Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên (18/5/1901 - 18/5/2021)

Nhà chính trị, quân sự song toàn của Đảng và cách mạng Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/5/2021 | 7:45:45 AM

YênBái - Đồng chí Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ra tại làng Mỹ Quan Thượng, nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tròn 14 tuổi, Nguyễn Vĩ rời quê đi làm công nhân ở thị xã Vinh.

Đồng chí Phùng Chí Kiên.
Đồng chí Phùng Chí Kiên.

Thời gian này, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử cán bộ về Nghệ Tĩnh hoạt động. Năm 1925, Nguyễn Vĩ bắt liên lạc với các bạn đồng hương ở Hương Cảng, trong đó có Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (tức Phạm Hồng Thái). 

Những thanh niên tâm huyết cách mạng này trở thành những thành viên đầu tiên của Tâm Tâm Xã do đồng chí Hồ Tùng Mậu đứng đầu. Khi nắm rõ cương lĩnh hành động của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, anh đã tự nguyện tham gia.

Tháng 10/1926, Nguyễn Vĩ được tổ chức cử đến Quảng Châu, vào học lớp huấn luyện chính trị đầu tiên dành cho những hội viên ưu tú của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở. Anh đổi tên là Phùng Chí Kiên, với nghĩa là "sự tương phùng hội ngộ, sự gặp gỡ giữa chí khí và lòng kiên trung”. 

Sau khóa học, Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử vào học trường võ bị Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn; tham gia bạo động Quảng Châu (ngày 12/12/1927) do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Tháng 2/1931, Phùng Chí Kiên sang học trường đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. 

Đầu năm 1934, Phùng Chí Kiên về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong đứng đầu. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (tháng 3/1935), đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Ủy viên thường vụ của Đảng. 

Tháng 8/1936, Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/7/1936, nhằm đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Nhưng một năm sau, do yêu cầu mới của cách mạng, Lê Hồng Phong về Sài Gòn hoạt động, Phùng Chí Kiên lại sang Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở nước ngoài.

Đầu năm 1940, Bác Hồ đến Côn Minh. Thời gian này, Phùng Chí Kiên được làm việc gần Bác, nhiều lần đưa Người đến các nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn... thuộc tỉnh Vân Nam. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức, Nhật nhảy vào Đông Dương.

Thực hiện chỉ thị của Bác, Phùng Chí Kiên họp Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài bàn việc vận động thành lập Hội Việt Nam Độc lập đồng minh, rồi cùng với Bác chuyển tới Tĩnh Tây, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên theo Bác về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. 

Tháng 9/1940, Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, cuối tháng 6/1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng của ta nhằm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành.

Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Ban Chỉ huy Cứu quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các đồng chí Trung ương qua Tràng Xá về xuôi, còn toàn đội phối hợp với tự vệ chiến đấu hoạt động phân tán, bám dân, duy trì, bảo vệ cơ sở cách mạng. Phùng Chí Kiên chỉ huy Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu anh dũng, phá một số trận càn lớn của địch, góp phần giữ vững tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng. Cứu quốc quân tuy cố gắng nhiều nhưng phải di chuyển luôn, tiếp tế khó khăn, sức lực giảm dần. Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn địch, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. 

Ngày 19/8/1941, cánh quân do đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri - Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ huy qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, nhưng đơn vị thoát được. Ngày 21/8, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức. Bọn châu đoàn phản động ở đây huy động lính dõng khép kín vòng vây. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí sa vào tay giặc và ngày hôm sau 22/8 bị chúng sát hại. Năm đó, đồng chí Phùng Chí Kiên tròn 40 tuổi. 

Ngày 23/7/1947, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho đồng chí. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta. 

K.T

Các tin khác
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã cơ bản được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ xã Yên Thái, huyện Văn Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Tiếp tục tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19/ Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID- 19 và chuẩn bị bầu cử tại huyện Trấn Yên/ Tỉnh ủy lấy ý kiến tham gia Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng/ Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tiếp xúc cử tri huyện Văn Yên/ Một học sinh Yên Bái được miễn thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng đại học… là những tin tức nổi bật tuần qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết!

Những ngày qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID – 19; chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là thành quả từ sự đồng thuận cao và vào cuộc tích cực từ phía người dân; là động lực quan trọng để Văn Yên quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép” trong năm 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục