Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020):

Yên Bái những tháng năm hào hùng ra trận

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2020 | 8:00:26 AM

YênBái - Nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người thường nghĩ về một cuộc chiến lẫy lừng diễn ra trong “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Nhưng với người dân Yên Bái - nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng vùng cửa ngõ Tây Bắc thì cuộc hành quân ra trận đã bắt đầu từ những năm trước đó.

Những cỗ đại bác làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ được Đoàn vận tải Sông Thao chuyển trên sông Hồng từ Lào Cai về Yên Bái. (Ảnh: T.L)
Những cỗ đại bác làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ được Đoàn vận tải Sông Thao chuyển trên sông Hồng từ Lào Cai về Yên Bái. (Ảnh: T.L)

Cuộc hành quân ấy được ghi dấu bằng sự kiện cuối năm 1952, sau khi đào tạo 1 trung đoàn bộ đội pháo binh giúp Việt Nam (Trung đoàn 45 hay còn tên khác là Trung đoàn Tất Thắng), Trung Quốc đã viện trợ cho ta 24 khẩu pháo 105 ly và 3.600 viên đạn, hàng chục tấn thiết bị, 40 xe kéo pháo, xe vận tải, xe cần trục. Đoàn xe kéo pháo khởi hành từ huyện Mông Tự (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) theo đường sắt tiến về biên giới Việt - Trung. 

Tuy nhiên, đường sắt từ biên giới Lào Cai về Yên Bái đã bị Pháp đánh bom phá sập hơn 40 cây cầu. Như vậy, kế hoạch ban đầu là khi về đến Lào Cai, ta dùng xe goòng để tăng bo chở xe, pháo về thị xã Yên Bái coi như không thực hiện được. 

Trước tình hình đó, bộ chỉ huy hành quân họp gấp, bàn phương án mới để đưa pháo về xuôi và có 3 phương án đưa ra: Một là, dùng ô tô kéo pháo theo đường bộ (có tài liệu viết rằng, kéo pháo từ Lào Cai về Lao Bảo). Từ đây, xây dựng một "đường quân sự làm gấp" đưa xe, pháo đến bến Hiên, bến Ngọc rồi hành quân về căn cứ ở Bắc Mục, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. 

Hai là, kéo pháo đường bộ kết hợp với đường sắt, tăng bo qua những cây cầu bị đánh hỏng từ Lào Cai về Bảo Hà, Lang Thíp rồi từ đây đưa xe, pháo lên toa xe lửa rồi dùng đầu máy ô tô ray chuyển xe, pháo xuôi Yên Bái rồi về căn cứ Bắc Mục. 

Ba là, kéo pháo đường bộ kết hợp với vận chuyển đường sông. Ô tô sẽ kéo pháo đến Bảo Hà, Lang Thíp và từ đây xe, pháo được tháo ra chuyển xuống thuyền bè xuôi sông Hồng về bến Âu Lâu, thị xã Yên Bái rồi đưa sang căn cứ Bắc Mục.

Sau khi đưa ra 3 phương án, bộ chỉ huy hành quân tập trung phân tích những hạn chế của từng phương án và phương án 1 cho thấy rất khó thực hiện vì phải huy động hàng vạn dân công làm trên 100km đường mới nên rất dễ bị địch theo dõi, phát hiện. 

Phương án 2 cũng có nhiều khó khăn khó khắc phục, vì trước đây ta đã dùng ô tô ray chuyển hàng mậu dịch từ Lào Cai về Yên Bái nhưng bị địch phát hiện dùng máy bay bắn phá hỏng hầu hết trên 40 chiếc cầu sắt trên tuyến chưa thể làm lại. Cuối cùng, phương án 3 được quyết định là phương án hành quân tiếp theo. 

Để thực hiện phương án này, bộ phận kỹ thuật pháo, xe của Tiểu đoàn Kỹ thuật 361, Đại đoàn 351 đã cử những cán bộ, thợ giỏi đến tháo lắp xe, pháo, đạn dược và quân dụng bảo đảm vũ khí, khí tài về căn cứ. Sau đó, Đại đoàn 351 cử một trung đoàn công binh mở đường ray cho xe goòng đưa pháo từ Phố Lu xuống Bãi Trưng sát mép sông Hồng và làm hệ thống tời đưa nòng pháo xuống thuyền ván. 

Một nhánh đường khác từ Phố Lu vòng qua đường núi xuống Thái Văn, Bảo Hà, Lang Thíp ra Khe Cạn chui qua gầm cầu đường sắt ra bãi sông xuống bè. Những con đường đã hoạch định xong, nhưng khó khăn nhất là kỹ thuật đóng bè có tải trọng lớn từ 4 đến 5 tấn mà Trung đoàn pháo binh 45 sau nhiều ngày chưa thể nghĩ ra. 

Đúng lúc ấy, tin vui bất ngờ đã đến khiến cả Trung đoàn lựu pháo 105 ly mừng vui khôn xiết. Tỉnh Yên Bái huy động Đoàn vận tải Sông Thao đưa 30 thuyền gỗ, mỗi thuyền chở được 2 - 3 tấn đến giúp vận chuyển xe, pháo, đạn dược. 

Các tay chèo đều là người có kinh nghiệm đường thủy, nhất là Chỉ huy đoàn Trần Văn Lai dũng cảm, can trường, có nhiều kinh nghiệm sông nước được mệnh danh là "kình ngư”.

Nói là Đoàn vận tải Sông Thao, nhưng thực tế hoàn cảnh của mỗi thành viên đều rất khó khăn và hầu hết cả gia đình họ đều sinh sống trên thuyền. Vì thế, khi đi làm nhiệm vụ, nhiều người phải mang theo cả vợ con.

Cảm kích nhất là hoàn cảnh gia đình ông Ất. Vào đêm 30 tết Quý Tỵ - 1953, chiếc thuyền của ông chở 200 viên đạn 105 ly cùng vợ và 3 con nhỏ; trong đó, con gái nhỏ nhất mới 3 tuổi đã gặp nạn ở thác Hổ Vồ. May mà không ai chết đuối, nhưng nể nhất là vợ ông rất giỏi bơi đã kịp lao theo dòng nước chảy xiết để cứu được đứa con gái nhỏ. Các thuyền cùng bộ đội xúm lại lặn ngụp giữa đêm đông buốt giá thấu xương để vớt thuyền, mò đủ 200 viên đạn rồi lại tiếp tục cuộc hành quân.

Chúng tôi từng được gặp ông Hoàng Tuấn Việt - cựu chiến binh Trung đoàn Tất Thắng từng nhiều lần về thăm lại bến Âu Lâu. Trong sự bồi hồi ngược dòng ký ức, ông bày tỏ: "Nếu không có Đoàn vận tải Sông Thao thì việc vận tải vũ khí về xuôi chắc chắn gặp muôn vàn khó khăn. Từ khi Đoàn vận tải Sông Thao đến, đã làm cho không khí chuẩn bị vận tải đường thủy của Trung đoàn 45 nhộn nhịp hẳn lên. Công binh mở đường làm bến, lính pháo binh học cách chèo, lái, chống sào, kéo thuyền. Người biết nghề mộc thì xẻ gỗ đục đẽo dầm, cọc chèo, còn bộ phận lớn phải đi 4 - 5 cây số chặt nứa dại, vầu, gỗ, song, mây xếp những đống chất ngất để đóng bè”. 

Nhưng kết được chiếc bè lớn thế nào thì bộ đội không hề biết, nên tất cả đều trông chờ vào ông Lai cùng những chủ thuyền Yên Bái. Việc đóng bè đã diễn ra cả ngày lẫn đêm, vì mỗi bè phải kết từ 900 - 1.000 cây nứa dại, chưa kể gỗ. Bộ đội cốn nứa thành từng bó đưa xuống nước rồi thợ thuyền hướng dẫn cách đậy (kết) bè. 

Tùy theo tải trọng từng loại bè mà đậy mấy lớp nứa rồi đặt gỗ cả gầm và mặt bè rồi dùng dây song néo cố định thân bè. Mỗi chiếc bè có 2 khoang và khoang trước, khoang sau cách nhau 50 cm gọi là "khớp nới lỏng” để bè uốn lượn được đường cua hoặc tránh được vật cản ngăn dòng khi qua ghềnh thác. 

Qua gần 100 ngày đóng bè chở xe, pháo vượt mọi khó khăn nguy hiểm, tháng 4/1953, Đoàn vận tải Sông Thao đã cùng bộ đội dũng cảm quên mình đưa toàn bộ 24 khẩu pháo, mấy chục xe ô tô, hàng chục tấn thiết bị quân dụng về đến bến Âu Lâu rồi đi tiếp về Bắc Mục. Sau đó, những chiếc xe ấy lại kéo pháo, khí tài qua bến Âu Lâu lên chiến trường Điện Biên.

