Đối với hệ thống Tòa án nhân dân (TAND), thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014 và hướng dẫn của TAND Tối cao, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, TAND tỉnh đã sắp xếp, kiện toàn, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ theo đúng quy định của Luật và hướng dẫn của TAND Tối cao.
Hiện nay, TAND tỉnh có 3 tòa chuyên trách là: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính – Kinh tế - Lao động và 3 đơn vị tham mưu, giúp việc gồm: Văn phòng; Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng; Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án. Đồng thời, thành lập văn phòng tại 9 đơn vị TAND huyện, thị, thành phố.
Trong Văn phòng có Tổ hành chính tư pháp do lãnh đạo Văn phòng phụ trách thực hiện chức năng tham mưu, giúp Chánh án Tòa án cùng cấp tổ chức xét xử.
Về cơ bản, tổ chức bộ máy của TAND hai cấp vẫn giữ nguyên như trước khi thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Đối với Viện Kiểm sát nhân dân (KSND), tổ chức bộ máy của Viện KSND hai cấp trong tỉnh được kiện toàn theo Luật Tổ chức Viện KSND và hướng dẫn của Viện KSND Tối cao.
Viện KSND tỉnh đã xây dựng Đề án giảm từ 12 phòng xuống còn 9 phòng. Tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra trong lực lượng công an được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm: Cơ quan điều tra trong Công an tỉnh gồm: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh (có 4 đơn vị: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) và cơ quan cảnh sát điều tra công an các huyện, thị, thành phố.
Hệ thống, mô hình tổ chức điều tra trong lực lượng công an hiện nay quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra các cấp; kết hợp chặt chẽ hoạt động trinh sát và hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự, rút ngắn được thời gian điều tra, tạo điều kiện cho các điều tra viên tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ đầu, cán bộ trinh sát theo dõi vụ án cho tới khi kết thúc. Vì vậy, chất lượng điều tra nâng lên, phục vụ yêu cầu mở rộng vụ án, nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm, hỗ trợ khai thác thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra tội phạm.
Việc mở rộng thẩm quyền điều tra hình sự của công an cấp huyện đã tăng hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án hình sự, tạo thuận lợi cho việc nắm bắt đối tượng, địa bàn cơ sở; giúp cơ quan điều tra cấp tỉnh tập trung lực lượng, phương tiện điều tra các vụ án lớn, phức tạp và kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho công an cấp huyện.
Khi tiến hành điều tra, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu khẩn trương, cấp bách của hoạt động điều tra; thực hiện tập trung, thống nhất, chuyên sâu gắn với tội phạm cụ thể. 15 năm qua, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận trên 8.000 tin, xác minh, giải quyết hơn 7.700 tin, chuyển hơn 300 tin; khởi tố gần 7.000 vụ án, gần 10.800 bị can; kết thúc điều tra, đề nghị truy tố trên 6.400 vụ, trên 10.500 bị can.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng điều tra viên còn thiếu, trình độ của một số điều tra viên chưa cao, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, một số đơn vị vừa có chức năng điều tra theo tố tụng hình sự, vừa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nên nếu không có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ sẽ xảy ra vi phạm trong xử lý tội phạm, xử lý hành chính.
Về tổ chức cơ quan thi hành án hình sự (THAHS), đã thành lập được Phòng Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp. Đồng thời, thành lập các đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ở công an cấp huyện.
Việc thành lập lực lượng cảnh sát THAHS đã đáp ứng kịp thời cho hoạt động xét xử và THAHS. Tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự (THADS) hai cấp trước khi có Luật THADS, tổ chức THADS gồm THADS tỉnh và THADS cấp huyện.
Năm 2018, Quốc hội thông qua Luật THADS, Chính phủ ban hành Nghị định số 74, hệ thống THADS tỉnh đã được tổ chức tập trung, thống nhất. Theo đó, Cục THADS tỉnh thuộc Tổng cục THADS – Bộ Tư pháp, có các chi cục THADS tại các huyện, thị, thành phố trực thuộc Cục THADS tỉnh.
Nhằm xác định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, đảm bảo tính độc lập của chức danh tư pháp, những năm qua, lãnh đạo các cơ quan tư pháp thực hiện thẩm quyền quản lý hành chính trong lĩnh vực tư pháp để tổ chức quản lý, điều hành, phân công, kiểm tra, đôn đốc người được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ án.
Người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn độc lập theo quy định của pháp luật tố tụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Để phân định thẩm quyền quản lý hành chính và quyền hạn tố tụng, từ năm 2016, TAND tỉnh và TAND các huyện, thị, thành phố đã thành lập Tổ (bộ phận) hành chính tư pháp tại Văn phòng, tách nhiệm vụ hành chính tư pháp, giúp chánh án tổ chức xét xử với hoạt động tố tụng, góp phần nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có việc liên quan đến Tòa án, góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động của TAND tỉnh đã góp phần giáo dục và nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân.
Từ năm 2005 đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn 14.100 phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp đổi mới thủ tục tố tụng trong xét xử dân sự, hình sự, hành chính đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có 113 vụ án có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, đạt tỷ lệ 0,8%. Việc tranh tụng tại phiên tòa đảm bảo theo quy định của pháp luật tố tụng, chất lượng tranh tụng được nâng lên, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, khách quan, đúng pháp luật.
Để thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn thường xuyên chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan Nhà nước chấp hành nghiêm các văn bản tố tụng khi có công việc liên quan đến Tòa án. Theo đó, từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực đến nay, TAND hai cấp tỉnh đã giải quyết 62/67 vụ án hành chính, người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước đã cơ bản chấp hành việc đến Tòa án để giải quyết các vụ, việc có liên quan.
Đặc biệt, các cơ quan tố tụng cũng luôn phối hợp chặt chẽ, chủ động trao đổi, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra để bổ sung, điều tra lại hoặc hủy án. Đối với những vụ án phức tạp hoặc đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án có bị can, bị cáo là cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương xử lý, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về công tác tư pháp, tố tụng nhưng không can thiệp trái quy định vào hoạt động tố tụng.
Theo đó, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trong giám sát, giáo dục người chấp hành án theo quy định; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người phải chấp hành án, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, dân chủ, công bằng và văn minh.
Thanh Hương