Cách đây 57 năm, ngày 31/8/1963, phát biểu tại Hội nghị Tuyên huấn miền núi, sau khi ghi nhận những nỗ lực cố gắng của cán bộ tuyên huấn trong công tác tuyên truyền, Bác dạy:
"Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm. Ví dụ: Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ đồng bào Mèo và Thái khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác.
Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện.
Bác nói mấy kinh nghiệm. Ở Tân Trào, lúc đó mới làm xong cái nhà văn hoá. Hôm khánh thành, có hai đồng chí cán bộ, một nam một nữ, đến nói chuyện. Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả. Đó là kinh nghiệm tuyên truyền. Còn huấn luyện thì thế nào? Một hôm đi qua xã Hồng Thái. Bác thấy có một số thanh niên, cả nam và cả nữ ngồi nghỉ ở dưới gốc cây đa. Bác cũng lại đấy ngồi nghỉ. Bác hỏi:
- Các anh các chị đi đâu về đấy?
- Chúng em đi học về.
- Học gì đấy?
- Học Các Mác.
- Có hay không?
- Hay lắm.
- Thế có hiểu không?
- Không hiểu gì hết.
Lớp ấy là lớp huấn luyện của Mặt trận lúc bấy giờ. Mỗi xã cử mấy người đem cơm gạo đi ăn để học. Học cái gì? Học Các Mác. Hay thì có hay, nhưng không hiểu gì hết.
Đấy là những kinh nghiệm làm không tốt. Bây giờ nói kinh nghiệm làm tốt. Ở một lớp huấn luyện khác có đồng chí Giáp, đồng chí Đồng phụ trách. Mỗi người được chọn đi học như thế, mang theo gạo, ngô để ăn và bớt một ít để góp nuôi thầy giáo. Mỗi lớp huấn luyện như thế, học một số việc cụ thể, thiết thực. Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì. Làm như thế nào. Học mười ngày rồi về, đi làm. Họ làm rất tốt. Phong trào Việt Minh ở Cao Bằng hồi đó phát triển rất nhanh. Họ làm khoảng sáu tháng, hết "tủ", họ lại về học lần nữa. Tuyên truyền huấn luyện không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả.
Các chú so sánh hai kinh nghiệm đó, mà tuyên truyền huấn luyện.
Một bên nói "hay" mà không hiểu, một bên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được.
Kỷ niệm 90 Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020), những lời Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị đối với những người trẻ làm công tác tuyên giáo như chúng tôi trong giai đoạn hiện nay. Người dạy, quan trọng của công tác tuyên truyền là hiệu quả đạt được như thế nào. Bác đưa ra hai ví dụ rất rõ ràng, đó cũng chính là cách Bác đang làm công tác tuyên huấn. Rất cụ thể và thiết thực. Qua lời dạy của Bác Hồ, chúng ta có thể rút ra được bài học về thực hiện công tác tuyên truyền nói riêng và công tác tuyên giáo nói chung như sau:
Thứ nhất là phải chủ động và linh động, sáng tạo. Trong công tác tuyên giáo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, ngoài việc cập nhật kịp thời đường lối, chủ trương mới của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành, triển khai tốt các định hướng, chỉ đạo của cấp trên cần chủ động, linh động để triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương, địa bàn phụ trách. Không áp dụng máy móc, thiếu tính thực tiễn để mang lại hiệu quả không cao. Không bị động, chờ chỉ đạo mới triển khai khi thực tế đang đòi hỏi đưa ra hướng giải quyết kịp thời. Để làm được điều đó đòi hỏi cán bộ, công chức ngành tuyên giáo phải có phong cách làm việc sâu sát quần chúng để hiểu được tư tưởng, dư luận xã hội và đưa ra cách thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Thứ hai là sử dụng cách truyền đạt dễ hiểu nhất để vừa truyền tải hết nội dung vừa để người nghe, người tiếp nhận thông tin hiểu được hết, nắm bắt được hết. Để có cách truyền đạt dễ hiểu là cả quá trình rèn luyện cách nói, cách viết. Sử dụng ngôn từ gẫn gũi nhất và dễ hiểu nhất đối với các đối tượng cần được truyền đạt thông tin. Tránh nói hoa mỹ, nói "hay” hoặc cách viết dùng từ nhiều nghĩa, không rõ nghĩa... Việc này đòi hỏi cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân nắm rõ và đồng lòng cùng thực hiện. Thực trạng hiện nay, một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin dễ hoang mang trước những luận điệu xuyên tạc, dễ bị lợi dụng, kích động và lôi kéo làm những việc gây tổn thất cho kinh tế đất nước và hình ảnh của người Việt Nam. Chính vì vậy, đi đôi với việc giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, công tác tuyên giáo phải thường xuyên nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững trận địa tư tưởng, đem lại niềm tin cho Nhân dân.
Với tinh thần đó, những người làm công tác tuyên giáo luôn cố gắng phấn đấu thật tốt, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trau dồi chuyên môn để góp phần vào sự thành công trong sự nghiệp tuyên giáo của Đảng.
(Theo internet)