Yên Bái phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/11/2020 | 7:53:25 AM

YênBái - Với trên 210.000 trí thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tuy trong điều kiện của một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Yên Bái luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đến đội ngũ này.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh thăm cơ sở đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh thăm cơ sở đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.

Cụ thể hóa Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 14/01/2009 thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, đề án chuyên đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh.

Đó là Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 22/12/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2020; Đề án số 08-ĐA/TU về "Đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”; Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 8/8/2018 về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”…

Tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo, chú ý phát triển giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đầu tư cho giáo dục mũi nhọn. Thực hiện tốt, đảm bảo quy trình, quy định việc tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, quan tâm xây dựng các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Thực hiện chính sách ưu tiên, thu hút đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhằm bổ sung đội ngũ trí thức có trình độ cao về tỉnh. 

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách của tỉnh; đầu tư nghiên cứu xây dựng các đề tài khoa học, đề án, sáng kiến kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực. 

Hàng năm, tỉnh dành từ 50-60% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cho nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao các mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giới trí thức địa phương...

Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phần lớn đội ngũ trí thức của tỉnh đã yên tâm công tác, tích cực tham gia các hình thức học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Vì vậy, đội ngũ trí thức của tỉnh có bước tiến bộ, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có chuyển biến mạnh về trình độ chuyên môn. 

Nhiều công trình, đề tài, dự án, sáng kiến, giải pháp khoa học và công nghệ của trí thức Yên Bái được nghiên cứu, triển khai áp dụng vào thực tiễn, đạt kết quả tích cực. 

Cụ thể, giai đoạn 2008 đến 2020, trí thức tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện 451 đề tài, dự án khoa học và dự án, trong đó 245 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 99 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 62 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, tài nguyên môi trường, công nghệ thông tin; 45 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khác. 

Ngoài ra, trí thức Yên Bái còn có hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng đội ngũ trí thức của tỉnh còn hạn chế; còn thiếu những cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học chuyên sâu theo lĩnh vực. Trình độ, năng lực thực tiễn, khả năng đổi mới, sáng tạo của một bộ phận trí thức còn hạn chế; số lượng đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn chưa nhiều, chất lượng chưa cao. 

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đạt yêu cầu. Việc xây dựng, cụ thể hóa cơ chế, chính sách tập hợp, phát huy tốt trí tuệ của đội trí thức trong và ngoài tỉnh đóng góp trí tuệ, tham gia ý kiến vào các đề án, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kinh phí đầu tư nghiên cứu khoa học còn có mặt hạn chế so với yêu cầu...

Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như yêu cầu đổi mới, sáng tạo, hướng tới sự phát triển xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh ủy cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. 

Tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Tiếp tục phát huy dân chủ, tôn trọng sự tự do, sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trí tuệ, cống hiến qua: quan tâm xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh.

Chú trọng rà soát, bổ sung hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ trí thức của tỉnh từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, thu hút, tập hợp trí thức gắn với quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ trí thức; tôn vinh, khen thưởng, biểu dương kịp thời đội ngũ trí thức tiêu biểu, có nhiều sáng tạo, cống hiến... qua đó, tạo động lực cho trí thức cống hiến, sáng tạo. 

Có chính sách thỏa đáng khuyến khích, thu hút trí thức trẻ học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên sâu trong nước và nước ngoài về phục vụ địa phương, đặc biệt những ngành trọng yếu về khoa học, kỹ thuật, môi trường, công nghệ thông tin... 

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật tỉnh và các tổ chức hội thành viên. Bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu, các công trình khoa học có tính chất ứng dụng cao trong thực tiễn; nâng cao chất lượng kiểm định, xét duyệt các đề tài khoa học đảm bảo thiết thực, hiệu quả...  

Đặc biệt hơn cả là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý thức, trách nhiệm của trí thức đối với sự phát triển của tỉnh.    

Nguyễn Đình

Tags đội ngũ trí thức nguồn nhân lực cán bộ trẻ cán bộ nữ dân tộc thiểu số

Các tin khác

Chiều 18/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất- Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Sáng 18-11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2020). Xin trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại buổi lễ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật sự thiết thực, hiệu quả.

MTTQ và các đoàn thể chung tay xóa nhà dột nát cho hộ nghèo

Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Trấn Yên đã tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ làm công tác Mặt trận nhân dịp kỷ 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2020).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục