1. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét phê duyệt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đề nghị của tỉnh Yên Bái để tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ và thuận lợi cho công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Bộ Nội vụ trả lời tại Văn bản số 789/BNV-CQĐP ngày 19/02/2020 như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Trên cơ sở Đề án trình của tỉnh Yên Bái về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Yên Bái.
2. Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trong đó tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người vùng trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020 là 36 triệu đồng/người/năm là không khả thi đối với các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng miền, địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại Văn bản số 108/BNN-VPĐP ngày 06/01/2020 như sau:
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, đã tính toán trên cơ sở khoa học và thực tiễn đối với từng vùng, miền (trong đó có vùng Trung du miền núi phía Bắc).
Kết quả thực tế đến thời điểm 11/2019 đã có 41% số xã vùng miền núi phía Bắc đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập, khẳng định tính khả thi của mức chuẩn về thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Hơn nữa, mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới là đảm bảo không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, không hẳn vì mục tiêu số lượng xã đạt chuẩn.
Vì vậy, trong chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất quan điểm chỉ đạo: Không vì thành tích mà hạ thấp các tiêu chí, nhất là đối với tiêu chí Thu nhập.
Quan điểm chỉ đạo này sẽ tiếp tục được quán triệt và chỉ đạo thực hiện đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
3. Cử tri kiến nghị việc triển khai chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay được Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện cấp gạo 2 lần/01 năm học (Nghị định quy định thời gian giao nhận gạo không quá 02 lần/học kỳ). Trong khi đó, Yên Bái là tỉnh miền núi có thời tiết khắc nghiệt nồm ẩm kéo dài, mưa nhiều; điều kiện cơ sở vật chất tại một số trường còn khó khăn, không có kho bảo quản chuyên dụng nên việc lưu giữ, bảo quản gạo không đảm bảo, ảnh hưởng tới chất lượng gạo hỗ trợ (gạo ẩm, mốc). Cử tri đề nghị Bộ Tài chính xem xét và chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện nghiêm quy trình, xuất cấp, giao nhận, phân phối và bố trí đủ kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.
Bộ Tài chính trả lời tại Văn bản số 1253/BTC-TCDT ngày 11/02/2020 như sau:
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 15777/BTC-TCDT ngày 4/11/2016 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh hướng dẫn một số nội dung chủ yếu về công tác hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh.
Trong đó hướng dẫn cụ thể về các nội dung: (i) Quy trình xuất cấp, giao nhận gạo từ khâu xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định xuất cấp, tổ chức giao, nhận gạo; (ii) Thời gian giao, nhận gạo: thực hiện theo tiến độ do đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định nhưng không quá 2 lần/học kỳ; (iii) Kinh phí đảm bảo cho việc vận chuyển gạo dự trữ quốc gia từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến đối tượng thụ hưởng chính sách bố trí từ ngân sách địa phương để chi trả.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh được hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh hướng dẫn cụ thể về lập dự toán, quyết toán và cấp phát kinh phí phục vụ công tác tiếp nhận, vận chuyển gạo dự trữ quốc gia từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến đối tượng thụ hưởng chính sách.
Về thời gian giao, nhận gạo hỗ trợ đối với tỉnh Yên Bái, trong học kỳ I năm học 2019 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 18/9/2019 về phân bổ gạo hỗ trợ học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.
Trong đó: Thời gian giao nhận gạo, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, làm đầu mối phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn (đơn vị được Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao nhiệm vụ xuất gạo) tổ chức giao, nhận, cấp phát cho các địa phương đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức và các quy định hiện hành; hoàn thành việc giao nhận gạo trước ngày 10/10/2019 (Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng lịch cụ thể về thời giao giao, nhận, cấp phát gạo).
Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 18/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã có công văn số 998/SGDĐT-KHTC ngày 19/9/2019 gửi Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn, trong đó: Thời gian tiếp nhận gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ I của 09 huyện, thành phố được thực hiện 01 đợt (từ ngày 28/9/2019 đến ngày 07/10/2019).
Căn cứ kế hoạch nêu trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn) đã thực hiện giao, nhận đủ 1.682.000kg gạo hỗ trợ học sinh học kỳ I của tỉnh Yên Bái theo đúng kế hoạch tiếp nhận của địa phương.
Như vậy, thời gian giao, nhận gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định (đảm bảo không qúa 02 lần/học kỳ và 04 lần/năm học).
Trường hợp tỉnh Yên Bái có kế hoạch tiếp nhận gạo 02 lần/học kỳ, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể về số lần, số lượng gạo từng lần, thời gian giao, nhận gạo; Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) sẽ thực hiện giao, nhận gạo theo đúng kế hoạch tiếp nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Hiện nay Quốc lộ 2D (đoạn đi qua tỉnh Yên Bái) đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xức trong nhân dân và ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và không đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông khi qua tuyến đường này. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ từ địa phương quản lý về Bộ Giao thông vận tải và giao kinh phí quản lý, bảo trì tuyến đường này nhằm tránh gây lãng phí cho công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng và bố trí kinh phí quản lý và bảo trì năm 2019 cho tỉnh Yên Bái để sửa chữa và bảo trì, đảm bảo giao thông đi lại của nhân dân được an toàn, thuận tiện.
Bộ Tài chính trả lời tại Văn bản số 1871/BTC-QLCS ngày 21/02/2020 như sau:
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 9623/VPCP-CN ngày 23/10/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh từ đường tỉnh thành quốc lộ, căn cứ quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 4406/BGTVT-TC ngày 14/5/2019 và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tại các Công văn số 2645/UBND-XD ngày 25/9/2019, số 845/UBND-XD ngày 08/5/2018;
Bộ Tài chính đã có Công văn số 12989/BTC-QLCS ngày 29/10/2019 và Quyết định số 2098/QĐ-BTC ngày 29/10/2019 về việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với quốc lộ (bao gồm cả các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh từ đường địa phương, sau khi đã hoàn thành việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ Ủy ban nhân dân tỉnh về Bộ Giao thông vận tải quản lý) được ngân sách trung ương đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác (nếu có theo quy định pháp luật).
5. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu và ban hành thay thế Quyết định số 582/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi để phù hợp với điều kiện hiện nay một số thôn đã sắp xếp, sáp nhập không còn nguyên trạng như Quyết định.
Ủy ban Dân tộc trả lời tại Văn bản số 1609/UBDT-CSDT ngày 30/12/2019 như sau:
Việc cử tri kiến nghị nghiên cứu và ban hành thay thế Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi để phù hợp với điều kiện hiện nay là rất cần thiết.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, xác định rõ địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Sau khi tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
6. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, để các chính sách, pháp luật đã được Quốc hội thông qua sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Ủy ban Dân tộc trả lời tại Văn bản số 192/UBDT-CSDT ngày 24/02/2020 như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong đó xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), để thực hiện từ năm 2021, gồm các dự án, tập trung vào các nội dung:
- Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;
- Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết;
- Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị;
- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc;
- Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch;
- Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em;
- Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
- Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn;
- Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Như vậy, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri tỉnh Yên Bái và cử tri cả nước.
7. Cử tri huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, rà soát, đầu tư xây dựng 0,5km cống hộp trên tuyến đường Quốc lộ 70 đoạn đi qua khu vực trung tâm xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (đoạn từ Km14 đến Km16) để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Bộ Giao thông vận tải trả lời tại Văn bản số 2434/BGTVT-KHĐT ngày 18/3/2020 như sau:
Trước tiên Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri, kiểm tra, rà soát cống thoát nước trên QL70, đặc biệt đoạn cống đi qua khu trung tâm xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (đoạn từ km14 đến km16).
Nếu phát hiện hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, xây dựng bổ sung những đoạn còn thiếu theo quy định, nhằm thoát nước nước nhanh mặt đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Báo cáo Bộ Giao thông vận tải những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để được xem xét giải quyết kịp thời.
8. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái để kết nối giao thương liên kết giữa các tỉnh trong khu vực và giữa các địa phương trong tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Bộ Giao thông vận tải trả lời tại Văn bản số 2439/BGTVT-KHĐT ngày 18/3/2020 như sau:
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định giao nhiệm vụ các chủ đầu tư nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường giao thông, thành lập các đoàn kiểm tra hiện trường các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trên cơ sở báo cáo kết quả của các đoàn kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổng hợp các tuyến Quốc lộ dự kiến đề xuất trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ cân đối nguồn vốn.
9. Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét hạ thấp độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 vì hiện tại mức hỗ trợ 270.000đ/người/tháng là quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người được thụ hưởng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 79/LĐTBQH-VP ngày 06/01/2020 như sau:
Trong những năm vừa qua, công tác bảo đảm an ninh xã hội nói chung, công tác chăm sóc người cao tuổi nói riêng ngày càng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách an ninh xã hội từng bước được mở rộng về phạm vi, đối tượng và mức hưởng, trong đó đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi đã được cải thiện cùng với sự phát triển của đất nước.
Người cao tuổi được hưởng chính sách của nhà nước hỗ trợ cuộc sống, bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe; các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tổ chức rộng rãi ở gia đình và cộng đồng…
Mức trợ cấp hiện hành đối với người từ 80 tuổi trở lên tuy chưa cao nhưng đã góp phần vào việc cải thiện đời sống của người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới các đối tượng yếu thế này.
Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội và hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là chính đáng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu trong quá trình tổng kết, đánh giá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.
10. Thời gian gần đây, dư luận phản ánh việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất diễn ra với chiều hướng phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu và ban hành quy định để quản lý chặt chẽ đối với người nước ngoài trong việc thuê đất, mua đất, mua bất động sản tại Việt Nam và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tình trạng trên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời tại Văn bản số 1779/BTNMT-PC ngày 03/4/2020 như sau:
Pháp luật về đất đai hiện hành không quy định việc cho phép tổ chức, cá nhân nước người nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013, Điều 13 của Nghị định số 43/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đối với dự án có vốn đầu từ trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư thì trước khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, trước khi quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan.
Tuy nhiên, trên thực tế còn có tình trạng người nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:
- Do tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
- Người nước ngoài thông qua việc kết hôn với người Việt Nam hoặc lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế điều hành hoạt động đều do người nước ngoài đảm trách.
- Người nước ngoài đầu tư thông qua việc cho cá nhân vay tiền để lập doanh nghiệp, mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.
- Người nước ngoài thông qua một số cá nhân người Việt Nam để lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên.
- Người nước ngoài thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến an ninh quốc phòng có thời hạn sử dụng đất lâu dài, sau đó lách Luật Đầu tư, Luật Đất đai để mua lại phần vốn góp của phía Việt Nam để trở thành người sử dụng đất.
* Nguyên nhân:
- Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc chuyển quyền sử dụng đất ở địa phương để kịp thời xử lý.
- Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài đủ điều kiện thì được sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đất đai là lĩnh vực nhạy cảm về chính trị, pháp luật đất đai hiện hành chưa cho phép người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài vận dụng các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, hôn nhân và gia đình để nhận quyền sử dụng đất thông qua việc kết hôn, cho vay, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
* Giải pháp trong thời gian tới:
- Chính phủ tập trung chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra rà soát vấn đề mua bán, sử dụng đất đai, nhà ở có nhiều yếu tố nước ngoài, vấn đề cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng nêu trên để kịp thời có biện pháp xử lý.
- Các Bộ, ngành cần chủ động rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, đầu tư, chứng khoán để quy định chặt chẽ các điều kiện cho người nước ngoài nhận quyền sử dụng đất và sử dụng đất tại Việt Nam trong thời gian tới đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
- Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
11. Cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm bổ sung hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật kỷ cương và kiểm soát quyền lực đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong các cơ quan thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Cùng với đó có chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng để có thể lựa chọn được những cán bộ có đủ năng lực đạo đức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ
Thanh tra Chính phủ trả lời tại Văn bản số 468/TTCP-KHTH ngày 27/3/2020 như sau:
- Việc hoàn thiện các quy định về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN):
Luật PCTN năm 2018 có nhiều quy định mới để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, qua đó tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực như mở rộng phạm vi PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; các quy định về phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN...
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, trong đó có nhiều quy định cụ thể hóa Luật phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ...
Hiện nay, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (dự kiến tháng 5/2020 trình Chính phủ), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (dự kiến tháng 9/2020 trình).
- Về kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương và kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong các cơ quan thực hiện công tác PCTN:
Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương và kiểm soát quyền lực như tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các đối tượng thuộc quyền quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Các cơ quan thanh tra cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để PCTN như: quán triệt sâu rộng các quy định pháp luật về PCTN; tập trung thanh tra những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; giám sát chặt chẽ các đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm...
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương và kiểm soát quyền lực, nhất là trong các cơ quan thực hiện công tác PCTN.
- Về chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác PCTN:
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chính phủ sẽ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
12. Thời gian qua việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn đã tạo được lòng tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Cử tri mong muốn Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét có các biện pháp kiên quyết hơn nữa để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, đồng thời công khai rộng rãi việc thu hồi tài sản tham nhũng để nhân dân biết và giám sát.
Thanh tra Chính phủ trả lời tại Văn bản số 148/TTCP-KHTH ngày 05/01/2020 như sau:
Trong thời gian qua, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.
Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ tài sản tham nhũng phải bị tịch thu, thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Coi việc việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng.
Luật cũng quy định về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, theo đó, quy định các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam (Khoản 2 Điều 91).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập, sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp…; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin; tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.
Hằng năm, tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong đó có thông tin đầy đủ về các vụ án tham nhũng và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng để cử tri cả nước biết và giám sát.
(Theo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái)