Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 QH sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển KT-XH.
Thủ tướng cho biết, trong những tháng đầu năm, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn chưa từng có do tác động của dịch Covid-19.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện "mục tiêu kép”. Đó là vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Thủ tướng khái quát lại tình hình dịch bệnh trên toàn cầu và hiện nay vẫn chưa có vaccine, thuốc đặc trị và chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch.
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus Covid-19; sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm trong thời gian ngắn, được WHO ghi nhận.
Đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong…
"Đạt được kết quả quan trọng này là do chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ”, Thủ tướng nói.
Khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba
Theo Thủ tướng, thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân, qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ, hệ thống chính trị nước ta.
Với tinh thần khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba trong thực hiện 'mục tiêu kép', các địa phương, DN đã nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động KT-XH.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, thời gian qua, các cơ quan, tổ chức và DN, trường học đã kịp thời đổi mới phương thức làm việc, vừa thực hiện tốt việc giãn cách xã hội. Hệ thống thông tin điện tử một cửa, cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, ngành, địa phương từng bước phát huy hiệu quả trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng đã điện đàm, trao đổi với 12 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước. Lãnh đạo nhiều nước cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ, chữa trị cho công dân nước ngoài, đánh giá cao trình độ y tế, kinh nghiệm.
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao, Thủ tướng lưu ý chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý còn một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.
Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đã khiến ngưng trệ nhiều hoạt động văn hóa, xã hội trong thời gian khá dài. Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường; các hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bị hoãn, hủy. Còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế…
Thủ tướng cho rằng so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
"Chính phủ xin đề nghị QH xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công”, Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ sẽ báo cáo QH sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Chính phủ cũng đề nghị QH xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan TƯ và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020.
Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).
Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đề nghị QH xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Chính phủ cũng đề nghị xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021, trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Đề nghị QH xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp.
Đồng thời, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường an ninh kinh tế, trấn áp các loại tội phạm…
(Theo Vietnamnet)