Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Mù Cang Chải trở thành điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Giữ gìn bản sắc văn hóa cũng đồng nghĩa với việc tạo nên sức hấp dẫn với số đông du khách muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục bản địa.
Tuy nhiên, đã có tình trạng nhạt dần bản sắc tại một số địa bàn các tỉnh miền núi Tây Bắc. Mù Cang Chải muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch, ngay lúc này, cần tránh được đô thị hóa, bê tông hóa, hay "xâm lấn” văn hóa…
Thạc sĩ Hoàng Thị Phương Nga - Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã có lý khi cho rằng: "Trong quá trình phát triển du lịch, nếu không cẩn trọng, sẽ làm mất đi nét văn hóa riêng có của vùng. Theo tôi, địa phương cần tập trung đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; xây dựng các làng văn hóa du lịch có chất lượng, phát triển các làng nghề; xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch; cải cách hành chính thu hút đầu tư, tăng cường quảng bá du lịch; nghiêm cấm mọi hoạt động du lịch làm ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Mặt khác, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch bền vững, tạo mối liên kết vùng và tích cực thu hút đầu tư, xây dựng cộng đồng làm du lịch để nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính sản phẩm du lịch do họ tạo ra”.
Tour trải nghiệm dịch vụ khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang bằng máy bay trực thăng Bell 505 lần đầu tiên được triển khai ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Internet)
Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bản sắc, an toàn, thân thiện, hấp dẫn, Mù Cang Chải đang triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khu dân cư; quy hoạch ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình thực hiện, sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch theo chiến lược theo từng giai đoạn; đảm bảo phù hợp trong các điều kiện cụ thể. Trong đó, chú trọng tôn tạo các quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, khu du lịch đèo Khau Phạ; trồng đào rừng, mận rừng, hoa ban, phong lá đỏ dọc đường quốc lộ 32 và từ đường quốc lộ đến trụ sở xã.
Đồng thời, hỗ trợ cho các hộ gia đình làm dịch vụ homestay trên địa bàn huyện vay không lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà nghỉ cộng đồng, hướng dẫn lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường. Đối với các hộ du lịch kinh doanh homestay, huyện chủ trương khuyến khích các hộ gia đình đã có nâng cao chất lượng phục vụ, tiện nghi tối thiểu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; mở thêm các loại hình du lịch cộng đồng Bungalow đáp ứng nhu cầu của khách hàng....
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu số lượng khách du lịch đến với huyện bình quân 200.000 lượt người/năm, trong đó khách quốc tế bình quân 50.000 lượt người/năm. Mù Cang Chải cần tập trung thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng, khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, kết hợp hài hòa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường và bản sắc truyền thống địa phương.
Đồng thời, ưu tiên phát triển dịch vụ ngân hàng, thương mại, vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, cung cấp xăng dầu; khuyến khích hỗ trợ, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc sắc của địa phương; điều chỉnh, mở rộng chợ trung tâm huyện; từng bước mời gọi, thu hút đầu tư, cải tạo, nâng cao hệ thống chợ bán lẻ trên địa bàn huyện, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh khu vực thị trấn, Ngã Ba Kim, trung tâm Khao Mang, xã Nậm Khắt và trung tâm một số xã dọc quốc lộ 32... để thúc đẩy trao đổi, giao lưu hàng hóa; khuyến khích đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt là bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh giá trị di tích, phát huy giá trị di tích đưa di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương; duy trì việc tổ chức các hoạt động du lịch thường niên nhằm quảng bá du lịch và xây dựng thương hiệu cho du lịch Mù Cang Chải.
"Huyện tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực vào lĩnh vực du lịch nhất là cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch; tiếp tục quảng bá các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới; triển khai các dự án đầu tư như Khu nghỉ dưỡng kết hợp với trồng cây dược liệu và phát triển du lịch khu vực Tà Cua Y (giáp ranh xã Chế Cu Nha và xã Nậm Có); Khu du lịch sinh thái xã Púng Luông; Trung tâm thương mại gắn với phát triển du lịch Ngã ba Kim, xã Púng Luông; Đầu tư chợ trung tâm xã Khao Mang; phát triển dược liệu dưới tán rừng (tại một số xã); phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại xã Cao Phạ và Dự án phát triển thung lũng hoa tại xã Dế Xu Phình” - cũng theo bà Lương Thị Xuyến.
Với Mù Cang Chải, phát triển du lịch đồng thời là cơ hội để phát triển các sản phẩm đặc sản của huyện, nhất là các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và hai sản phẩm đang hoàn thành quy trình thủ tục. Huyện đang tập trung đẩy mạnh mô hình sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, và các dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) với các sản phẩm nông - lâm sản đặc trưng như: mật ong, sơn tra; xây dựng và phát triển một số đặc sản như gà đen, lợn đen, gạo nếp Cao Phạ, các loại rau, củ địa phương, chè vùng cao, mía tím, lạc đỏ, ngô tí hon...
Cùng đó, xây dựng các điểm sản xuất rau hàng hóa tại các xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Khao Mang, Lao Chải có quy mô hợp lý đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo số lượng và chất lượng, xây dựng được thương hiệu bền vững cho sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu là vấn đề rất lớn nhưng không quá khó nếu Mù Cang Chải chủ động hơn nữa với sự hỗ trợ của các chuyên gia về thương hiệu. Thương hiệu cho từng sản phẩm du lịch, cho từng đặc sản của địa phương. Sự đổi mới và quảng bá, giới thiệu một cách tinh tế hơn, đa dạng hơn là một hướng đi mới, theo Việt Kiều Mỹ - ông Trường Nguyễn, việc tổ chức ký họa Mù Cang Chải với ý tưởng giới thiệu Mù Cang Chải qua tranh vẽ là một trong những cách làm mới cùng với tiếp tục nỗ lực truyền thông trên các phương tiện hiện đại. Các nhà kinh doanh, sản xuất có thể sử dụng chính những hình họa này để quảng bá Mù Cang Chải trên sản phẩm của Mù Cang Chải.
Còn theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang: "Thương hiệu du lịch Mù Cang Chải là một sản phẩm văn hoá phi vật thể. Du lịch Mù Cang Chải là ngắm ruộng bậc thang và tham gia nhiều hoạt động như bay dù lượn, nhiếp ảnh, ngắm cảnh và tận hưởng không khí mùa thu vàng. Đó là một sự kết hợp giữa các sản phẩm lý tính và phi lý tính, từ đó khẳng định thương hiệu Mù Cang Chải”.
Mù Cang Chải đã được nhiều hãng truyền thông lớn bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. CNBC của Mỹ chọn Mù Cang Chải là điểm đến năm 2020 cho du khách; Big 7 Travel công bố Mù Cang Chải xếp thứ 21 trong danh sách 50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2020. Đây là một thuận lợi rất lớn để du lịch Mù Cang Chải đứng vững trong danh sách những thương hiệu du lịch quốc tế hấp dẫn nhất.
Từ điểm dừng nghỉ đơn thuần, sau nhiều năm với những nỗ lực rất lớn và liên tục, hôm nay Mù Cang Chải đã là một "địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Một triết lý phát triển cùng những nỗ lực phát triển xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện, hấp dẫn và một chiến lược phát triển khá bài bản đang mở ra cho du lịch Mù Cang Chải cơ hội phát triển mới với ý nghĩa là một "chìa khóa” để Mù Cang Chải phát triển thành huyện du lịch trong dăm năm tới như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Khách du lịch quốc tế không thể nhớ thương hiệu Lào Cai hay Yên Bái, người ta chỉ nhớ Sapa và Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải được liệt kê vào danh sách những thương hiệu hấp dẫn nhất thế giới sẽ là cơ hội lớn cho lãnh đạo địa phương cùng Tổng cục Du lịch phát huy những giá trị thương hiệu hiện có và còn tiềm năng của Mù Cang Chải, đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế cho cả người dân địa phương.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang |
Thanh Ba - Mai Linh