Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam bao gồm: Cấp cao ASEAN 37, 7 Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Liên Hợp Quốc; Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Cấp cao của các Nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Cấp cao Mê Công - Nhật Bản, Mê Công – Hàn Quốc; Cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 và Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) lần thứ 11.
Ngoài ra, các hoạt động bên lề gồm có Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên của các Nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) và Hội đồng kinh doanh Đông Á (EABC).
Hội nghị lần này sẽ tập trung vào 4 nội dung chính: Xây dựng Cộng đồng vượt thách thức, Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, Đẩy lùi COVID-19 và thúc đẩy phục hồi, Trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay.
Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan, các Trưởng SOM bàn bạc trước, thảo luận căn cơ, chi tiết, thống nhất. Cần nêu bật tinh thần nguyên tắc ASEAN là đồng thuận. Cho nên, phải chủ động hơn nữa trong mọi tình huống. Phải thể hiện khí thế nước chủ nhà ASEAN tốt nhất, có tổng kết, đánh giá sau hội nghị khi 10 năm chúng ta mới đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN một lần.Trước đó, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp báo cáo về tình hình chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hội nghị cấp cao lần này tuy tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng Việt Nam phải làm tròn trách nhiệm của Năm Chủ tịch ASEAN, tổ chức hội nghị trang trọng, đoàn kết và tiết kiệm. Phải nâng cao hơn nữa uy tín Việt Nam trên trường quốc tế và ASEAN, không để xảy ra bất cứ trục trặc nào. Dự kiến, hội nghị sẽ có dự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác ASEAN, các nước lớn quan tâm. "Thành phần quyết định chất lượng", Thủ tướng nhấn mạnh một tinh thần hợp tác, đoàn kết, thuyết phục.
Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát, hoàn thiện các phương án, văn kiện, không để xảy ra hiểu lầm, trục trặc, "tinh thần đoàn kết ASEAN là quan trọng nhất". Bộ Ngoại giao chuẩn bị kịch bản chặt chẽ, khoa học. Về chương trình, Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh tuyên truyền.
Đối với Hội nghị Cấp cao Kinh doanh ASEAN, Thủ tướng lưu ý cần thu hút, kêu gọi sự hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp; chuẩn bị nội dung thật tốt, thảo luận kỹ càng. Thủ tướng sẽ dự các sự kiện quan trọng về đầu tư, kinh doanh để kêu gọi, thuyết phục cũng như hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác làm ăn trong ASEAN. Cần mở rộng đón tiếp nhà đầu tư, doanh nghiệp nhân dịp này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát thành công dịch COVID-19.
Công tác tổ chức khai mạc, bế mạc phải được đặc biệt chú ý, tạo khí thế cho một loạt các sự kiện. Thủ tướng tin tưởng các bộ, ngành, cơ quan phối hợp chặt chẽ để tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị Cấp cao liên quan thành công tốt đẹp.
(Theo VTV)