Cũng vào thời điểm tháng 11/1952, chỉ thị của Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội yêu cầu gấp rút mở rộng các tuyến đường nối các liên khu để vận tải từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên. Tỉnh Yên Bái được giao thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tuyến đường từ bến Hiên (Tuyên Quang) vào Ba Khe, huyện Văn Chấn và mở tuyến đường 13A nối Ba Khe với đường 41, tỉnh Sơn La ở ngã ba Cò Nòi với chiều dài toàn tuyến 188 km và thời gian chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 9/1953. 

Trong đó, đoạn phải gấp rút sửa chữa, thi công dài tới 120 km, do Ty Giao thông Yên Bái trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và thi công. Khó khăn nhất là mở rộng đường qua đèo Lũng Lô với địa hình hiểm trở và nhiều núi đá. 

Thế nhưng, bằng tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đầu tháng 9/1953, nhiệm vụ sửa chữa, thi công đường đã hoàn thành trước 1 tháng, với 1.638.000 ngày công dưới mưa bom bão đạn. Vì là con đường huyết mạch lên chiến trường Điện Biên Phủ, nên trong quá trình thi công, toàn tuyến trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của địch. 

Đặc biệt, địch tập trung đánh phá các cây cầu, nơi đèo dốc hiểm trở để ta gặp khó khăn khôi phục lại. Cao điểm nhất là từ tháng 2/1954 trở đi, Pháp đã dùng máy bay bắn phá cả ngày lẫn đêm, trong đó, đoạn quốc lộ 13A từ Yên Bái đến giáp Sơn La - nơi có đèo Lũng Lô hiểm trở, địch đã  thả xuống gần 11.800 quả bom, trong đó, có trên 500 quả bom nổ chậm. 

Tuy nhiên, địch càng đánh dữ dội thì tinh thần quả cảm giữ cầu, giữ đường của bộ đội và nhân dân Yên Bái càng lên cao với khẩu hiệu hành động "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, "Xe chưa qua ta chưa về”. 

Riêng bến Âu Lâu, từ cuối năm 1953, thực dân Pháp phát hiện đây là điểm trung chuyển lớn nhất của ta lên chiến trường Tây Bắc nên chúng tăng cường đánh phá hầu như không ngày nào ngớt tiếng bom. Chỉ từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, chúng đã trút gần 3.000 tấn bom đạn xuống bến phà này. Song, bến Âu Lâu vẫn hiên ngang đứng vững bởi ý chí quyết tâm chiến thắng của quân dân Yên Bái. 

Gian nan, ác liệt là thế, nhưng trong khoảng 200 ngày đêm trước và trong chiến dịch, bến Âu Lâu chỉ có 8 ngày dừng hoạt động vì nước lũ và địch bắn phá. Bến sông này và toàn bộ tuyến đường 188 km sang Sơn La từ cuối năm 1953 đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên đã vận chuyển an toàn hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cùng hàng vạn chiến sĩ từ khắp nơi ra chiến trường đánh giặc. 

Riêng tỉnh Yên Bái đã huy động 31.652 dân công làm trên 1.650.740 ngày công; 2.700 công vận tải bằng thuyền; 600 công xe đạp thồ; cung cấp 1.840 tấn gạo, 1.200 con trâu, bò, gần 500 con lợn và hàng tấn rau xanh phục vụ cho mặt trận Điện Biên.

Cùng đó, từ năm 1952 đến năm 1954, gần 2.700 thanh niên ưu tú của tỉnh đã hăng hái lên đường nhập ngũ chiến đấu… Những cống hiến lớn lao bằng sức lực, vật lực cùng ý chí quyết tâm chiến thắng quân thù của nhân dân Yên Bái đã góp phần xứng đáng tô thắm trang sử vàng của dân tộc trong chiến dịch Điện Biên "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.          
                     
Hoàng Nhâm

Tags Yên Bái hào hùng ra trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu

Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số vấn đề.

Các đại biểu thống nhất quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không phải "trốn chui, chốn lủi" làm mất hình ảnh của người lao động Việt Nam.

Chiều 7/5/1954, lá cờ

Năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Như vậy, nước ta đã bước sang ngày thứ 20 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Người dân huyện Trạm Tấu giúp nhau xóa nhà dột nát.

Đơn cử như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ/năm của các xã Trạm Tấu, Pá Hu, Bản Công… đã đưa thu nhập từ 8 triệu đồng/ha/năm lên 52 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục