Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Công tác dân vận của Đảng, 75 năm công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Yên Bái

Nâng cao chất lượng công tác dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/10/2020 | 7:53:49 AM

YênBái - Toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng trên 5.500 mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Phong trào thi đua "Dân vận khéo” đã góp phần phát huy tốt vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), 75 năm công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Yên Bái (1945 - 2020), phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy về ý nghĩa lịch sử Ngày truyền thống và nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết ý nghĩa lịch sử Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng!

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh: Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng cho công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc. 

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 - 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. 

Từ tháng 10/1930, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức, đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. 

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là "Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. 

Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác dân vận của tỉnh Yên Bái thời gian qua?

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh: Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân vận của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phương pháp, nội dung có nhiều đổi mới; bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố... 

Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác dân vận đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy được trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động được trên 24.600 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 32%. 


Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai nhiệm vụ công tác dân vận những tháng cuối năm 2020.  

Thực hiện Phong trào thi đua "Dân vận khéo”, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng trên 5.500 mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Phong trào thi đua "Dân vận khéo” đã góp phần phát huy tốt vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn, phức tạp, nắm tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo để vận động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận chính quyền đạt kết quả tích cực thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức và cá nhân. 

Việc ban hành, thực hiện đồng bộ kế hoạch "Ngày thứ 7 cùng dân", Chương trình "Cà phê doanh nhân" đã tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân và đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với ban dân vận của cấp ủy, mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. 

Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận được nâng lên. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

P.V: Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, công tác dân vận của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh: Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi công tác dân vận phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. 

Theo đó, công tác dân vận sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp gồm: đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận các cấp, hướng về cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, xây dựng cộng đồng xã hội dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, hài hòa, văn minh.

Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua "Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước; nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận; xây dựng, triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng lực lượng công nhân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao; quan tâm chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thanh niên học tập, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện vai trò, trách nhiệm giới và chủ động, tích cực tham gia sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển; quán triệt và thực hiện tốt quan điểm "dân là gốc" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". 

Chú trọng vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân hướng vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Oanh (thực hiện)

Các tin khác
Ông Lê Minh Hưng

Kỳ họp thứ 10 tới đây, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Lễ tôn vinh nhằm vinh danh những nông dân Việt Nam xuất sắc, đóng góp công sức, tài năng, sáng tạo của người nông dân nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân.

Ông Nguyễn Khắc Định tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà khóa XVII, đã được bầu tái cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các tập thể, cá nhân được tuyên dương tại Hà Nội.

Vừa qua, Ban Dân Vận Trung ương đã tổ chức tuyên dương 203 điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020, nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020) đồng thời trao giải cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục