Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900 - 11/4/2020):

Khái quát địa danh, địa giới Yên Bái trong lịch sử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2020 | 1:54:09 PM

YênBái - Yên Bái trước khi trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh là địa bàn nằm trong tỉnh Hưng Hóa - một tỉnh có diện tích rộng lớn trải khắp vùng trung du và thượng du Bắc Kỳ. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, vùng đất lập nên tỉnh Yên Bái có nhiều lần thay đổi về địa danh và địa giới.

Một góc thị xã Yên Bái năm 1906.
Một góc thị xã Yên Bái năm 1906.

Thời Hùng Vương, khảo cổ học cho chúng ta biết rằng: tộc người Lạc Việt - cư dân chính của nước Văn Lang là chủ nhân của nền văn hóa đồ đồng rực rỡ. Di chỉ Đào Thịnh (Trấn Yên) với chiếc Thạp đồng nổi tiếng cùng với Thạp đồng Hợp Minh (phát hiện tháng 6/1995) cho thấy vùng đất Yên Bái thời cổ đã là địa bàn cư trú quan trọng của cư dân Lạc Việt trong lãnh thổ của nước Văn Lang. 

Dưới thời Thục Phán, nước Âu Lạc bao gồm cả miền Bắc nước ta và phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. 

Nước Âu Lạc gồm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân, được chia thành nhiều huyện, tương đương với địa bàn sinh tụ của 17 bộ lạc. 

Từ năm 220, sau khi nhà Đông Hán đổ, Trung Quốc bước vào thời kỳ hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục, Ngụy). Nhà Ngô thay nhà Hán thống trị nước ta, đổi thành 6 quận. Yên Bái nằm trong địa phận huyện  Lâm Tây quận Tân Hưng.

 Sang đời nhà Tần, quận Tân Hưng đổi thành quận Tân Xương (đến năm 420). Đầu thế kỷ V, Trung Quốc bước vào thời loạn Nam - Bắc Triều, Từ năm 420 đến năm 589, các Triều Tống, Tề, Lương, Tấn thay nhau thống trị nước ta. Thời kỳ này địa danh các quận, huyện về cơ bản không thay đổi. Yên Bái vẫn nằm trong địa phận huyện Lâm Tây, quận Tân Xương. 

Sang đời Tấn quận Tân Xương đổi thành quận Hưng Châu. Trên thực tế, quyền thống trị của Nam Triều bị xóa bỏ từ năm 542 với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn lãnh đạo. Nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ. Năm 602, nhà Tùy cho quân xâm lược nước ta. 

Cuộc kháng chiến chống quân Tùy do Lý Phật Tử lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại. Nhà Tùy đặt sách đô hộ, chia nước ta thành 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Tiếp đó chia quận Giao Chỉ cũ thành hai huyện là Giao Chỉ và Long Biên lệ thuộc vào Giao Châu. 

Đầu đời Đại Nghiệp (nhà Tùy), gộp Phong Châu và Giao Châu đặt lại quận Giao Chỉ, chia Giao Chỉ thành 9 huyện, đổi huyện Lâm Tây thành An Nhân. Yên Bái lúc này nằm trong huyện An Nhân. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tùy, đặt ách thống trị cả Trung Quốc và nước ta. Nhà Đường sửa lại toàn bộ hệ thống hành chính và phân chia An Nam đô hộ Phủ lãnh quản 12 châu. 

Năm Vũ Đức thứ 4 (521), nhà Đường đặt Phong Châu gồm 6 huyện. Năm Thiên Bảo thứ nhất (724) đổi Phong Châu làm quận Thừa Hóa. 

Năm Càn Nguyên thứ nhất (758) lại đổi là Phong Châu. Từ đầu đời Đường, vùng đất Yên Bái vẫn nằm trong huyện An Nhân thuộc Phong Châu - Thừa Hóa quận. Đến năm Trinh Quán thứ nhất (627), nhà Đường bỏ huyện An Nhân, sáp nhập phần đất này vào huyện Gia Ninh thuộc Phong Châu - Thừa Hóa quận.

Đối với các bộ lạc ở miền núi phía Bắc và Tây Bắc nước ta, nhà Đường không đặt được châu, quận để thống trị trực tiếp nên đặt những châu Ki Mi (châu ràng buộc lỏng lẻo) và vẫn để cho các tù trưởng giữ bộ lạc cũ của họ. Lệ thuộc vào An Nam đô hộ phủ có 40 châu Ki Mi. 

Ở miền núi Yên Bái, Lào Cai và thượng du sông Đà có các châu Ki Mi Lâm Tây, châu Cam Đường và châu Quy Hóa. Như vậy, thời nhà Đường đặt địa bàn Yên Bái nằm trong huyện Gia Ninh và châu Ki Mi Lâm Tây. 

Từ khi họ Khúc khôi phục nền tự chủ trải qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, nước ta vẫn dùng tên các châu đời Đường. Duy có triều Đinh, tiền Lê, châu Ki Mi Lâm Tây đổi thành phủ An Tây. Năm 1009, nhà Lý lên ngôi chia nước ta làm 12 lộ, cuối đời Lý chia thành 24 lộ (châu). 

Vùng đất Yên Bái thời kỳ này bao gồm các châu Định Nguyên, một phần châu Chân Đăng và một phần trại Quy Hóa. 

Đầu đời Trần, vùng đất Yên Bái nằm trong đạo Đà Giang; cuối đời Trần vùng đất Yên Bái có huyện Văn Bàn, huyện Văn Chấn nằm trong châu Quy Hóa trấn Thiên Hưng và huyện Thu Vật nằm trong trấn Tuyên Quang. Khi quân Minh xâm lược và thống trị nước ta, các địa danh cũ vùng đất Yên Bái không thay đổi. Sau khi đánh đuổi quân Minh, khôi phục nền độc lập, Lê Lợi chia cả nước thành 5 đạo; chia các lộ, trấn, phủ, châu, huyện lệ thuộc vào các đạo. 

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo Thừa tuyên. Đến năm thứ 10 (1469) định lại bản đồ cả nước, thống nhất các phủ, huyện vào đạo Thừa Tuyên. Địa bàn Yên Bái có huyện Văn Chấn, huyện Trấn Yên, châu Văn Bàn nằm trong địa phận phủ Quy Hóa, Đạo Thừa tuyên Hưng Hóa và 2 châu Lục Yên, Thu Vật nằm trong địa giới đạo Thừa tuyên Tuyên Quang.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), đạo thừa tuyên Hưng Hóa đổi thành xứ Hưng Hóa, sang đời Hồng Thuận (1509 - 1516) đổi thành trấn Hưng Hóa. Đầu đời Gia Long vẫn là trấn Hưng Hóa nhưng lệ thuộc vào Bắc Thành.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi trấn Hưng Hóa thành tỉnh Hưng Hóa. Tỉnh lỵ đặt tại huyện Tam Nông (Phú Thọ). 

Tỉnh Hưng Hóa lúc này gồm 4 phủ là: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây và phủ Điện Biên. Vùng đất Yên Bái có 2 huyện: Văn Chấn, Trấn Yên nằm trong địa giới phủ Quy Hóa. 

Huyện Văn Chấn tên đặt từ thời nhà Lê, thổ tù phụ đạo là Hà và Lê thế tập; sau này họ Sầm (người nước Thanh) và họ Cầm (tù trưởng châu Sơn La) lên thay. Huyện Trấn Yên tên đặt từ thời nhà Lê, thổ tù họ Nguyễn Đình thế tập; đầu đời Gia Long vẫn theo tên cũ. Năm Minh Mệnh thứ 17 mới đặt lưu quan, đặt thêm xã và tổng; lãnh quản 4 tổng, 30 xã; năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) đặt lỵ sở tại xã Bách Lẫm. Ngoài ra vùng đất Yên Bái còn có 2 châu: Lục Yên và Thu Vật nằm trong địa giới tỉnh Tuyên Quang.

Thời Pháp thuộc, đời Thành Thái (1886), thực dân Pháp trích đất Hưng Hóa đặt tỉnh Lào Cai và quân khu thứ tư ở miền thượng du Bắc Kỳ. Tỉnh lỵ đặt tại Lào Cai (Lão Nhai) gồm 4 hạt là: Lào Cai, Bảo Hà, Nghĩa Lộ, Yên Bái và 2 châu: Chiêu Tấn, Thủy Vĩ. Hạt Bảo Hà có 1 châu là Văn Bàn; hạt Nghĩa Lộ có 2 châu là Văn Chấn, Tú Lệ; hạt Yên Bái có 1 huyện: Trấn Yên. 

Sau một thời gian thấy công cuộc bình định kém hiệu quả, thực dân Pháp quyết định nâng cao hơn nữa quyền lực của các khu vực quân sự nên đã lập ra các đạo quan binh ở Bắc Kỳ thay thế cho các quân khu. Nghị định 20/8/1891 của Toàn quyền Đông Dương thiết lập 4 đạo quan binh là Phả Lại, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La. Đạo quan binh 3 đặt tại làng Yên Bái. 

Ngày 09/9/1891, toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định quy định địa bàn đạo quan binh Yên Bái đồng thời thành lập các tiểu quân khu thuộc đạo quan binh 3 gồm: tiểu quân khu Lào Cai, tiểu quân khu Yên Bái gồm các địa bàn: châu Lục Yên (tỉnh Lào Cai), huyện Hạ Hòa (tỉnh Sơn Tây) và huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Trấn Yên (tỉnh Hưng Hóa). Thủ phủ tiểu quân khu đặt tại Yên Bái.

Sau khi hoàn thành việc bình định quân sự, để dễ kiểm soát và khai thác bóc lột hiệu quả đất nước ta, thực dân Pháp phân chia lại địa giới hành chính. Ngày 11/4/1900 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lấy các phần đất tách ra từ đạo quan binh thứ 4 thành lập tỉnh Yên Bái. 

Tỉnh lỵ được đặt tại đạo lỵ của đạo quan binh thứ 3 cũ tại làng Yên Bái, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên. Tỉnh Yên Bái khi mới thành lập bao gồm: huyện Trấn Yên có 5 tổng (Bách Lẫm, Giới Phiên, Lương Ca, Yên Phú, Đông Cuông); huyện Văn Chấn có 4 tổng (Hạnh Sơn, Phù Nham, Sơn A, Đại Lịch); huyện Văn Bàn có 2 tổng (Văn Bàn, Võ Lao); huyện Lục Yên có 6 tổng (Trúc Lâu, Lịch Hạ, Lâm Trường Thượng, Lâm Trường Hạ, Lương Sơn, Nghĩa Đô). 

Ngày 20/3/1920 sáp nhập châu Than Uyên từ tỉnh Lai Châu vào tỉnh Yên Bái. Châu Than Uyên có 5 tổng (Than Uyên, Mường Cang, Mường Kim, Chu Chen Phung, Kim Nọi). Như vậy quá trình hình thành tỉnh Yên Bái lúc đầu để đáp ứng yêu cầu bình định quân sự. Sau đó đã có nhiều thay đổi để trở thành tỉnh hành chính Yên Bái. Đến năm 1954 địa dư và các đơn vị hành chính của tỉnh Yên Bái không thay đổi.

Tháng 5/1955, các châu Văn Chấn, Than Uyên chuyển thuộc khu tự trị Thái - Mèo. Tháng 6/1956 huyện Yên Bình tỉnh Tuyên Quang sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Tháng 10/1962 Quốc hội quyết định đổi tên khu tự trị Thái - Mèo thành khu tự trị Tây Bắc và lập các tỉnh trực thuộc. Ngày 24/12/1962 thành lập tỉnh Nghĩa Lộ gồm các huyện: Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên và thị xã Nghĩa Lộ. 

Năm 1964, một phần huyện Văn Chấn tách ra thành lập huyện Trạm Tấu; một phần huyện Than Uyên và các xã Nậm Có, Khau Phạ thuộc huyện Văn Chấn tách ra lập huyện Mù Cang Chải. Đầu năm 1965, khu vực thượng huyện Lục Yên tách ra lập huyện Bảo Yên; vùng hạ huyện Văn Bàn và thượng huyện Trấn Yên tách ra lập huyện Văn Yên. 

Ngày 3/1/1976, 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hai huyện Bắc Yên, Phù Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ sáp nhập vào tỉnh Sơn La. Ngày 1/10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành 2 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai. Các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Than Uyên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái sáp nhập vào tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Yên Bái hiện nay có diện tích 6.882,922 km2, gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc là: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải.

Nông Thụy Sỹ

Tags 120 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái Khái quát địa danh địa giới Yên Bái

Các tin khác
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục