Đón chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 thuộc tổ 5, phường Pú Trạng vào trưa hè, ông Đoàn Xuân Sáu thân mật hỏi thăm và rót nước mời khách. Ông vẫn xưng hô "cậu”, "tớ” với đồng nghiệp trẻ như ngày nào công tác: "Giờ về hưu, nhà chỉ có 2 ông bà già. Hôm trước, tớ bị tai biến, mấy đứa ở nhà (các con ông) chúng nó sợ tôi mệnh hệ gì nên gọi thợ lát cái sân, làm cái mái tôn”.
Nói rồi, ông trầm ngâm kể về những năm tháng vừa làm "thầy giáo” vừa là kiểm sát viên. Cũng như bao thế hệ trai tráng trong làng, năm 1970, ông Sáu vào bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường B đến năm 1973 được cử ra Bắc học tại Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng.
Sau khi miền Nam giải phóng, năm 1976 phục viên, ông vào học dự bị Trường Đại học Tổng hợp, rồi được Trường Cán bộ Kiểm sát sang tuyển về học lớp Trung cấp Kiểm sát khóa 6.
Năm 1980, ra trường được Viện KSND Tối cao phân về Viện KSND tỉnh công tác tại Phòng Trị an, rồi Phòng Tổ chức cán bộ phụ trách lớp học và trực tiếp giảng dạy các lớp sơ cấp kiểm sát cho cán bộ mới vào chưa qua đào tạo hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học khác của các tỉnh: Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Vĩnh Phú, Sơn La và một số cán bộ Viện KSND Tối cao gửi về.
Ông Sáu tươi cười: "Tớ dạy bắt đầu từ khóa 2, cán bộ giảng dạy gồm lãnh đạo, kiểm sát viên tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tài liệu do Viện KSND Tối cao biên soạn và giáo trình trung cấp tớ đem ở trường kiểm sát về cả giáo trình của Cao đẳng Kiểm sát và kết hợp với thực tiễn nữa. Anh chị em nhà mình chăm học lắm! Một số anh giờ làm lãnh đạo cấp vụ, cấp tỉnh”.
Với năng lực công tác và trách nhiệm tận tâm, tận lực với công việc, năm 1983, ông Sáu được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Văn Chấn.
Khi được hỏi về những vụ án ghi dấu ấn của Viện KSND, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, trầm ngâm giây lát, ông liền kể câu chuyện bà con giáo dân Nghĩa Lộ xây dựng tháp chuông và mở rộng nhà thờ không xin phép.
Khi chính quyền địa phương cử đại diện Mặt trận Tổ quốc huyện cùng các đoàn thể xuống giải thích thì có một đối tượng tên T lợi dụng bà con không hiểu biết kích động gây rối, không chịu tiếp tổ công tác.
Thường trực Huyện ủy đã mời đồng chí Hoàng Cương - Trưởng Công an huyện và tớ sang họp bàn. Sau khi xem xét, đánh giá vụ việc mới biết, ông T đang có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của một số hộ giáo dân.
Cụ thể là nhận tiền mua gạch cho các hộ nhưng lại không mua mà lấy tiền đó về xây nhà mình nên chúng tôi bàn bạc phải vạch trần hành vi lạm dụng của T để bà con giáo dân được biết. Sau khi công an khởi tố ra lệnh bắt giam tên T, Viện Kiểm sát phê chuẩn ngay nhưng khi thi hành lại xảy ra chuyện.
- Tên T bỏ trốn hả chú? - tôi hỏi ngay.
- Không! Không những không bỏ trốn mà người nhà nó còn kích động giáo dân các thôn kéo đến vây kín và manh động bắt giữ 7 cán bộ công an đến thi hành nhiệm vụ.
Giọng ông Sáu trầm xuống: "Lúc đó, cấp ủy và chính quyền phải thành lập tổ công tác để bàn cách giải quyết”. Có đồng chí nóng ruột, lo cho các chiến sĩ đã đưa ra ý kiến dùng biện pháp cưỡng chế, nhưng ông không đồng ý mà đề nghị phải kiên trì giải thích thuyết phục để bà con nhận rõ đúng sai.
Ông Sáu được phân công giải thích về pháp luật. Ông đã vạch trần hành vi phạm tội của tên T và phân tích rõ cho bà con giáo dân hiểu rằng: Đảng và Nhà nước rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của bà con và việc đó đã được quy định trong Hiến pháp. Song, làm gì cũng phải tuân theo pháp luật, bà con chưa xin phép chính quyền mà đã làm là sai rồi.
Ông T bị bắt vì lợi dụng lòng tin để lấy tiền của 6 bà con mang về xây nhà mình, trong đó có 3 bà con giáo dân. Hành vi của ông T là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Khi bà con giáo dân vỡ lẽ ra, ông Sáu tiếp tục mềm mỏng tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Nhà nước với người biết lỗi lầm.
Ông nói: "Nếu ông T xin lỗi bà con và cam kết với Viện Kiểm sát là trả lại tiền đã chiếm đoạt của bà con thì hôm nay trước bà con tôi cam kết sẽ ký lệnh hủy bỏ tạm giam. Còn bà con không biết mà bắt giữ các cán bộ công an, gây mất trật tự là bà con sai”. Sau đó, bà con hiểu rõ chân tướng vụ việc và vui vẻ giải tán đám đông.
Ông Sáu tâm sự: "Mình học trong trường chỉ một phần thôi, thực tiễn phong phú lắm! Từ giải quyết điểm nóng đến công tác dân vận đều phải chọn đúng phương pháp. Quan trọng là phải hiểu dân vì dân mình tốt lắm nhưng nếu người dân không hiểu rõ sự việc thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, chia rẽ mất đoàn kết”.
Quả thật, có kiến thức pháp luật vẫn chưa đủ mà cán bộ kiểm sát còn phải gần dân, học dân và hiểu dân để có phương pháp làm việc khách quan, thận trọng và hiệu quả. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành KSND, tôi xin kể lại câu chuyện này như một lời tri ân với những cán bộ đi trước và cũng là bài học quý cho thế hệ cán bộ kiểm sát trẻ hôm nay.
Đỗ Thái Trung (Viện KSND thị xã Nghĩa Lộ)