Yên Bái giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020: Dấu ấn từ đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/10/2020 | 7:56:57 AM

YênBái - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Yên Bái đánh dấu những thành công trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, dấu ấn hết sức nổi bật, mang tính đột phá là giảm nghèo bền vững. Đó cũng là một trong những trọng điểm ưu tiên được tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh.

Nguồn vốn tín dụng chính sách, ưu đãi của Nhà nước tạo động lực để người dân vùng cao Mù Cang Chải vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách, ưu đãi của Nhà nước tạo động lực để người dân vùng cao Mù Cang Chải vươn lên thoát nghèo.

Với cách làm mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình hành động (Chương trình 144, 190) và xây dựng các kế hoạch giảm nghèo (Kế hoạch 131, 170) cụ thể, sát thực tế. Trong đó, để các chương trình, kế hoạch đạt kết quả cao, Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. 

Với trách nhiệm trước Đảng bộ, từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc đảng bộ, sở, ngành được phân công phụ trách thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững; đồng thời vừa trực tiếp triển khai việc vận động, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ thoát nghèo theo chỉ tiêu được giao. 

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh, các tổ chức hội, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (68 cơ quan, đơn vị) vừa lãnh đạo tốt nhiệm vụ chuyên môn ngành mình, lĩnh vực mình vừa trực tiếp chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ thoát nghèo tại các xã theo chỉ tiêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các huyện, thị, thành ủy xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết tại địa phương mình, huy động cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Là cấp cơ sở, sát dân nhất, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc rà soát, lập danh sách hộ thoát nghèo  đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch; phân loại cụ thể hộ nghèo theo nguyên nhân dẫn đến nghèo... trên cơ sở đó để xác định biện pháp hỗ trợ một cách thiết thực, cụ thể. Chỉ tiêu giảm nghèo chính là "thước đo” đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, là tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm.

Với mục tiêu, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, 5 năm qua, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Qua đó, tập trung nguồn lực, tích hợp chính sách của Trung ương để ban hành bộ cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Do đó, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm). Trên địa bàn hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn; phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP...

Với nguồn lực huy động trên 24.600 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 32%, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của Yên Bái đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc. Sau 5 năm, toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn NTM (nay còn 64/150 xã do sáp nhập, chiếm trên 44,6% số xã của tỉnh), gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết. Cùng với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, dịch vụ, du lịch và đã hình thành khá rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm. 

Tỉnh cũng tích cực triển khai thu hút đầu tư, nên nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước như: Vingroup, TH, SunGroup, Eurowindow, Hoa Sen, APEC… lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư. Bên cạnh đó, do tỉnh quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn nên số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tăng nhanh và hoạt động khá hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 doanh nghiệp (gấp gần 2 lần so với năm 2015) và gần 500 hợp tác xã, 4.100 tổ hợp tác và gần 22.000 hộ kinh doanh. Từ đó, tạo cơ hội có việc làm, thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.

Cùng đó, để giảm nghèo bền vững, hiệu quả, tỉnh cũng luôn quan tâm hỗ trợ tạo việc làm, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội. Trong 5 năm qua, có trên 98.000 lao động được đào tạo nghề; gần 94.500 lao động được tạo việc làm mới. 



Lãnh đạo Báo Yên Bái kiểm tra tình hình sản xuất của hộ khó khăn tại thôn Khau Sén, xã An Phú, huyện Lục Yên - xã được Tỉnh ủy phân công Báo Yên Bái phụ trách. 

Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đã góp phần bảo đảm ổn định, tiến bộ, công bằng xã hội. Trong đó, hoàn thành hỗ trợ xây dựng gần 3.600 nhà cho 100% người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; thực hiện chính sách bảo trợ và trợ giúp xã hội cho trên 24.000 người; cơ bản bảo đảm cuộc sống đối với các đối tượng thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế...

Đặc thù của tỉnh miền núi với nhiều xã, thôn, bản khó khăn; trong đó, có 2 huyện vùng cao, nên tỉnh còn tập trung giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiệm kỳ qua, tỉnh kiên trì thực hiện nhiều giải pháp để vận động đồng bào thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật; mở rộng diện tích ruộng bậc thang, cây sơn tra, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, các sản phẩm có lợi thế, giá trị kinh tế cao. 

Với hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn lực ngân sách đầu tư hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, trạm y tế, nước hợp vệ sinh… nên tới nay 100% số xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 70% phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; 100% các xã có trạm xá và có điểm phục vụ bưu chính; gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh... Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tiếp tục có bước đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, qua triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, tỷ lệ giảm hộ nghèo của Yên Bái nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt bình quân khoảng 4,93%/năm (cao hơn 0,93% so với giai đoạn trước), giảm từ 32,21% năm 2016, xuống còn 7,56% năm 2020. Đối với 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 7,8%/năm, vượt mục tiêu, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 37%.

Thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững không chỉ tạo niềm vui, niềm tin vào tương lai tốt đẹp cho từng hộ nghèo, mà giảm nghèo bền vững còn làm thay đổi bộ mặt quê hương Yên Bái từ vùng thấp đến vùng cao. Đồng thời, để lại nhiều kinh nghiệm quý trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi nhằm tiếp tục giúp hộ nghèo chủ động vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Đình Tứ

Tags Yên Bái giảm nghèo bền vững Lục Yên An Phú chương trình 144 chương trình 190

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn - Phó Chính ủy Quân khu trao bằng khen cho Bộ CHQS tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo ” xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” giai đoạn 2016  - 2020.

Ngày 6-10, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 2 do Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn- Phó Chính ủy Quân khu làm trưởng đoàn đã kiểm tra kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng 9 tháng năm 2020 tại Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái và trao bằng khen của Bộ Quốc phòng cho Bộ CHQS tỉnh Yên Bái vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” giai đoạn 2016 - 2020.

Trụ sở Công an huyện Than Uyên

Nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác tại các đơn vị thuộc Công an các huyện ở tỉnh Lai Châu bị khai trừ khỏi Đảng vì sử dụng bằng giả, ma túy.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (ảnh trái); Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (ảnh phải)

Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định điều động, bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh kết hợp với tổ chức Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V và tuyên dương Chi Hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục