Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh chia sẻ: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ là truyền thống tốt đẹp của lực lượng công an nhân dân nói chung và CSGT nói riêng, chúng tôi nguyện sẽ ra sức phấn đấu để tô thắm thêm truyền thống vẻ vang ấy".
Lực lượng CSGT được thành lập ngày 21/2/1946. 75 năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT luôn nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); được nhân dân ghi nhận; được Đảng, Chính phủ, Bộ Công an và các cấp trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Trải qua những chặng đường phát triển, lực lượng CSGT tuy có những thay đổi về tổ chức, tên gọi nhưng vẫn luôn từng bước khẳng định là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ TTATGT – trật tự xã hội, phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Nhìn lại chặng đường trong suốt 75 năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT thêm tự hào về trang sử vẻ vang trong sự nghiệp cống hiến và phục vụ nhân dân.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng thành "Việt Nam Công an vụ”; trong đó, có một bộ phận thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuần tra kiểm soát, bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường, bến xe, bến phà, bến cảng… Có thể coi đó chính là lực lượng CSGT bao gồm: CSGT đường bộ, đường sắt, đường thủy sau này. Ngày 21/2 hằng năm, được công nhận là ngày truyền thống của lực lượng CSGT.
Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức tiền thân của CSGT được lập thành Đội Công an chỉ đường, Đội Công an kiểm tra xe tải thuộc Ban Trật tự do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, Đội Tuần tra kiểm soát trên sông... đã làm nhiệm vụ chỉ đường, kiểm tra xe vận tải, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, kiểm tra giúp đỡ người qua lại ở các tuyến đường giao thông quan trọng, các khu vực giáp ranh giữa ta và địch, các cơ quan, kho tàng, bến bãi...; phối hợp bảo vệ đồng bào đi sơ tán, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân; bảo vệ sửa chữa, làm mới cầu đường, bảo vệ giao thông vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí, đạn dược; phát hiện những đối tượng lợi dụng phương tiện để hoạt động cho địch.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà, lực lượng CSGT được thành lập, tham gia tiếp quản thủ đô và các tỉnh, thành phố, thị xã miền Bắc, đảm bảo TTATGT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, cán bộ, chiến sĩ CSGT kiên cường bám trụ trên từng tuyến đường, cây cầu, bến phà và những trọng điểm địch đánh phá ác liệt để chỉ huy, hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, cứu người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Trên tuyến đường sắt, đế quốc Mỹ đã ném bom hơn 10.000 lần xuống 3.700 tuyến trọng điểm.
Có thể nói không một con đường, cây cầu, bến phà nào còn nguyên vẹn bởi bom đạn của giặc Mỹ. Nhưng với khẩu hiệu "Mặt đường, sông nước là chiến trường”, "Phương tiện giao thông là vũ khí” và quyết tâm sắt đá "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, "Địch phá, ta sửa ta đi”, "Địch lại phá, ta lại sửa ta đi” và "Địch phá ta cứ đi”... chính tại những vị trí ác liệt và nóng bỏng này, lực lượng CSGT vẫn ngày đêm bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, bến phà và những trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá để hướng dẫn, chỉ huy, điều tiết giao thông, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, an toàn, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; phối hợp cùng thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến, công nhân cầu, đường và nhân dân sửa đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, mở đường, thông tuyến cho xe, tàu, thuyền qua lại an toàn, góp phần vào công cuộc đấu tranh và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước độc lập, thống nhất, lực lượng CSGT lại bước vào trận tuyến mới "Bảo đảm TTATGT, phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế” không kém phần khó khăn phức tạp và quyết liệt. Phát huy truyền thống anh hùng của những năm tháng đánh Mỹ, lực lượng CSGT đã khắc phục khó khăn, gian khổ vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong trận tuyến ấy, máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT đã đổ trên những tuyến đường.
Những diễn biến đa dạng và phức tạp của thời kỳ hội nhập hiện nay đặt lên vai lực lượng CSGT trọng trách rất lớn: vai trò nòng cốt, xung kích trong việc thực hiện các chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo TTATGT. Để làm được điều đó, lực lượng CSGT phải không ngừng tự đổi mới, rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CSGT luôn tâm niệm việc học tập, thực hiện theo 6 điều Bác Hồ dạy đồng nghĩa với việc thực hiện nhiệm vụ và lý tưởng của mình.
Cảnh sát giao thông kiểm tra an toàn giao thông với phương tiện vận tải hành khách.
Cùng với lực lượng CSGT cả nước, lực lượng CSGT Công an tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc. Truyền thống quý báu của người chiến sĩ CSGT, Công an nhân dân Việt Nam luôn được các thế hệ vụ đắp, tinh thần ra sức rèn luyện, phấn đấu vươn lên hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao luôn được phát huy.
Phòng CSGT luôn làm tốt công tác tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban ATGT tỉnh có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, giữ gìn TTATGT kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sự bình yên trong cuộc sống.
Chỉ tính riêng năm 2020 vừa qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về người và phương tiện nhưng Đảng bộ, chỉ huy và mỗi cán bộ, chiến sĩ đã vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, tổ chức 10.666 ca, 52.377 lượt, 231.448 giờ tuần tra kiểm soát, phát hiện 46.631 trường hợp vi phạm (gồm 924 xe khách, 4.606 xe tải, 1.697 xe con; 39.387 xe mô tô và 17 phương tiện khác), tạm giữ 5.480 phương tiện (223 xe ô tô, 5.247 xe mô tô, 10 phương tiện khác), tổng số vi phạm đã xử lý 41.580 trường hợp, trong đó cảnh cáo 533 trường hợp; phạt tiền 41.047, tước giấy phép lái xe 2.428 trường hợp…, góp phần giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.
Cũng năm 2020, Phòng CSGT đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các thông tư quy định về công tác nghiệp vụ cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của lực lượng CSGT, Thông tư số 72 quy định về tổ chức an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô, xe máy chuyên dùng trong Công an nhân dân; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với lĩnh vực đăng ký xe sử dụng dữ liệu điện tử lệ phí trước bạ. Tổng số phương tiện đã đăng ký quản lý gồm 19.644 ô tô và 477.684 mô tô, xe gắn máy; năm 2020, công an toàn tỉnh đăng ký mới 2.070 xe ô tô, chuyển đến 830 xe, chuyển đi 671 xe, cải tạo - đổi cấp 795 xe.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CSGT, tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân, cận kề khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với các lực lượng khác, CSGT Công an Yên Bái lại căng sức trên các tuyến đường để đảm bảo TTATGT và chủ động phòng, chống dịch bệnh. Khó khăn, vất vả nhưng đó nhiệm vụ, là trách nhiệm của những chiến sĩ công an luôn làm theo lời Bác - Thượng tá Trần Ngọc Tuấn tâm niệm!.
Lê Phiên