Chủ trì hàng loạt các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong những ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cố gắng rất cao trong việc mang đến cho người dân 3 chữ "an”, đó là an toàn tính mạng, an sinh xã hội và an tâm chắc chắn đại dịch sẽ đi qua.
Đồng cảm sâu sắc với sự bất tiện của người dân khi phải luôn mang theo chiếc khẩu trang, hay nỗi buồn vắng của họ khi phải chứng kiến phố thị, các khu vui chơi trở nên hiu quạnh, người đứng đầu Chính phủ thấy rằng chỉ thực sự chiến thắng được dịch bệnh, khi mà người dân không bị ám ảnh nỗi sợ ngày mai con đường mưu sinh sẽ ra sao.
Mặc dù hiện giờ, người dân hầu như chỉ tập trung đếm mỗi ngày có thêm bao nhiêu ca nhiễm bệnh và chăm chú vào việc "chiến đấu”, chưa quan tâm nhiều đến những chuyện khác, nhưng là "tổng tư lệnh”, Thủ tướng hiểu sự kiên nhẫn của người dân rồi sẽ đến giới hạn, khi trong gần 3 tháng qua người dân đã phải hy sinh nhiều thứ.
Thầy, cô giáo không được đến trường, nhiều công nhân không được đến công xưởng. Ngay ở nơi được xem là "đứa con cưng” của nền kinh tế là các "anh cả đỏ", lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng đã phải gửi tâm thư cho gần 10 nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động kêu gọi sẵn sàng tâm thế hy sinh…
Vì thế, Thủ tướng phát đi thông điệp mạnh mẽ về "việc làm cho người dân, không để người dân đói nghèo sau đại dịch”. Tại cuộc làm việc với tỉnh Sóc Trăng chiều qua, Thủ tướng nóng lòng hỏi lãnh đạo tỉnh này tình hình thành lập doanh nghiệp mới tại địa phương thế nào.
Từng thấy rất "chạnh lòng khi nhìn hình ảnh bà cụ già ở Sóc Trăng nuôi cháu nhỏ vì cha mẹ của cháu phải bỏ quê, lên Bình Dương tìm việc làm” và yêu cầu chính quyền phải tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân để người dân không bỏ xứ ra đi, Thủ tướng cho rằng thời dịch bệnh này, công việc đó càng phải được đặc biệt chú trọng.
Thủ tướng cũng nhắc về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh khi trong 2 tháng đầu năm 2020, Sóc Trăng mới giải ngân được gần 9%. Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để kiểm điểm 4 việc.
Một là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hai là giải ngân vốn đầu tư công; ba là giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh; bốn là bảo đảm an ninh trật tự.
"Nguồn lực của chúng ta còn khó khăn nên phải làm thế nào để giữ được tốc độ tăng trưởng, còn giữ được tốc độ tăng trưởng thì mới còn có thể bảo đảm tốt việc làm cho người dân”, Thủ tướng mong muốn, "các tỉnh hãy cùng "tay nắm tay” để chống sụt giảm”.
Hai ngày trước, chủ trì cuộc họp về an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết đang cân nhắc đến một gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội để đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân lúc hậu dịch.
Trong những năm qua, bình quân hằng năm Chính phủ đã giải quyết việc làm trong nước cho 1,5-1,6 triệu người và đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, khoảng 2-2,2%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%. Thủ tướng nhận định, "nếu không nỗ lực rất cao, thành quả này có thể bị tổn thương lớn vì đại dịch”.
Thích nghi nhanh với "thời chiến”, từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những đề xuất, giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình dịch Covid-19 khi tình hình sản xuất đình trệ, thu nhập giảm sút. Theo đó, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất, không tính lãi theo đúng quy định.
Hiện tại, Chính phủ đã đưa cuộc chiến vào giai đoạn mới, với mục tiêu cao hơn nữa, cùng với bảo đảm sức khỏe, là lời cam kết bảo đảm việc làm, đời sống cho người dân.
Nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, nhưng Thủ tướng cũng nhẹ lòng hơn khi thấy chính quyền các cấp cũng đang cùng Chính phủ hết mình chiến đấu.
(Theo HNMO)