Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: công tác hòa giải có vai trò, tầm quan trọng cũng như hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội và cộng đồng dân cư. Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải đã góp phần tăng cường tình làng nghĩa xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận.
Do đó, đồng chí mong muốn thông qua Hội nghị, các ban, ngành chức năng, MTTQ sẽ tiếp tục phối hợp làm tốt công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, góp phần giải quyết tốt những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở.
Giải quyết kịp thời tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở
Báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò nòng cốt của MTTQ trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình tại Hội nghị đã khẳng định: 6 năm qua, thông qua thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải đã đi vào nề nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Thông qua công tác hòa giải, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời. Ủy ban MTTQ các cấp đã kịp thời phối hợp với chính quyền cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở với tổng số 96.700 tổ hòa giải và gần 6.500 hòa giải viên.
Các địa phương trong cả nước đã tiếp nhận tổng số trên 875 nghìn vụ, việc và hòa giải thành 80,9% vụ, việc. Việc thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án có ý nghĩa lớn trong giải quyết các xung đột trong nhân dân, chấm dứt quá trình tố tụng và tiết kiệm thời gian của đương sự và Nhà nước.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong hòa giải cần nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải, đối thoại tại tòa án; nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án trong thời gian tới gắn với nâng cao vai trò của công tác dân vận.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn cán bộ, chính quyền, hòa giải viên các cấp cần nắm chắc hơn nữa các quy định của pháp luật, vận dụng tốt vào thực tiễn cuộc sống và trong việc áp dụng, xử lý các vụ, việc. Trong hòa giải và thực hiện công tác dân vận, để tiết kiệm thời gian cần phải nắm chắc được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả cần có sự quan tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa, biết vận dụng các kỹ năng hòa giải, kỹ năng dân vận khéo trong hòa giải các vụ, việc cụ thể; tiếp tục phối hợp tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở để giúp người dân thấy rõ được tính ưu việt, lợi ích của hòa giải ở cơ sở, từ đó hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại cộng đồng dân cư.
Hồng Oanh