển và nhiều nhà báo khác mà tôi không thể kể hết được đã lớp lớp lên biên giới chống lại kẻ thù xâm lược, đúng với khẩu hiệu hành động mà nhà báo Hoàng Tùng đã viết trong bài xã luận nổi tiếng "Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính” đăng trên báo Đảng.
Đúng vào 9 giờ 45 phút sáng ngày 17/2/1979, ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới, nhà báo Bùi Nguyên Khiết đã đổi bút lấy súng kiên cường chống lại kẻ thù và anh đã hy sinh ngay trên chiến hào ở cao điểm Lao Páo Chải, xã Tả Ngải Chồ huyện Mường Khương. Anh ngã xuống như một người anh hùng ở tuổi 36, cái tuổi đang vươn đến đỉnh cao của tài năng, trí tuệ văn học và báo chí, như tuổi của nhà báo liệt sĩ Phạm Như Đại hy sinh năm 1967.
Trong cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường ấy có hơn 10 nhà báo của Hoàng Liên Sơn được UBND tỉnh tặng bằng khen, được Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam trao giải báo chí xuất sắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến tranh qua đi, nhân dân ta lại bước vào những năm tháng khôi phục lại đất nước, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn trầm trọng nhất. Hàng hóa khan hiếm, lương thực không đủ ăn, hàng tiêu dùng cạn kiệt. Chi hội Nhà báo cùng với công đoàn phối hợp bình xét chia cho hội viên từ cái lốp xe đạp đến cái áo may ô, anh em phóng viên lại cười tếu táo với nhau: "Bắt phong trần phải phong trần/Cho may ô mới được phần may ô”.
Để tự cứu lấy mình trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái nghiêm trọng, các nhà báo lại động viên nhau, cắt cử nhau đi xin đất trồng sắn, trồng ngô, trồng lúa, chia sẻ cho nhau từ tấm áo, bát gạo, củ sắn đến thanh củi đun. Anh chị em khi nhận phần của công đoàn, của Chi hội chia cho lại ngợi ca: "Chi hội ta đúng là một tổ ấm, no đói có nhau, hoạn nạn có nhau”. Rất tự hào, trong bối cảnh ấy, không một ai rời bỏ đội ngũ, rời bỏ nhiệm vụ của mình là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khởi xướng công cuộc đổi mới để đưa đất nước ra khỏi bên bờ của vực thẳm. Khởi đầu của tư tưởng đổi mới ấy là "làm cho sản xuất bung ra”, tiến tới bước "xóa bỏ tình trạng cấm chợ ngăn sông” làm cho sản phẩm làm ra được lưu thông, rồi tiến tới khoán sản phẩm tới nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Là người sớm nắm bắt những tư tưởng đổi mới của Đảng, các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo động viên những người làm báo đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nêu tấm gương dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật để phấn đấu khắc phục những khó khăn, khuyết điểm, đổi mới cơ chế quản lý làm cho sản xuất hàng hóa "bung ra” và đưa hàng hóa vào lưu thông một cách thông thoáng.
Báo chí đã trở thành người đi tiên phong trong việc thổi luồng gió mới, luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội, vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bằng những nhân tố mới và những tấm gương tiêu biểu.
Trong công cuộc đổi mới, nhiều nhà báo của Hoàng Liên Sơn đã xứng đáng nhận được nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có giải Nhất, một giải Ba của giải "Bông lúa vàng” viết về đề tài khoán sản phẩm trong nông nghiệp.
Những điển hình báo chí Hoàng Liên Sơn phát hiện như khoán sản phẩm ở Văn Chấn, Báo Đáp; đổi mới cơ chế quản lý ở Hợp tác xã Xuân Tiến, huyện Bảo Thắng, Hợp tác xã Sản xuất sứ Yên Ninh, thị xã Yên Bái… không chỉ có ý nghĩa ở trong tỉnh mà còn được nhiều nơi trong nước biết đến.
Cùng với sự phát triển đội ngũ những người làm báo và các loại hình báo chí, vai trò của tổ chức Hội Nhà báo cũng được phát triển tương xứng. Ngày 14//12/1984, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn đã ra Quyết định số 848 thành lập Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Liên Sơn do nhà báo Vũ Văn Thụ làm Chủ tịch trên cơ sở các chi hội nhà báo Báo Hoàng Liên Sơn, Đài Phát thanh - Truyền hình Hoàng Liên Sơn và Báo Chiến sĩ Tây Bắc (thuộc Quân khu II).
