Khởi đầu của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) là Viện Huân chương, được thành lập ngày 17/9/1947 trực thuộc Phủ Chủ tịch theo Sắc lệnh số 83/SL của Chủ tịch nước với nhiệm vụ: "Giúp Chủ tịch nước nghiên cứu ban hành các chế độ, thể lệ khen thưởng huân chương, huy chương, xét duyệt, đặt sản xuất và cấp phát các loại huân chương, huy chương”.
Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, gồm các đại biểu của Quốc hội, Chính phủ và đại diện các đoàn thể nhân dân có nhiệm vụ vận động, đôn đốc thi đua và phổ biến kinh nghiệm; giao cho ủy ban kháng chiến hành chính liên khu, tỉnh, huyện, xã đặt kế hoạch về thi đua ái quốc.
Sau Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự tổ chức thực hiện phong trào thi đua của ban vận động thi đua ái quốc của các cấp, toàn thể dân tộc ta đã hưởng ứng nhiệt liệt, nhất tề đứng dậy làm lên những chiến thắng vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược giành lại độc lập, tự do cho đất nước, viết lên trang sử chói lọi cho toàn thể dân tộc, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, ngành TĐKT cả nước đã có một đội ngũ cán bộ với hàng nghìn cán bộ lãnh đạo và chuyên trách, hàng vạn cán bộ kiêm nhiệm làm công tác TĐKT, đội ngũ này đã và đang được tăng cường, củng cố một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành TĐKT, của các thế hệ cán bộ làm công tác TĐKT đi trước, những lớp cán bộ đang công tác hôm nay đang cố gắng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác TĐKT có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Cùng với sự hình thành của ngành TĐKT trong cả nước, công tác TĐKT tỉnh Yên Bái đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, đặc biệt là về tổ chức và cán bộ của Ban TĐKT cấp tỉnh.
Cụ thể, ngày 9/10/1967, Ủy ban hành chính tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 11/TĐ-QĐ thành lập Ban Thi đua tỉnh có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh lãnh đạo, tổ chức phong trào thi đua trong địa phương. Năm 1976, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ba tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ được hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngày 13/4/1984, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TC về việc tách Ban Thi đua ra khỏi Văn phòng UBND tỉnh thành cơ quan riêng trực thuộc UBND tỉnh. Ban Thi đua thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định 152-HĐBT ngày 13/02/1983 của Hội đồng Bộ trưởng và các quy định về chuyên môn nghiệp vụ của ngành dọc cấp trên. Thực hiện Nghị định số 61-HĐBT ngày 16/6/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc lập Hội đồng Thi đua các cấp, ngày 20/8/1990, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn ban hành Quyết định số 395/QĐ-UB thành lập Hội đồng TĐKT tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngày 8/11/1990, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn tiếp tục ban hành Quyết định số 483/QĐ-UB bổ sung, kiện toàn cơ quan Thường trực TĐKT tỉnh. Giao Thường trực TĐKT là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh và Hội đồng TĐKT tỉnh thống nhất quản lý công tác TĐKT trên phạm vi toàn tỉnh và chịu sự chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên. Tháng 8/1991, Quốc hội ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ tại tỉnh Yên Bái.
Thực hiện Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 4 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác TĐKT, ngày 23 tháng 12 năm 2005, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 627/QĐ-UBND về việc thành lập Ban TĐKT tỉnh. Ban có chức năng tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh và Hội đồng TĐKT tỉnh để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác TĐKT trên địa bàn tỉnh.
Ngày 7 tháng 8 năm 2008, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1258/QĐ-UBND về việc thành lập Ban TĐKT tỉnh Yên Bái trực thuộc Sở Nội vụ. Ban TĐKT tỉnh là đơn vị tương đương chi cục trực thuộc Sở Nội vụ, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Ngày 27 tháng 9 năm 2010, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1566/QĐ-UBND quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức biên chế của Ban TĐKT tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ. Ban TĐKT tỉnh Yên Bái có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nội vụ và UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác TĐKT; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban TĐKT Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, 72 năm qua các thế hệ công chức, viên chức làm công tác TĐKT Yên Bái từ tỉnh đến cơ sở đã luôn cố gắng, nỗ lực nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước của tỉnh để phong trào có chuyển biến, nhiều tiến bộ.
Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác TĐKT, nhiều phong trào thi đua thiết thực đã tạo được động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển.
Đặc biệt, đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập 18 khối và 47 cụm thi đua với 783 cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở tham gia hoạt động nề nếp, hiệu quả; cấp huyện bố trí công chức tại cơ quan Tổ chức - Nội vụ tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về TĐKT; các sở, ban, ngành ở tỉnh và cấp xã đều phân công công chức kiêm nhiệm làm công tác thi đua khen thưởng.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Ban TĐKT tỉnh đã tham mưu khen thưởng bậc cao cho hàng nghìn tập thể và cá nhân, trong đó tính riêng giai đoạn 2009 - 2019 đã đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng cho 274 tập thể và 945 cá nhân; tham mưu đề nghị Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý cho tỉnh Yên Bái như: Huân chương Sao Vàng về thành tích kháng chiến chống Mỹ; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thành tích chống Pháp; Huân chương Hồ Chí Minh... Tạo động lực cho phong trào thi đua, các chính sách thưởng của tỉnh được đặc biệt quan tâm.
Năm 2019, Ban TĐKT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết quy định về "Giải thưởng và mức thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc tế, khu vực, trong nước, cấp tỉnh và danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái” và "Quy định mức thưởng của tỉnh đối với xã, thôn (bản) trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm 2019 và 2020”; tham mưu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chấm điểm, mức thưởng và quy trình xét thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số: 144-CTr/TU ngày 15/02/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái.
Đây là một việc rất mới và khó chưa có địa phương nào trên cả nước triển khai thực hiện, tuy nhiên, qua công tác tham mưu, việc khen thưởng đã được triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu chỉ đạo của tỉnh.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua Ái quốc, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 15/02/2017 của Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017 - 2020; Luật Thi đua, khen thưởng và các nghị định của Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác TĐKT, trong năm 2020 và những năm tiếp theo đội ngũ những người làm công tác thi đua Yên Bái tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt công tác quản lý nhà nước về TĐKT; chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác TĐKT.
Theo đó, phong trào thi đua được gắn chặt chẽ với các phong trào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và đơn vị hàng năm như: phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”; "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; "Doanh nghiệp Việt Nam Hội nhập và phát triển”… gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thường xuyên tiến hành khảo sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua, rà soát các phong trào, lồng ghép, gắn kết các phong trào thi đua hợp lý, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền điển hình tiên tiến tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, nhất là các nhân tố mới, các mô hình mới để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng.
Thực hiện tốt kiểm tra, sơ kết, tổng kết khen thưởng kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định, chú trọng khen thưởng tập thể, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác và khen thưởng thành tích trong lao động sáng tạo; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các tập thể, cá nhân dũng cảm cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân…
Từ đó, để TĐKT thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái phát triển nhanh, bền vững.
Lương Mạnh Hà - Trưởng Ban thi đua - Khen thưởng tỉnh