Cùng với báo giới cả nước, suốt hành trình lịch sử gần 58 năm qua, kể từ ngày 5/11/1962, thực hiện Chỉ thị của Trung ương cho ra báo địa phương, Báo Yên Bái cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái xuất bản số đầu tiên. Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình Báo không ngừng "Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Không chỉ có mồ hôi, công sức, mà cả máu đào đã đổ, Báo Yên Bái đã có nhà báo liệt sĩ anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thị xã Yên Bái bị tàn phá, phóng viên Báo Yên Bái đi bộ nhiều ngày đường để lấy tài liệu viết bài phản ánh cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của quân dân Yên Bái.
Báo tuyên truyền mạnh mẽ khí thế quả cảm kiên cường của quân và dân Yên Bái vừa đánh giặc, vừa hăng say sản xuất phục vụ tiền tuyến; vận động nhân dân di dời, nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà; cổ động toàn dân đánh giặc cứu nước, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu...
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 3-1-1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ, Báo Hoàng Liên Sơn thành nơi hội tụ của người làm báo 3 tỉnh.
Một lần nữa, tất cả phóng viên, biên tập viên lại trở thành phóng viên mặt trận biên giới phía Bắc. Hàng chục nhà báo có mặt trong các chiến hào, cùng bộ đội, dân quân ở các chốt điểm quan trọng ở Mường Khương, Sa Pa, Lào Cai... ghi lại những hình ảnh chiến đấu quả cảm của quân và dân ta.
Lịch sử báo chí địa phương mãi ghi lại những tác phẩm báo chí xuất sắc: Hồ Kiều làm chứng, Mường Khương đối mặt với kẻ thù, Tả Phìn cửa ngõ biên cương, Ô Qui Hồ - mồ chôn quân xâm lược... Chiến tranh biên giới sắp nổ ra, nhà báo Bùi Nguyên Khiết đã có mặt ở Mường Khương, nơi nóng bỏng nhất.
Sáng 17-2, khi địch tấn công, anh đã có mặt ở chốt Tả Ngải Chồ trực tiếp cầm súng chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay tại chiến hào. Suốt 10 năm gian khổ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lịch sử báo chí ghi nhận những đóng góp xứng đáng của nhiều nhà báo ở Báo Hoàng Liên Sơn. Có 5 nhà báo xứng đáng nhận giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam về những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh biên giới, nhà báo Bùi Nguyên Khiết được công nhận là liệt sĩ với hình ảnh quả cảm của nhà báo chiến sĩ.
Chiến tranh kết thúc, cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu cũng gian nan không kém. Báo Hoàng Liên Sơn phát hiện, biểu dương nhân tố, điển hình mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải; phản ánh trung thực tình hình mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Dù thiếu thốn và gian khổ, vừa viết báo, vừa đi phát nương, tra lúa, trồng ngô tự túc một phần lương thực nhưng báo vẫn ra đúng kỳ, đủ số. Những tác phẩm có tính phát hiện như: "Khoán sản phẩm ở Báo Đáp", "Những vấn đề nảy sinh trong khoán sản phẩm ở Văn Chấn", "Mô hình kinh tế trang trại của ông Trương Cơ" (Yên Bình)...
Nhiều bài chính luận sắc bén, bài viết có tính phát hiện của các nhà báo lôi cuốn người đọc ra đời. Tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách thành hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai ngày 1-10-1991 cũng là ngày Báo Yên Bái tái lập. Phóng viên Báo Yên Bái có mặt trên khắp mọi vùng miền từ vùng thấp đến vùng cao phản ánh những đổi thay, dũng cảm chống các hủ tục lạc hậu, buôn lậu, phá rừng, phòng chống bão lũ...
Bước đột phá của Báo Yên Bái, cùng với ấn phẩm báo Yên Bái Vùng cao song ngữ Việt Mông, ngày 6-12-2004 đã xây dựng thành công trang thông tin điện tử của báo Yên Bái, và giờ đây là báo Yên Bái điện tử thường xuyên đổi mới giao diện, xây dựng trang tiếng Anh điện tử, truyền hình trực tuyến… hòa nhập với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.
Các cuộc thi ảnh, thi viết hàng năm hướng vào các thể loại quan trọng như: phóng sự, điều tra, ký, ghi chép... giúp tờ báo thêm sinh động, hấp dẫn, nâng cao tính chiến đấu và hướng luận xã hội sát với thực tiễn cuộc sống người dân.
Cùng với sắp xếp lại bộ máy, từng bước tự chủ về tài chính và tổ chức; thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 3347/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về đặt hàng báo chí; công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tác phẩm, giúp Báo thông tin nhanh nhạy, kịp thời. Măng séc báo Yên Bái thời sự được thay đổi hiện đại, hình thức trình bày đẹp, hấp dẫn hơn. Truyền hình Internet trên Báo Yên Bái điện tử khai trương ngày 17/6/2006, đang là phương tiện truyền thông chuyển tải hình ảnh và âm thanh sống động mọi hoạt động của tỉnh Yên Bái ra toàn cầu được đổi mới nâng cao chất lượng.
Báo Yên Bái đã và đang ứng dụng thành công công nghệ làm báo hiện đại, các sự kiện quan trọng đã được truyền hình trực tiếp trên Báo điện tử và mạng xã hội; dự kiến thời gian tới tiếp tục tích hợp loại hình phát thanh trên báo Yên Bái điện tử, để trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, thực hiện tòa soạn điện tử, hướng tới xây dựng tòa soạn hội tụ.
Đóng góp của Báo Yên Bái được Đảng và Nhà nước ghi tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2007. Phóng viên Báo Yên Bái đã giành 4 giải C Giải báo chí toàn quốc và quốc gia, cùng nhiều giải của các bộ, ban, ngành Trung ương và của tỉnh; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, cờ, bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh…
Kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2020, cũng là thời điểm Báo Yên Bái, "Cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái, tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái” hướng tới kỷ niệm 58 năm xây dựng và phát triển (5/11/1962 - 5/11/2020). Truyền thống ấy đang tạo niềm tin, sức mạnh cho thế hệ làm báo Yên Bái hôm nay vượt lên thách thức, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Bùi Minh Đức - Phó Tổng biên tập Báo Yên Bái