Đây được coi là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của tổ chức Hội Nhà báo. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 4 (ngày 8/12/1983), nhà báo Vũ Văn Thụ được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội gồm có 53 ủy viên. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, trong hai ngày 27 và 28 tháng 12 năm 1984, Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1984 - 1989) với 55 hội viên tham dự.
Nhà báo Vũ Văn Thụ - Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Chế Huy Đồng làm Phó Thư ký Thường trực. Hội có trụ sở riêng. Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn ra đời là một bước ngoặt mới, tạo nên thế và lực mới cho các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Hội mở nhiều cuộc hội thảo nghiệp vụ về những thể tài chủ yếu của báo chí như: viết điều tra, phóng sự, gương người tốt, việc tốt… Mỗi dịp các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương Hội lên Hoàng Liên Sơn như đồng chí Đào Tùng, Phan Quang… Hội đều tranh thủ xin ý kiến về công tác xây dựng Hội, về bồi dưỡng kiến thức chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo. Hội mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo và đội ngũ hàng trăm cộng tác viên, mở các cuộc thi viết để nâng cao kỹ năng làm báo cho phóng viên, làm tham mưu cho UBND tỉnh nâng tầm Giải báo chí hàng năm của Hội thành Giải báo chí hàng năm của tỉnh.
Để mở rộng tầm nhìn ra cả nước và nâng cao kiến thức cho những người làm báo, Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn cùng phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức được nhiều chuyến đi tham quan, trao đổi nghiệp vụ và công tác Hội với rất nhiều các báo trong cả nước như: Báo Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Phú Khánh, Ninh Thuận, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh…
Mối quan hệ rộng lớn đã giúp cho cán bộ, phóng viên, hội viên mở rộng tầm nhìn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tự cho mình là hay nhất, từ đó đổi mới cách nghĩ, cách làm, đưa báo chí tiếp cận với nền báo chí hiện đại với chất lượng ngày càng cao.
Là thành viên của Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ, Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn đã tham gia vào các hoạt động báo chí quốc tế. Nhà báo Vũ Văn Thụ đã tiếp, làm việc và trao đổi với nhiều đoàn nhà báo quốc tế như: Liên Xô, Cu Ba, Tiệp Khắc, Nhật, Pháp.
Nhà báo Bội Đông đã làm việc và dẫn các nhà báo các nước trong khu vực lên biên giới phía Bắc để họ chứng kiến tận mắt và ghi lại những tội ác của kẻ địch để lại trên đất Hoàng Liên Sơn, trong đó có nhà báo Su-mác-giơ của tờ Méc đê ca (tờ Độc lập) của Indonesia và nhà báo Malaysia.
Được Trung ương Hội giúp đỡ, Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn hoạt động Xổ số quốc tế OIJ lấy tiền mua cho mỗi hội viên một bộ comple và một đôi giày da. Lần đầu tiên hội viên được trang bị một bộ quần áo sang như thế để hoạt động, đây là một hoạt động rất thiết thực của Hội trong thời kỳ: "Gạo châu, củi quế”, hàng hóa khan hiếm.
Nhà báo Vũ Văn Thụ đến tuổi nghỉ chế độ, nhà báo Bội Đông - Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn làm công tác Hội. Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn bầu nhà báo Bội Đông - Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn làm Chủ tịch Hội Nhà báo.
Sau đó tỉnh Hoàng Liên Sơn lại chia tách thành 2 tỉnh là Yên Bái và Lào Cai, nhà báo Bội Đông - Tổng biên tập Báo Yên Bái được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo. Đại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/10/1989, nhà báo Bội Đông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội, Ban Chấp hành khóa 5 gồm 35 ủy viên. Đây là một kỳ đại hội có nhiều đổi mới, ghi dấu ấn lớn là ra đời được bản quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Kế thừa và phát huy truyền thống của Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn, Hội Nhà báo Yên Bái lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng hội viên cũng như nội dung và hình thức hoạt động của tổ chức Hội. Hội Nhà báo Yên Bái gồm cả Chi hội Văn học Nghệ thuật và các cơ quan báo chí thường trú thật sự trở thành nơi bồi đắp tư tưởng, chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, góp phần làm cho đội ngũ các nhà báo phát triển mạnh mẽ và xuất hiện nhiều nhà báo tài năng làm cho tờ báo của Đảng bộ tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trở thành các tờ báo có uy tín lớn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển mạnh mẽ, toàn diện của tỉnh.
Nguyễn Bội Đông (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa V)