Trong đó, phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt 155 tỷ đồng (nay điều chỉnh phấn đấu 162 tỷ đồng); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 910 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 25.300 tấn; số lao động được tạo việc làm 2.100 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,64%... Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Yên Bái đã phỏng vấn đồng chí Trần Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên.
P.V: Thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy với chủ đề "Đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp”, huyện Trấn Yên đã xác định những mục tiêu như thế nào, thưa đồng chí.
Đồng chí Trần Đông: Thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, Huyện ủy Trấn Yên đã ban hành Kế hoạch số 168 với mục tiêu tổng quát là: tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững có liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân gắn với quy hoạch, tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí Trần Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên.
P.V: Xin đồng chí cho biết cụ thể 3 khâu đột phá mà huyện đã đề ra?
Đồng chí Trần Đông: Với phương châm hành động "Tiếp tục tăng tốc, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, huyện Trấn Yên xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược:
Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện thể chế thông qua thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, quy chế, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; thường xuyên rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận hành chính công cấp huyện, cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi đến giao dịch.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ trong toàn hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục thực hiện hiệu quả "Ngày thứ 7 cùng dân” theo hướng thiết thực, hiệu quả sát thực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nhân dân, doanh nghiệp.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục, chú trọng công tác hướng nghiệp, thực hiện phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề; từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, đặt hàng trong đào tạo nghề; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,5%.
Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động; chú trọng hợp tác, liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh; phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 2.100 lao động, trong đó: 1.370 người từ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, 70 người từ vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, 130 người từ xuất khẩu lao động và 530 người từ cung ứng lao động đi tỉnh ngoài; chú trọng đào tạo lao động có tay nghề gắn với xuất khẩu lao động, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, phấn đấu chuyển dịch ít nhất 2.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; phát huy hiệu quả chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; phát hiện, bồi dưỡng cán bộ có năng lực, có khả năng phát triển phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy năm 2020.
Ba là, huy động nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; triển khai hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2020 theo hướng trọng điểm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp và khởi công mới, nhất là công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.
Đồng thời, hoàn thành các công trình như: Tiểu dự án giải phóng mặt bằng khu, cụm công nghiệp; Dự án sửa chữa, cải tạo đường nối quốc lộ 37 đi cầu Rào, Quy Mông; đường Hưng Khánh - Hưng Thịnh; Đường Báo Đáp - Tân Đồng - Cẩm Ân; đường Hòa Cuông - Tân Hương…; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành công trình đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC 12) với tỉnh lộ 172, tỉnh lộ 173 (đoạn Vân Hội - Đại Lịch - Mỵ) đoạn qua xã Vân Hội - Việt Hồng, công trình cầu Cổ Phúc; hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị khởi công các công trình như: Trụ sở UBND xã Hòa Cuông, Kiên Thành, Y Can, cầu Gốc Vối xã Lương Thịnh; cầu Bản Bến, xã Việt Hồng, cầu thôn 3, xã Đào Thịnh; cải thiện sửa chữa Hội trường Trung tâm huyện Trấn Yên… Huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, phấn đấu kiên cố hóa trên 30 km đường giao thông nông thôn...
P.V: Từ đầu năm 2020 đến nay, việc thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy đã đạt những kết quả bước đầu như thế nào?
Đồng chí Trần Đông: Trong quý I/2020, huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm ngay sau tết Nguyên đán theo kế hoạch; chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 168 Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy...
Theo đó, huyện đã hoàn thành gieo trồng, sản xuất vụ đông xuân đúng lịch thời vụ; đăng ký và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, đề án tái cơ cấu; tập trung trồng rừng vụ xuân, hoàn thành trồng mới 200 ha tre măng Bát độ (bằng 100% kế hoạch), 60 ha dâu vụ xuân, bằng 30% kế hoạch cả năm; giá trị sản xuất công nghiệp quý I đạt trên 180 tỷ đồng, bằng 19,78% kế hoạch, tăng 6,54% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn quý I/2020 đạt 210 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch và tăng 2,9% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 7,192 triệu USD, bằng 18,3% kế hoạch.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn cũng chịu tác động đáng kể, huyện cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các công trình, dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ; chung tay cùng doanh nghiệp tìm hướng giải quyết khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư phát triển ổn định.
P.V: Đồng chí có thể cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được huyện tập trung triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy trong thời gian tiếp theo?
Đồng chí Trần Đông: Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, quyết tâm hoàn thành Kế hoạch 168 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình số 190 của Tỉnh ủy, huyện Trấn Yên đã đề ra 4 chương trình kinh tế xã hội trọng điểm và 14 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Trong đó, tập trung phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm như: trồng mới tre măng Bát độ đạt 200 ha, trồng mới 200 ha dâu, trồng thay thế 1.000 ha quế, nâng cao chất lượng vùng cây dược liệu; duy trì và nâng cao chất lượng 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí huyện nông thôn mới; xây dựng 2 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã cơ bản hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, 25 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, Trấn Yên tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; tiếp tục thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển, đặc biệt là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị, nông thôn; tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ; thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41 của Chính phủ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Do vậy, những nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của huyện Trấn Yên trên 3 khâu đột phá chiến lược đề ra trong năm nay cần phải được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và các cá nhân vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt nhất, để thu lại những thắng lợi lớn, góp phần xây dựng huyện Trấn Yên nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ngọc Sơn (thực hiện)