Thay vì bon chen phố thị ồn ào, chị Hoàng Thị Xới đã quyết định về nơi mình sinh sống để phát triển du lịch cộng đồng. Với cách làm độc đáo, nhiều khách du lịch đã biết đến homestay của chị và trở thành một trải nghiệm lý thú trong hành trình khám phá tỉnh Yên Bái.
Chị Hoàng Thị Xới vốn là hướng dẫn viên du lịch thuộc thế hệ 9X. Những chuyến đi đến khắp các nơi ở mọi miền tổ quốc đã hình thành trong chị những trăn trở, suy nghĩ về vẻ đẹp quê hương.
Cuối năm 2017, cô gái trẻ có quyết định bất ngờ là xin nghỉ việc ở công ty du lịch và bước vào con đường khởi nghiệp của riêng mình bằng cách xây dựng cơ sở homestay của riêng mình ngay trên chính ngôi nhà sàn của gia đình ở bản Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng. Ý tưởng của chị đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình.
Chị chia sẻ, đây vốn là căn nhà sàn truyền thống của người Tày được chị cải tạo, xây dựng thêm các tiện nghi từ phòng bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh cho đến phòng ở riêng, phòng ở tập trung. Chị cho biết số tiền bỏ ra để tu sửa căn nhà cũng hết gần 300 triệu đồng.
Khi bắt đầu sửa sang nhà cửa đón khách, chị tự viết lời giới thiệu cho homestay của mình là "nơi chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam”. Sau khi các các công đoạn chuẩn bị được hoàn tất, cô gái 9X bắt đầu đón khách từ cuối thu năm 2017. Giá phòng ở theo dạng tập thể (150.000 đồng/ đêm), phòng riêng 300,000 đồng/đêm, nhà sàn nhỏ phù hợp cho cặp đôi hoặc gia đình 2 - 4 người (700.000 đồng/đêm), đã bao gồm ăn sáng và thuê xe đạp, xe máy.
Nhưng khởi đầu chưa bao giờ là dễ dàng bởi tháng đầu tiên chỉ có 1 khách duy nhất đến với homestay của chị. Không chịu bỏ cuộc, chị tận dụng tất cả các kênh để quảng bá, từ bạn bè, mạng xã hội, giới thiệu tới các công ty du lịch, làm website giới thiệu…, gặp ai cũng nói về dự án khởi nghiệp của mình. Dần dần, người này giới thiệu đến người khác, và có người quay lại dẫn theo cả bạn bè, gia đình.
Để phục vụ khách nghỉ chân tốt nhất, những người trong gia đình chị cũng tự học cách làm du lịch cộng đồng, từ kỹ năng giao tiếp, nấu ăn, giới thiệu cho khách. Tết năm 2018 là cái Tết đáng nhớ nhất với gia đình chị, bởi ngoài bốn thành viên trong nhà thì còn có thêm những người khách nước ngoài tới lưu trú và đón năm mới cùng.
Cô gái 9X cho biết những nỗ lực của bản thân đã được đền đáp khi lượng khách đến với homestay tăng đều qua các năm. Trong năm 2019, gia đình chị đã đón gần 300 lượt khách về lưu trú, nghỉ ngơi và khám phá miền quê vùng cao Yên Bái, trong đó có 60% là khách quốc tế. Nhiều du khách đã chia sẻ và có những phản hồi tích cực, thích thú với làng bản với những nếp nhà sàn truyền thống, cảnh sắc thanh bình, người dân thân thiện nơi đây.
Cô gái 9X cho biết những nỗ lực của bản thân đã được đền đáp khi lượng khách đến với homestay tăng đều qua các năm.
Không chỉ từng bước tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho cả gia đình, chị còn đánh thức tiềm năng du lịch quê hương bằng việc tạo ra các chương trình trải nghiệm thú vị cho du khách như khám phá làng bản, leo núi, đạp xe, trồng cây, làm vườn, câu cá, thăm nhà sàn cổ, học dệt thổ cẩm và tìm hiểu về văn hóa người Tày… Cùng với đó là những trải nghiệm gắn với xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm thủ công truyền thống như đồ thổ cẩm, mở lớp dạy nhuộm chàm làm quần áo người Tày, bán các loại đồ đan lát, cốc tre…
Chị cũng cho biết mỗi gia đình ở đây hoàn toàn có thể làm du lịch theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp, để cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ du khách hoặc để họ được tham gia trải nghiệm ra vườn hái rau, lội ao bắt cá, ra đồng gặt lúa, đào khoai…
Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho bà con trong bản, chị Hoàng Thị Xới còn động viên các tổ, đội trong các xóm bản khác cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Tối nào có khách, đội văn nghệ của bà con bản Khéo cũng qua biểu diễn văn nghệ. Những điệu múa truyền thống như hát sli, hát lượn trong trang phục của người Tày trở thành nét hấp dẫn du khách.
Thời gian qua, chị cũng đã tổ chức nhiều chương trình du lịch thiện nguyện cho các tình nguyện viên nước ngoài để lên dạy tiếng Anh cho trẻ em, gieo ước mơ được khám phá những chân trời mới cho thế hệ tương lai của quê hương.
Chị cũng đã tổ chức nhiều chương trình du lịch thiện nguyện cho các tình nguyện viên nước ngoài để lên dạy tiếng Anh cho trẻ em tại bản.
Từ khi bước vào con đường khởi nghiệp riêng, chị Xới cũng nhanh nhạy trong việc biến homestay của mình thành một điểm nghỉ chân trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc, từ đó có thể đi tiếp theo lịch trình khám phá Hà Giang, Sa Pa, Thác Bà… hoặc trở về Hà Nội.
Chia sẻ về ý tưởng làm du lịch cộng đồng của mình, chị Hoàng Thị Xới bày tỏ: "Tôi mong muốn kết nối những bản làng xa xôi, những homestay đến với khách. Vì như thế mình vừa có công việc, vừa có thu nhập và giúp cho những người dân nơi ấy tìm được nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Còn những người khách du lịch thì tìm được niềm vui nơi đất khách”.
Dù đã gặt hái được những thành công bước đầu, nhưng cô gái 9X luôn khiêm tốn khi nói về những kết quả mình đã đạt được. Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, chị Hoàng Thị Xới cho biết: "Hãy bắt đầu một cách đơn giản và tối ưu mọi chi phí và chuẩn bị nhiều phương án cho công việc kinh doanh của mình. Đừng quên học hỏi từ những người đã thành công, họ sẽ cho mình rất nhiều bài học tránh được sai lầm không đáng có. Trên hết, hãy tự tin mà làm. Học hỏi nhiều người nhưng bạn mới là người quyết định mình sẽ làm gì”.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)